Những công trình, dự án nổi bật trong 15 năm qua đã góp phần khẳng định sự chuyển mình trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của xứ Quảng. Báo Quảng Nam giới thiệu một số công trình tiêu biểu.
1. Sau hơn 4 năm xây dựng, Thủy điện A Vương, công suất 210MW chính thức phát điện. Nhà máy vinh dự đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và cắt băng khánh thành vào ngày 10.7.2010.
2. Khu liên hợp Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải hình thành và ngày càng lớn mạnh tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, chuyên sản xuất, lắp ráp các dòng xe tải, ben, chuyên dụng, bus, ô tô du lịch… Trường Hải đã giải quyết việc làm 4 nghìn lao động với thu nhập ổn định.
3. Dự án cầu Câu Lâu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Thu Bồn có tổng chiều dài 4.656m, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Đây là cây cầu hợp long đầu tiên trong số 5 cầu thuộc dự án cải tạo trên quốc lộ 1A đoạn miền Trung (Câu Lâu, Trà Khúc, Bàn Thạch, Bồng Sơn và Cây Bứa).
4. Sân bay Chu Lai nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai đã được khôi phục và đưa vào khai thác. Theo quy hoạch, đây sẽ là sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế.
5. Đầu năm 1997, Tam Kỳ trở thành thị xã tỉnh lỵ khi tỉnh Quảng Nam tái lập; đến năm 2006 được công nhận đô thị loại 3. Hiện tại, với hàng loạt công trình, dự án lớn đang triển khai, Tam Kỳ phấn đấu đến năm 2015 trở thành đô thị loại 2.
6. Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc được đầu tư xây dựng tại huyện Điện Bàn là khu đô thị cao cấp lớn nhất Quảng Nam. Hiện đã có trên 20 biệt thự và các dịch vụ giải trí được đưa vào hoạt động.
7. Cảng Kỳ Hà là cảng biển nằm tại cửa sông Trường Giang thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành. Cảng được xây dựng trong một vùng kín gió, bảo đảm cho hoạt động tàu thuyền. Đưa vào sử dụng năm 2002 cùng với việc hình thành Khu Kinh tế mở Chu Lai, cảng Kỳ Hà là cửa ngõ quan trọng xuất nhập hàng hóa ở Quảng Nam và khu vực.
8. Đại học Quảng Nam thành lập năm 2007 trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam. Trường đào tạo đa ngành, đa hệ, đa cấp và còn nhận đào tạo sinh viên nước bạn Lào.
9. Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, được đầu tư xây dựng trở thành nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia và là công trình tiêu biểu thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Quảng Nam.
Ảnh: MINH HẢI, H.X.H |
10. Những công trình nghiên cứu như: Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975), Trăm năm thơ đất Quảng, 100 năm phong trào chống thuế Quảng Nam… trở thành kho tư liệu quý trên các lĩnh vực, kinh tế, quốc phòng, lịch sử, văn hóa Quảng Nam.
QUA NHỮNG CON SỐ… – GDP của Quảng Nam giai đoạn 1997-2000 tăng bình quân 7,6%/năm; 2001-2005: 10,4%/năm; 2006-2010: 12,86%/năm. Năm 2011, tăng 12,2%. Năm 1997, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm gần 48% GDP, đến năm 2011 xuống còn dưới 21%; công nghiệp- xây dựng và dịch vụ từ 52% lên hơn 79%. – Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1997-2011 tăng bình quân trên 27%/năm; năm 2011 kim ngạch xuất khẩu đạt 336 triệu USD, gấp hơn 22 lần so với năm 1997. Năm 2011, cả tỉnh có trên 80 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, năm 1997 là 17 doanh nghiệp. – Đến cuối năm 2011, cả tỉnh có hơn 5.300 doanh nghiệp (năm 1997 là 100 doanh nghiệp). Hiện Quảng Nam có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn hơn 4,7 tỷ USD. – Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 15 năm hơn 68.700 tỷ đồng; riêng năm 1011 đạt 12.600 tỷ đồng, gấp 21 lần năm 1997. – Thu ngân sách năm 1997 ở mức 157 tỷ đồng, đến năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 6.520 tỷ đồng. – Đến nay, 100% các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được nhựa hóa (năm 1997 chỉ có 32%); 40% tuyến đường huyện được bê tông hóa và nhựa hóa (năm 1997 hầu hết là đường đất); 200km đường đô thị (năm 1997 có 66km); gần 3.400km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa (năm 1997 chủ yếu là đường đất). Hiện đã cơ bản hoàn thành 24 tuyến đường ô tô lên trung tâm xã và các tuyến đường lên các huyện miền núi. – Năm 1997, cả tỉnh có 13 khách sạn/500 phòng chưa được xếp hạng; đến nay có 108 khách sạn/3.500 phòng, trong đó có 3 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao. – Đến nay, cả tỉnh có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 3 trường trung học chuyên nghiệp, 754 trường học phổ thông. Phần lớn các trường học đã được tầng hóa, kiên cố hóa. Ngân sách tỉnh đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề năm 2011 chiếm 37% tổng chi ngân sách của tỉnh. – Năm 2011, cả tỉnh có hơn 4.000 giường bệnh (năm 1997 là 2.500 giường). – Lao động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng năm 1997 là 7% đã tăng lên 24,6% năm 2011; thương mại – dịch vụ từ 13,75% lên 24,6% và nông – lâm-ngư nghiệp từ 79,2% xuống còn 53,49%. – Thu nhập bình quân đầu người từ 2,1 triệu đồng năm 1997 lên gần 22,5 triệu đồng năm 2011. – Năm 1997, Đảng bộ tỉnh có 24.938 đảng viên, sinh hoạt ở 773 tổ chức cơ sở đảng; đến cuối năm 2011 đã có 49.907 đảng viên, sinh hoạt ở 1.119 tổ chức cơ sở đảng. (Nguồn: Báo cáo thành tựu 15 năm tái lập tỉnh Quảng Nam) |
MỘT SỐ CÔNG TRÌNH, SẢN PHẨM TIÊU BIỂU CHÀO MỪNG 15 NĂM TÁI LẬP TỈNH – Cầu Tứ Câu (do Sở Xây dựng đăng ký; giá trị công trình hơn 43,2 tỷ đồng) – Phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” (Đài QRT thực hiện) – Tập sách ảnh “Quảng Nam – 15 năm xây dựng và phát triển” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng ký và thực hiện; hơn 850 triệu đồng) – Hệ thống hội nghị truyền hình tỉnh (Sở Thông tin-truyền thông đăng ký; hơn 6,33 tỷ đồng) – Trường Cao đẳng y tế Quảng Nam (87,5 tỷ đồng) – Cầu Thăng Hoa (UBND huyện Thăng Bình đăng ký; hơn 9,2 tỷ đồng) – Hệ thống thu gom và xử lý nước thải Khu công nghiệp Bắc Chu Lai – giai đoạn 1 (Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đăng ký; 200 tỷ đồng). (Nguồn: Ban Thi đua-khen thưởng Quảng Nam) |