Năng lượng tái tạo là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và cũng là xu hướng tất yếu trong quy hoạch năng lượng trong tương lai. Công ty cổ phần thủy điện A Vương – với tư cách là đơn vị đã từng tham gia trong công tác xây dựng, phát triển và vận hành các nguồn điện năng lượng tái tạo – muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này.
I. MỞ ĐẦU
Nằm trong hệ thống bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn tỉnh Quảng Nam, A Vương là nhà máy thủy điện đầu tiên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chọn khởi công xây dựng từ tháng 08/2003 bởi hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích xã hội tổng thể của dự án. Qua hơn năm năm thi công cùng với những biến động của nền kinh tế cũng như sự thay đổi về chính sách đầu tư, cả hai tổ máy của nhà máy thủy điện A Vương đã chính thức hòa lưới vào cuối năm 2008, góp phần cải thiện tình trạng thiếu điện của cả nước.
Hình 1. Phối cảnh tổng thể nhà máy thủy điện A Vương
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Lãnh đạo Công ty luôn cam kết đảm bảo tiêu chí Xanh-Sạch-Đẹp, thân thiện với môi trường. Các chiến dịch dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh được phát động hằng năm với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của cán bộ công nhân viên Công ty.
Những nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty cổ phần thủy điện A Vương đã được cả xã hội ghi nhận và tôn vinh. Nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen cao quý của Đảng và Nhà nước đã được trao tặng cho Lãnh đạo và tập thể Công ty là minh chứng cho sự ghi nhận này, và cũng là nguồn khích lệ, động viên để Công ty tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
II. HIỆN TRẠNG VÀ XU HƯỚNG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
A. Tổng quan phát triển Năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo phân bổ rộng khắp trên toàn quốc. Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. Tiềm năng kỹ thuật của thuỷ điện nhỏ (<30MW) hơn 4.000MW. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5kWh/m2 /ngày phân bổ trên khắp đất nước. Vị trí địa lý của Việt Nam với hơn 3.400km đường bờ biển cũng giúp Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió với tiềm năng ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2 /năm. Những nguồn năng lượng thay thế này có thể được sử dụng giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh. Mặc dù Việt Nam đã triển khai sớm và thành công một số dự án nhưng việc ứng dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chỉ mới tập trung vào thủy điện chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.
B. Khung pháp lý hiện hành cho phát triển Năng lượng tái tạo
Chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam được điều hành dựa vào nhu cầu cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế và đảm bảo bảo vệ môi trường. Vì nhu cầu về năng lượng của Việt Nam được dự báo tăng bốn lần từ 2005-2030 và nhu cầu về điện sẽ tăng chín lần từ 2005-2025, việc khai thác năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ngoại nhập và đảm bảo an ninh năng lượng.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và hướng đến một thị trường điện cạnh tranh với nguồn đầu tư và mô hình kinh doanh đa dạng. Quyết định số 1855/QD-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050, Chính phủ khuyến khích việc phát triển và sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo; cung cấp các hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu sản xuất thử và xây dựng những mô hình thí điểm; miễn thuế nhập khẩu thuế sản xuất và lưu thông.
Cụ thể, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050 (Quyết định 1855/2007/QD-TTg) và tăng thị phần điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như gió và sinh khối từ 3.5% tổng sản lượng điện sản xuất năm 2010 lên 4.5% năm 2020 và 6% năm 2030 (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 hay Tổng sơ đồ VII).
Về nhiên liệu sinh học, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt sản lượng hàng năm 100 nghìn tấn xăng E5 và 50 nghìn tấn B5 vào năm 2010 tương đương với 0.4% tổng nhu cầu xăng dầu dự kiến của cả nước; 1.8 triệu tấn xăng ethanol và dầu thực vật hay 5% nhu cầu xăng dầu vào năm 2025 (Quyết định 177/2007/QD-TTg). Xăng E5 là loại xăng chứa 5% xăng sinh học trong tổng thể tích; B5 là dầu chứa 5% dầu sinh học trong tổng thể tích.
Để có thể đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ nhận được ưu đãi đầu tư, ưu đãi về biểu giá điện và ưu đãi thuế. Các nhà đầu tư có thể hưởng các ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế sử dụng đất trong một khoảng thời gian nào đó. Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 04/07//2008 của Bộ Tài chính (MoF) và Bộ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (MoNRE) đã quy định mục tiêu, điều kiện được trợ cấp và phương pháp tính toán mức trợ cấp cho một đơn vị sản xuất, số tiền trợ cấp hàng năm, điều khoản trợ cấp và quy trình nộp hồ sơ yêu cầu trợ cấp cho các Dự án CDM tại Việt Nam và các Dự án Năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên các ưu đãi hiện hành chưa đủ để hình thành nên các điều kiện phù hợp cho việc lập kế hoạch và triển khai các Dự án Năng lượng tái tạo cũng như bán các sản phẩm của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các ưu đãi này chỉ có lợi cho những Dự án thuỷ điện nhỏ chứ không mang lại lợi ích nhiều cho các dạng năng lượng tái tạo khác.
III. GÓP SỨC MÌNH VÀO CÔNG CUỘC CHUNG
Bên cạnh việc đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy thủy điện A Vương, AVJSC không ngừng vận động, nỗ lực tìm kiếm những hướng đi mới góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với tầm nhìn chiến lược của Ban Lãnh đạo và bằng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty, AVJSC đã từng bước xây dựng và phát triển các dịch vụ gia tăng cũng như nghiên cứu chế tạo các thiết bị ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, và đã thu được một số kết quả ban đầu.
A. Dịch Vụ Bảo Trì Nhà Máy Điện Và Các Công Trình Công Nghiệp
Trung tâm Bảo trì Thủy điện và Dịch vụ kỹ thuật (AVSC) được thành lập chỉ hơn 3 năm hoạt động nhưng thương hiệu AVSC đã tạo lập được niềm tin với khách hàng, hàng loạt công trình Bảo trì, Thí nghiệm hiệu chỉnh đã được đối tác giao thầu như Thủy điện Sêrêpóck 4, Thủy điện Sông Ông, Thủy điện Kon Đào, Thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6,…
B. Dịch Vụ Tư Vấn Quản Lý Dự Án
Với kinh nghiệm được tích lũy từ quá trình quản lý các dự án trước đây cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, AVJSC đã thực hiện công tác tư vấn quản lý dự án cho một số công trình thủy điện trong khu vực miền Trung.
Ngoài ra, Công ty còn khảo sát, tìm kiếm các dự án thủy điện trong khu vực lân cận để trực tiếp đầu tư (với công suất khoảng 100 MW).
C. Nghiên Cứu Chế Tạo Thiết Bị Thủy Điện Nhỏ
Hiện nay, nguồn thiết bị được dùng trong các nhà máy thủy điện tại Việt Nam chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho việc giám sát quá trình cung ứng thiết bị cũng như gây tốn kém cho công tác sữa chữa bảo trì sau này. Để khắc phục tình trạng này, Lãnh đạo Công ty đã tiếp cận với các nhà sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới như Power Machines (Nga), BFL Ấn độ .. để tiến hành hợp tác trong cung cấp thiết bị thủy điện vừa và nhỏ với mục tiêu trong vòng 2 năm tới sẽ có những thiết bị công nghệ thủy điện nhỏ và vừa chất lượng made-in Việt Nam.
Song song với quá trình hợp tác chuyển giao công nghệ, bằng tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, các kỹ sư AVJSC đã nghiên cứu chế tạo thành công các sản phẩm tua-bin thủy điện nhỏ, hệ thống điều tốc, kích từ tổ máy, .. Các sản phẩm này bước đầu đã được thị trường chấp nhận và đưa vào vận hành thực tế tại các nhà máy như Kon Đào, Đại Đồng ..
D. Nghiên Cứu Chế Tạo Các Thiết Bị Dùng Trong Các Hệ Thống Năng Lượng Mặt Trời, Năng Lượng Gió
Để có thể khai thác một cách hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo hiện có như năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối, .. Lãnh đạo Công ty đã quyết định thành lập nhóm nghiên cứu chế tạo các thiết bị ứng dụng trong các hệ thống nguồn phân tán và bước đầu đã chế tạo thành công bộ nghịch lưu điện 1 pha, công suất đến 5KW, trong năm 2013 sẽ thương mại hóa.
Các sản phẩm khác như bộ nghịch lưu ba pha, tua-bin gió thuộc hệ thống nguồn phân tán, .. đang được Công ty nghiên cứu chế tạo để đưa ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
IV. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Những thành quả đáng tự hào có được như hôm nay là nhờ Công ty đã biết phát huy những thế mạnh của mình trong công tác quản trị, điều hành. Mỗi CBCNV đều thấu hiểu phương châm: “Phải suy nghĩ thật nhiều để một công việc lớn, phức tạp trở thành những công việc nhỏ và đơn giản để mọi người cùng làm, nhiều việc nhỏ cộng lại sẽ thành việc lớn”. Có thể kể ra một số lợi thế như sau:
– Tầm nhìn chiến lược, phong cách quản trị điều hành sâu sát, quyết liệt của Lãnh đạo Công ty.
– Sự hỗ trợ về mặt cơ chế, thủ tục từ các Bộ, Ban Ngành và chính quyền địa phương & EVN
– Tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật cao và khát khao cống hiến của tập thể cán bộ công nhân viên Công ty.
– Đội ngũ chuyên gia quản lý dự án, kỹ thuật giàu kinh nghiệm, am hiểu điều kiện thực tế, môi trường pháp lý ngành Điện Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi có được, Công ty phải đối mặt với không ít khó khăn như:
– Khó khăn về vốn: Các tính toán về nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện theo Quy hoạch Điện VII cho thấy: Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành đến năm 2020 là khoảng 929.7 nghìn tỷ đồng (~48.8 tỷ USD), trong đó đầu tư vào nguồn điện chiếm 66.6% (~32.5 tỷ USD); Giai đoạn 2012-2030 , ước tính khoảng 1,429.3 nghìn tỷ đồng (~75 tỷ USD), trong đó đầu tư vào nguồn điện chiếm 65.5% (~49 tỷ USD). Quy mô nguồn vốn đầu tư cho ngành điện là lớn và đòi hỏi sự ổn định dài hạn, do đó cần có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
– Khó khăn về thủ tục pháp lý: Ngành Điện Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nhằm hướng đến một mô hình thị trường cạnh tranh lành mạnh có sự điều tiết của Nhà nước. Do đó, các đơn vị tham gia phải đối mặt với các rủi ro do sự thay đổi các thủ tục pháp lý.
Với những khó khăn và thuận lợi nêu trên, Công ty cổ phần thủy điện A Vương kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam mà Công ty đang theo đuổi, đồng thời cam kết sẽ là đối tác tin cậy, cùng chia sẻ những cơ hội từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Văn Phòng Chính Phủ, “Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030”, Tháng 7 năm 2011.
[2] Công ty cổ phần thủy điện A Vương, “Quản lý Dự Án Thủy ĐIện A Vương”, Tháng 07/2010