Hơn 483 triệu mét khối là số lượng nước chỉ riêng nhà máy thủy điện A Vương (Đông Giang) xả về hạ du thông qua việc vận hành phát điện, góp phần rất lớn trong việc phục vụ cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn  năm 2015.

20140904-khoanhkhacdep1
Thủy điện vận hành điều tiết nước hợp lý sẽ giúp các địa phương phía hạ nguồn đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Ảnh: N.NHƠN

Trong những năm trở lại đây, với việc chủ động của thủy điện A Vương cùng sự phối hợp chặt chẽ từ Sở NN&PTNT tỉnh và các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia  – Thu Bồn, bài toán cấp nước phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của bà con hạ du được giải quyết cơ bản. Theo số liệu từ nhà máy thủy điện A Vương, riêng năm 2015 tổng lượng nước xả qua phát điện trung bình tháng  cao hơn lượng nước về hồ khoảng 190% (gần 2 lần).  Ông Lê Đình Bản  – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, nhờ sự phối hợp với Sở NN&PTNT mà công ty biết được nhu cầu nước mùa khô hạn, từ đó có những chủ động yêu cầu trong việc giảm công suất phát điện trong những tháng đầu năm để giữ lượng nước cho các tháng cao điểm. Ông Bản cho hay: “Lượng nước tích được từ mùa mưa năm trước không phải lúc nào cũng đủ, như đầu năm 2015 hồ thủy điện A Vương thiếu hụt 10m nước, tương đương với 86 triệu mét khối”.

Ông Trương Xuân Tý – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sở NN&PTNT chia sẻ, Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung với địa hình đồi núi trải dài, núi lại có độ dốc lớn nên việc tích nước trong mùa mưa để dành điều tiết cho mùa hạn chủ yếu nhờ vào các hồ thủy lợi. Tuy nhiên, với thiên tai biến đổi bất thường, bài toán cấp nước mùa hạn thường rất nan giải. Vì vậy, ngay từ đầu năm, nhu cầu nước phục vụ sản xuất đều được Sở NN&PTNT tính toán dựa trên cơ sở lượng nước tại các hồ thủy điện thuộc lưu vực sông Vu Gia  – Thu Bồn để ban hành kế hoạch. “Việc chủ động phối hợp với thủy điện sẽ giúp sở có sự tính toán chính xác và kịp thời triển khai các phương án điều tiết nước cụ thể cũng như chủ động cho những phương án dự phòng trong trường hợp khẩn cấp” – ông Tý nói.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thời tiết sẽ ngày càng cực đoan với mùa khô hạn nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Vì vậy để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống sinh hoạt của cộng đồng, thời gian qua việc chuyển đổi cây trồng cũng như sửa chữa và nâng cấp hệ thống thủy lợi đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tuy nhiên, một điều không bàn cãi là nếu không có mưa, thiếu nước thì tất cả giải pháp trên cũng khó thể phát huy tác dụng, chính vì vậy việc các nhà máy thủy điện cung cấp điều tiết nước luôn đóng vai trò quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương phía hạ nguồn.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, địa phương được xem là chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất từ hệ thống Vu Gia  – Thu Bồn cho rằng, mấy năm nay, hàng nghìn héc ta hoa màu vụ hè thu của huyện đã được giải cứu khỏi khô hạn từ lượng nước điều tiết của hồ thủy điện một cách hợp lý, đúng thời điểm. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của thủy điện trong việc tích trữ cũng như vận hành đóng xả. “Có thể vẫn còn những ý kiến trái chiều về thủy điện nhưng nếu các nhà máy vận hành điều tiết nước hợp lý, vai trò của thủy điện là rất quan trọng” – ông Mẫn nói. Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, nhờ nguồn nước điều tiết của thủy điện, đặc biệt là từ khi thị xã đắp đập ngăn mặn và tích nước trên sông Vĩnh Điện (khu vực phường Điện Ngọc) tình trạng khô hạn, thiếu nước tại các trạm bơm đã không còn tái diễn. “Những năm trước khoảng 1.700 héc ta đất nông nghiệp của thị xã luôn đối diện với khô hạn nhưng từ năm 2013 đến nay đã cơ bản được khắc phục. Theo tôi đạt được kết quả này không thể phủ nhận vai trò của thủy điện, nhất là trong việc vận hành điều tiết nước về hạ nguồn” – ông Chơi khẳng định.

Theo Báo Quảng Nam