Ngày 13/10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1880/QĐ-TTg Về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 trong mùa lũ hàng năm có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (gọi tắt là QTLH), áp dụng từ ngày 01/9 đến 15/12 hàng năm. Bài báo này chỉ mong góp phần làm rõ vấn đề thực hiện  QTLH trong mùa mưa lũ 2010 và những năm tiếp theo

Những đặc điểm lớn của QTLH

QTLH đã bổ sung nhiệm vụ “Góp phần giảm lũ cho hạ du” (xếp thứ 2, sau nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là “Đảm bảo an toàn công trình”); QTLH đã nêu rất rõ nhiệm vụ của các hồ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 chỉ là “góp phần giảm lũ” chứ không phải nhiệm vụ “cắt lũ” như một số hồ thủy lợi, thủy điện có dung tích rất lớn ở nước ta.

Khác với quy trình vận hành liên hồ của các hồ phía bắc quy định một mực nước trước lũ cố định trong từng thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ, lũ muộn (để làm nhiệm vụ cắt lũ, giảm lũ); do đặc thù sông suối Quảng Nam thường ngắn, độ dốc lớn, khi mưa lớn lượng nước về hồ tăng nhanh, khi hết mưa lưu lượng chảy đến hồ  nhanh chóng giảm theo nên QTLH chỉ quy định mực nước đón lũ (MNĐL) đối với từng cơn lũ cụ thể trong mùa lũ (áp dụng từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 15 tháng 12 hàng năm) để vận hành, điều tiết hồ.  Điều này đòi hỏi các đơn vị quản lý, vận hành hồ phải vận hành rất linh hoạt (luôn theo dõi, cập nhật thông tin về lưu lượng đến hồ thực tế và thông tin dự báo lưu lượng đến hồ 6 giờ tiếp theo để điều chỉnh quá trình xả cho phù hợp với tình hình thực tế).

Khi có lũ lớn, các hồ phải phối hợp vận hành xả nước đón lũ với 3 dữ liệu đầu vào quan trọng là mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa dưới mức Báo động II, dự báo trong 24 giờ tới lưu lượng đến hồ có khả năng vượt ngưỡng lũ quy định và nếu mực nước các hồ (MNH) đang cao hơn MNĐL  thì hồ vận hành xả nước với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ để đưa MNH về MNĐL trong khoảng thời gian 24 giờ (nếu trong khoảng thời gian này mực nước tại Ái Nghĩa vượt BĐ II thì xả với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ để duy trì MNH hiện tại); đây là điểm khác biệt lớn so với quy trình vận hành từng hồ trước đây khi cho phép hồ xả sớm và xả lớn hơn lưu lượng đến.

Việc đưa MNH A Vương về MNĐL = 376m nhằm mục đích dành dung tích phòng lũ 35,1 triệu m3 để vận hành hồ giảm lũ cho hạ du: căn cứ vào lưu lượng đến hồ và mực nước hồ thực đo hiện tại, nếu dự báo trong 6 đến 12 giờ tới lũ về hồ A Vương đạt đỉnh thì triển khai ngay việc vận hành hồ giảm đỉnh lũ bằng cách duy trì rồi giảm lưu lượng xả hoặc giảm lưu lượng xả (lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ).

Vai trò cắt giảm lũ của các hồ

Theo Ban soạn thảo QTLH, căn cứ vào kết quả phân tích thuỷ văn từ chuỗi số liệu quan trắc 33 năm (từ 1977 đến 2009) của các trạm đo khí tượng – thuỷ văn trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn đã xác định được có 3 trận lũ rất lớn trên lưu vực (từ 18 – 25/11/1998; từ 09 – 17/11/2007; từ 28/9 – 4/10/2009).

Xét trận lũ điển hình từ 28/9 – 4/10/2009 do ảnh hưởng của cơn bão số 9-Ketsana với đặc trưng cơ bản của trận lũ như sau:

alt

Khi cả 3 hồ đều vận hành đúng theo QTLH “một cách lý tưởng” (vận hành theo số liệu dự báo KTTV chính xác tuyệt đối) thì hiệu quả giảm lũ cho hạ du của 3 hồ chứa như sau (nếu dự báo thiếu chính xác thì hiệu quả giảm lũ còn kém hơn):

alt

    Từ những số liệu trên có thể thấy rằng, nếu cả 3 hồ đều xả tràn theo đúng QTLH trên cơ sở số liệu KTTV đã biết trước thì cũng chỉ có thể giảm được mực nước lũ tại Ái Nghĩa xuống 0,3m và tại Câu Lâu xuống 0,16m trong cơn lũ năm 2009. Đây cũng là một minh chứng cho vấn đề các hồ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 không thể cắt lũ, không thể giảm mạnh mực nước lũ mà chỉ góp một phần nhỏ để giảm lũ cho hạ du như nhiệm vụ được giao trong QTLH.

  alt

Hình 1: Quá trình mực nước tại Ái Nghĩa khi không và có 3 hồ vận hành giảm lũ

alt

       Hình 2: Quá trình mực nước tại Câu Lâu khi không và có 3 hồ vận hành giảm lũ

     Hạ du ở Báo động II, Báo động III hồ A Vương có còn xả tràn?

    Để trả lời câu hỏi này, cần phải căn cứ vào nội dung của QTLH. Tại Điều 7 QTLH đã chỉ rõ:  nếu (1) MNH A Vương hiện tại > 376m và (2) mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa đang ở mức dưới Báo động (BĐ) II và (3) theo Bản tin dự báo lũ trong 24 giờ tới lưu lượng về hồ có khả năng vượt 450 m3/s thì hồ A Vương vận hành xả nước đón lũ bằng cách xả với lưu lượng xả (Qxả) lớn hơn lưu lượng nước về hồ (Qvề ) để hạ dần MNH về 376m trong khoảng thời gian 24 giờ; khi đang hạ dần MNH mà mực nước tại Ái Nghĩa vượt BĐ II thì xả với Qxả = Qvề nghĩa là khi Ái Nghĩa vượt BĐII hồ A Vương vẫn phải tiếp tục xả tràn để duy trì MNH hiện tại nhằm đón đỉnh lũ.

Trong quá trình đang thực hiện xả nước đón lũ, nếu  (1) MNH hiện tại ≥ 376m và  (2) hồ đang xả tràn với Qxả = Qvề (nhằm duy trì MNH hiện tại để đón đỉnh lũ) và (3) theo Bản tin dự báo trong 6 đến 12 giờ tới lũ về hồ A Vương đạt đỉnh thì vận hành hồ giảm lũ cho hạ du bằng cách giảm lưu lượng xả  (Qxả ≤ Qvề) để nâng dần MNH về MNDBT (380m) giữ lại một phần lũ tại hồ, giảm bớt đỉnh lũ xuống hạ du; khi MNH = MNDBT (kết thúc giai đoạn vận hành giảm đỉnh lũ của hồ) thì xả với Qxả = Qvề .

    Những nội dung trên được tóm tắt như sau: khi mực nước tại Ái Nghĩa dưới BĐ II thì có thể xả tràn với Qxả ≥ Qvề , còn khi mực nước tại Ái Nghĩa vượt BĐ II, BĐ III và nếu lũ tiếp tục về hồ A Vương thì phải xả với Qxả ≤ Qvề  để giảm đỉnh lũ về hạ du và nhằm đảm bảo an toàn công trình, tránh tình trạng vỡ đập sẽ gây hậu quả khôn lường.

    Thay lời kết

    Qua các phân tích vừa nêu có thể thấy rằng không nên kỳ vọng vào việc khi có QTLH và vận hành đúng QTLH thì sẽ giải quyết được bài toán “lũ đến hẹn lại lên” ở hạ du. Hồ thủy điện chỉ làm nhiệm vụ tích nước vào mùa mưa, dự trữ cho việc phát điện, xả nước lớn hơn lượng nước về, tăng thêm lượng nước xuống hạ du  để phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần chống hạn cho hạ du vào mùa kiệt.

Thủy điện Miền Trung nằm ở khu vực có sông suối ngắn, lòng sông hẹp, độ dốc lớn và do nhiều nguyên nhân làm cho diện tích rừng thu hẹp nhanh nên khi có mưa to là lũ về hồ rất nhanh làm mực nước hồ tăng rất cao trong một thời gian ngắn, dung tích các hồ lại quá bé so với lượng nước lũ nên các hồ chỉ tích được một thời gian ngắn rồi cũng phải xả theo đúng quy trình để làm giảm phần nào tác hại của lũ, góp phần giảm lũ cho hạ du, tránh nguy cơ vỡ đập gây những tác hại khủng khiếp hơn nhiều lần.

Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lời của  Đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội khi trả lời báo chí: “bản thân hồ thủy điện không sinh ra lũ, chỉ là nơi chứa lũ ở mức độ nhất định rồi sau đó là xả”.

Lê Đình