20171129-nguonnuocthuydien

Công trình nhà máy Thủy điện A Vương

Nhiều năm vừa qua, nhờ phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, nhà máy thủy điện A Vương đã góp phần giảm thiểu các tác động bất lợi của mưa lũ, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn nước vốn hiếm hoi ở miền trung.

Truyền thông cộng đồng

Công trình thủy điện A Vương là nhà máy thủy điện đầu tiên trong bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, với hồ chứa nước có dung tích 343,5 triệu m3 nằm tại huyện Ðông Giang (tỉnh Quảng Nam), gồm hai tổ máy có tổng công suất 210 MW, sản lượng điện bình quân hằng năm là 815 triệu kW giờ, được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) khởi công xây dựng tháng 8-2003 và hoàn thành vào tháng 12-2008.

Trong năm đầu tiên thủy điện A Vương được đưa vào vận hành, cuối tháng 9-2009, trên hệ thống sông Vu Gia đã xuất hiện đợt lũ lịch sử. Việc điều tiết hồ chứa A Vương trong cơn lũ này đã được thực hiện tốt khi cắt giảm được 146 triệu m3 nước trong tổng số 295 triệu m3 nước về hồ, bảo đảm không gây đột biến do lũ cho vùng hạ du. Tuy nhiên, do người dân và chính quyền vùng hạ du không được cung cấp thông tin đầy đủ, cho nên đánh giá chưa đúng về mức độ và vai trò của các hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết trong các cơn lũ.

Phó Tổng giám đốc Công ty thủy điện A Vương (AVC) Ngô Xuân Thế cho biết, nhận thức được vấn đề này, ngay sau cơn lũ lịch sử năm 2009, AVC lập kế hoạch truyền thông cộng đồng với mục đích cung cấp thông tin công khai, minh bạch, khách quan để chính quyền và người dân vùng hạ du biết về quy trình vận hành của hồ chứa; chủ động hiệu chỉnh, cải tiến cách quản lý, vận hành công trình mang lại hiệu quả tốt hơn.

Liên tục từ năm 2010 đến nay, AVC đã thực hiện các đợt truyền thông cộng đồng tại vùng hạ du với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như chiếu phim về biến đổi khí hậu, xây dựng tiểu phẩm kịch tổ chức thi tìm hiểu về phòng chống thiên tai (PCTT) trong học sinh. Thông qua công tác truyền thông, AVC đã bổ sung kiến thức cho lãnh đạo chính quyền các cấp và người dân nắm rõ tình hình biến đổi khí hậu theo chiều hướng ngày càng khắc nghiệt và khó lường, giúp địa phương có biện pháp chủ động ứng phó, phòng tránh bão, lũ.

Không những thế, từ năm 2015 đến nay, AVC kêu gọi các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia, gồm: Ðăk Mi 4; Sông Bung 4, 5, 6 và Sông Côn tổ chức các hội nghị truyền thông giúp người dân hiểu rõ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1537/QÐ-TTg ngày 7-9-2015.

Phối hợp cắt lũ

Theo ông Ngô Xuân Thế, ngoài việc chú trọng công tác truyền thông cộng đồng, mùa mưa lũ hằng năm, AVC phối hợp địa phương, các đơn vị và chủ đập có liên quan trên lưu vực hồ chứa triển khai công tác phòng, chống lụt bão theo năm quy chế, đó là: Phối hợp vận hành hồ chứa thủy điện A Vương với Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố Ðà Nẵng; phối hợp trong phòng, chống lụt bão của các công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia; phối hợp thông tin với Ban Chỉ huy PCTT huyện Ðại Lộc; phối hợp với Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cung cấp thông tin khí tượng thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện A Vương; phối hợp truyền thông với Ðài Phát thanh – Truyền hình huyện Ðại Lộc trong công tác cảnh báo xả tràn hồ chứa thủy điện A Vương cho vùng hạ du.

Sau khi đưa nhà máy vào hoạt động, AVC đã hợp đồng với các địa phương trên lưu vực lắp đặt năm trạm quan trắc đo mưa thủ công. Ðến năm 2014, các trạm thủ công này được thay thế bằng các trạm đo lượng mưa tự động có khả năng thu thập tự động một giờ/lần và truyền trực tiếp về hệ thống máy tính để sử dụng, lưu trữ. Năm 2012, công ty lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát mực nước tại thượng lưu hồ chứa và giám sát các cửa van cung xả tràn, kết nối in-tơ-nét để truyền hình ảnh về trang web của công ty và các cơ quan liên quan theo quy định, quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Ngoài trạm khí tượng thủy văn chuyên ngành đặt trên lưu vực thủy điện A Vương để quan trắc thu thập thông tin lượng mưa, trong thời gian tới, AVC sẽ nghiên cứu lắp thêm các trạm đo mưa tự động (trước mắt là thêm hai trạm) tại các vị trí đại diện cho các tiểu lưu vực và các vị trí có sóng điện thoại di động để tăng cường, bổ sung và dự phòng cho các trạm đo mưa hiện có.

Trên cơ sở kết quả quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy liên tục (một giờ/một lần và 15 phút/một lần), toàn bộ thông tin được cập nhật lên các trang web và hệ thống quản lý hồ chứa của Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ðồng thời, nhà máy cũng báo cáo số liệu quan trắc thủy văn hồ chứa một cách liên tục, thường xuyên, từ đó liên hệ, trao đổi, xin ý kiến đề xuất, tham mưu để Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam chỉ đạo vận hành hồ chứa sát thực tế trong cắt giảm lũ và tích nước phục vụ phát điện, cấp nước hạ du. Trước khi xả lũ, công ty gửi các thông báo về vận hành hạ mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ; thông báo về thời điểm bắt đầu xả tràn khẩn cấp để bảo đảm an toàn công trình hồ đập, cũng như thông báo về thời điểm bắt đầu xả tràn điều tiết hồ chứa thủy điện A Vương cho các cơ quan quản lý các cấp, chính quyền các địa phương vùng hạ du, công ty cũng thông báo qua tin nhắn đến các đồng chí lãnh đạo các cấp để kịp thời nắm tình hình phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; thông báo trên hệ thống loa cảnh báo vùng hạ du trước khi xả tràn theo quy định của quy trình liên hồ; thực hiện gửi bản tin để đài phát thanh và phát lại truyền hình tại hạ du thông báo cho người dân.

Theo Báo Nhân dân