Chiều 21/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIII. Trả lời trực tiếp vấn đề mà nhiều đại biểu quốc hội và cử tri quan tâm liên quan đến quản lý hồ chứa, quy hoạch, xây dựng và vận hành thủy điện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. 
Nhiều hồ thủy lợi mất an toàn

Theo như báo cáo giải trình của Chính phủ, liên quan đến an toàn hồ chứa hiện cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Trong số đó có nhiều hồ đã được xây dựng từ 30-40 năm trước, không còn phù hợp với tình hình bão lũ phức tạp hiện nay, không bảo đảm an toàn, cần sửa chữa nâng cấp. Đối với các hồ thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ chứa.

Đối với hồ thủy lợi, thực hiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được gần 500 hồ. Còn 317 hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Năm 2013, đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 91 hồ. Năm 2014-2015 sẽ rà soát lại và bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa số hồ có nguy cơ mất an toàn.

Cùng với việc sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 61 hồ thủy lợi, thủy điện thuộc 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Đến nay, 20 hồ thuộc 5 lưu vực sông đã được phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Phấn đấu đến cuối năm 2014 hoàn thành việc phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa đối với các hồ thuộc 6 lưu vực sông còn lại. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa.

Phát huy mặt tích cực của thủy điện

Liên quan đến vấn đề nóng là quy hoạch và chất lượng các dự án thủy điện, Thủ tướng cho biết tiềm năng thủy điện là lợi thế lớn của nước ta cần phải khai thác, sử dụng để phát triển. Cụ thể, thủy điện đóng góp quan trọng vào đảm bảo điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong qui hoạch, lập dự án, thi công, xây dựng, lập dự án; hạn chế trong di dân, tái định cư, những hạn chế yếu kém trong việc bảo đảm môi trường sinh thái.
 

20131122-tichcuthuydien2

Nhiều hồ thủy điện thuộc EVN tuân thủ nghiêm ngặt, vận hành theo đúng quy trình. 

Cũng theo Thủ tướng, tinh thần thủy điện phải đảm bảo yêu cầu về an toàn, kinh tế, môi trường. Chính phủ và Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhóm giải pháp như đối với 268 nhà máy thủy điện đang hoạt động (công suất 14.000 MW) thì nhà máy nào không an toàn hồ đập thì sẽ cho ngừng hoạt động và phải đưa ra giải pháp bổ sung bảo đảm hoạt động của nhà máy. Đồng thời rà soát, bổ sung những qui trình vận hành hồ chứa để phù hợp diễn biến thực tế, bao gồm cả mùa mưa lũ và mùa cạn kiệt. Cũng như công khai cho nhân dân biết qui trình vận hành hồ chứa.

Riêng với 205 nhà máy thủy điện đang khởi công thì phải rà soát kỹ, đánh giá kỹ thuật có đảm bảo an toàn không. Nếu không an toàn phải dừng thi công, chứ không đợi xây dựng xong mới khắc phục. Và phương án trồng rừng thay thế, quy trình vận hành hồ chứa cũng phải hoàn thành trước khi làm xong nhà máy.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương phải rà soát lại một lần nữa 248 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng để trình Thủ tướng xem xét trước khi phê duyệt. Đồng thời đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về xây dựng với các nhóm thủy điện A, B, C.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, Quy hoạch thủy điện trong cả nước, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý thống nhất trong cả nước. Các địa phương rà soát lại một lần nữa và tổ chức thẩm định. Trước khi phê duyệt phải báo cáo Thủ tướng. Nhóm B, C phải do Bộ Công Thương phê duyệt và lập Hội đồng thẩm định, cho phép đầu tư. Dự án nhóm A thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập hội đồng thẩm định Nhà nước. Còn dự án nào thẩm định trình Quốc hội thì phải trình Quốc hội (hiện nay dự án lớn trình QH đã xây dựng hết).

Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế nhằm phát huy mặt tích cực, hiệu quả của thủy điện góp phần bảo đảm
điện năng cho phát triển đất nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục nhanh các yếu kém của thủy điện, bảo đảm hiệu quả nền kinh tế, môi trường và an toàn.

Theo Trang thông tin ngành điện