Hầu hết các hồ chứa đảm bảo chức năng cắt lũ, không có hiện tượng thủy điện xả gây lũ lụt nặng thêm cho hạ du tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng.


Đợt mưa lũ từ ngày 15-17/11 đã gây ngập lụt lớn cho các tỉnh miền Trung. Cùng với việc tập trung các nguồn lực, giúp dân khắc phục hậu quả thiệt hại, các cơ quan chuyên môn và các địa phương đã khẩn trương rà soát, đánh giá các kế hoạch, biện pháp phòng, chống, đặc biệt là vấn đề chức năng điều tiết nước của các hồ chứa, công trình thủy điện, thủy lợi trong vùng.

Đảm bảo chức năng cắt giảm lũ

Lãnh đạo tỉnh Bình Định, nơi chịu mức đỉnh lũ kỷ lục trong lịch sử, cho biết trước đợt mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quản lý 161 hồ chứa thủy lợi hạn chế tích nước để đảm bảo an toàn, một nửa số hồ chứa chỉ giữ 50% dung tích thiết kế để đảm bảo khả năng điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du.

Trên thực tế, vùng thị xã huyện An Nhơn (vùng hạ du hồ Định Bình) bị ngập sâu, nhưng trong khi lũ về, hồ chứa này (với 226 triệu m3) trước khi có lũ đã đóng kín các cống xả sâu, chỉ xả tràn các cánh cửa tràn mặt treo theo đúng quy trình vận hành đã được tỉnh phê duyệt. Đến 16 giờ ngày 16/11, mực nước hồ ở cao trình 86,41m, lưu lượng nước đến hồ là 650 m3/giây, lưu lượng qua tràn là 365m3/giây.

Hồ thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh vào lúc cao điểm nhất, lưu lượng xả qua tràn xuống hồ Định Bình ở mức rất thấp (124 m3/giây). Hồ Trà Xom không xả nước, còn hồ Vĩnh Sơn 5 là đập dâng nên mùa mưa lũ không đóng đập tích nước.

Công tác kiểm tra của Bộ NNPTNT cũng cho biết trong các giờ mưa lớn, hồ Định Bình có lượng nước xả thấp hơn lượng nước mưa về hồ. Các hồ khác đều không xả nước mà là tràn nước qua hồ. Việc điều hành tại hồ Định Bình và các hồ đã giúp điều tiết nước vùng hạ lưu.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng chung nhận định các hồ chứa trên địa bàn tỉnh không xả lũ hay gây lũ nhân tạo khiến lũ chồng lũ trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 117 hồ, trong đó 4 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3 và đập có chiều cao trên 15m, số hồ chứa còn lại có dung tích dưới 3 triệu m3. 5 hồ chứa xuống cấp nặng không tích nước trong thời gian qua. Các hồ đều đang vận hành theo phương thức để nước qua tràn.

Quảng Ngãi có 3 hồ thủy điện đang khai thác và chuẩn bị khai thác gồm Hà Nang, Đăkdrinh, Nước Trong đều để tràn tự do với mức 0,6-0,8m và không xả lũ.

Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước khi mưa lũ, tỉnh đã rà soát, kiểm tra và có biện pháp ứng trực, tu bổ cần thiết đối với các hồ yếu, đồng thời, yêu cầu các hồ giảm dung tích, không cho các hồ có nguy cơ được tích nước để có thể cắt lũ xuống hạ du khi nước về.

Trong thời gian mưa lớn, hầu hết các hồ đều để tràn tự do, không xả nước để gây nên lũ nhân tạo, lũ chồng lũ như một số đài, báo nêu chưa chính xác trong thời gian qua. Tình trạng nước dâng đột ngột là do mưa quá lớn lại diễn ra trong thời gian ngắn.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết thêm, Quảng Ngãi chính là nơi chịu mưa lớn nhất đợt vừa qua. Và với sự chuẩn bị giảm tích nước từ trước, không xả lũ, các hồ đều cắt được lũ khoảng 400-500m3/giây nước về hạ du.

Còn tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết thời điểm xảy ra mưa lớn, hầu hết 73 hồ thủy lợi của tỉnh đều cho chảy qua tràn tự do, 3 hồ cho xả tràn xả sâu với lưu lượng nhỏ.
 
Đặc biệt, đối với 4 hồ thủy điện, tỉnh Quảng Nam giám sát chặt chẽ, có đường theo dõi quá trình lũ của từng hồ. Trong các thời điểm, mức nước xả đều thấp hơn mức nước đến các hồ. Cụ thể, lúc đỉnh điểm nước về hồ Đăk Mi 4 đạt 4.360 m3/giây, mức xả là 3.900 m3/giây, hồ A Vương 898 m3/giây, mức xả 871 m3/giây, hồ Sông Tranh 2 đạt 7.056 m3/giây xả 2.531 m3/giây.

Các cơ quan chuyên môn đánh giá hầu hết các hồ khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng đều thực hiện được chức năng cắt lũ, không làm nặng thêm tình trạng lũ cho vùng hạ du trong thời gian mưa lũ vừa qua và không vi phạm quy trình vận hành hồ chứa.

Cần nâng cao hơn nữa chức năng cắt lũ

Theo giải thích của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương đánh giá, tình trạng ngập lịch sử, lũ lên nhanh trong đợt lũ lụt vừa qua chủ yếu là do mưa quá lớn và cấp tập, lũ về ngay trong đêm dẫn tới khó khăn trong việc thông báo, di dời dân. Mặt khác, một thực tế là địa hình miền Trung dốc, các hồ thủy lợi, thủy điện trong khu vực thường có dung tích nhỏ, ít khả năng chống chọi với mưa lớn cục bộ và chức năng điều tiết nước không cao đối với hạ du.

Lượng mưa đo được ở Quảng Ngãi đạt mức kỷ lục ở thượng nguồn, gây ngập ngay ở các vùng cao trước khi đổ về hạ du. Tại Minh Long, Ba Tơ, An Chỉ đều đạt từ 800mm đến gần 1.000mm. Tại Bình Định lượng mưa tập trung trong đêm 15/11 còn tại Quảng Nam lượng mưa đo được đạt từ 205-536mm diễn ra trong thời gian ngắn.

Các cơ quan chuyên môn cho rằng trước tình hình thiên tai, mưa lũ ngày càng cực đoan và khó lường hiện nay, cần rà soát, nâng cao hơn nữa các công việc chuẩn bị phòng chống tại các công trình thủy lợi, thủy điện, từ việc dự báo, rà soát quy hoạch xây dựng các khu dân cư, công trình vùng lũ phù hợp hơn tình trạng biến đổi khí hậu, quản lý, xây dựng và tu bổ các hồ chứa, bổ sung hệ thống quan trắc.

Đặc biệt, việc thông tin, phương thức thông báo lũ cần cải tiển để kịp thời thông báo cho người dân. Bên cạnh yêu cầu vận hành đúng quy trình, tuân thủ nguyên tắc lượng nước xả phải luôn thấp hơn lượng nước về hồ, thì một yêu cầu cao hơn cho các hồ là phải tính toán cắt lũ đúng đỉnh nhằm giảm lũ hiệu quả cho hạ du.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ