Trong 15 năm (từ 1998 – 2013), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, với tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào chương trình điện khí hóa nông thôn trên cả nước.
Trong đó, riêng vốn vay ODA của các tổ chức tài chính quốc tế hơn 2.500 triệu USD, triển khai các dự án cung cấp điện cho 62 tỉnh/thành phố trên cả nước (trừ TP Hồ Chí Minh).
Bên cạnh các dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên, đồng bào Khmer và các tỉnh ở Trung du miền núi phía Bắc, EVN còn tăng cường đầu tư, cải tạo và nâng cao hiệu quả cung cấp điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa.
Cùng với cấp điện trên đất liền, EVN còn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh biển đảo, cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc bằng cáp ngầm xuyên biển tới đảo Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn.
Điện về nông thôn đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực – Ảnh: Phan Trang |
Ngoài ra, thực hiện mô hình quản lý bán điện nông thôn, EVN còn tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn. Tính đến cuối năm 2013, EVN đã bán điện trực tiếp đến 7.613/9.002 xã (chiếm 84,57%) và 13,40/16,23 triệu hộ nông thôn (chiếm 82,59%), với tổng số 20,899 triệu khách hàng sử dụng điện.
Nếu như trước đây, người dân phải mua điện với giá cao, chất lượng không ổn định, thì hiện nay cả nước chỉ còn khoảng 1.500 xã do các tổ chức ngoài EVN quản lý và sẽ tiếp tục được bàn giao lại cho EVN trong thời gian tới.
Để quá trình điện khí hóa nông thôn được triển khai sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa, EVN cần tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương các cấp và người dân, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tổng hợp số xã và số hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia (từ 1998 – 2013):
Năm |
Số xã |
Tỷ lệ |
Hộ dân |
Tỷ lệ |
1998 |
6.673/8.885 |
75,1% |
7,111/11,384 triệu |
62,5% |
2013 |
9.002/9.086 |
99,08% |
16,225/16,620 triệu |
97,62% |