Các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó có Ninh Thuận, Bình Thuận đang phải chịu cảnh khô hạn kéo dài lên tới đỉnh điểm trong vòng 10 năm trở lại đây. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ hè thu năm 2015. Lịch xả nước thông qua phát điện từ các hồ thủy điện cũng đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương có liên quan. Theo đó, cao điểm xả nước trong tháng 5 và có thể kéo dài đến hết tháng 8/2015.
Ông Võ Tăng Lý – Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh cho biết, nguồn nước tưới của tỉnh Bình Thuận đang phụ thuộc chủ yếu vào 2 hồ chứa thủy điện là Hàm Thuận – Đa Mi và Đại Ninh trên lưu vực sông La Ngà và sông Lũy. Hàng năm NM TĐ Đại Ninh cung cấp cho tỉnh Bình Thuận khoảng 770 triệu m3 nước. Là 1 tỉnh thuộc loại khô hạn nhất cả nước cho nên lượng nước từ thủy điện Đại Ninh đưa về là nguồn nước cực kỳ quan trọng đối với địa phương trong việc phát triển kinh tế – xã hội cũng như nước sinh hoạt cho hạ du của tỉnh Bình Thuận.
Mặc dù lượng nước về rất thấp, nhiều hồ thủy điện vẫn tích cực cấp nước phục vụ sản xuất,
sinh hoạt cho người dân phía hạ du – Ảnh: H.Hiếu
|
Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, tình hình nắng nóng và khô hạn ở khu vực Tây Nguyên đã làm cho mực nước hầu hết các hồ chứa thủy điện xuống thấp. Mặc dù theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cuối năm 2014, các hồ thủy điện phải tích được lên mức nước dâng bình thường (đầy hồ), song ngay từ quý 4/2014 Tây Nguyên đã có dấu hiệu khô hạn nặng nên không thể thực hiện được. Lưu lượng nước bình quân về hồ thủy điện Đại Ninh từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 2,3m3/s – là mức thấp nhất trong lịch sử 8 năm qua, thấp hơn so với năm 2014 (đạt 4,2m3/s) và TBNN (7,24m3/s). Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của địa phương, từ 17/3/2015, NM Thủy điện Đại Ninh đã được đưa ra khỏi thị trường điện.
TGĐ Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, ông Nguyễn Trọng Oánh cũng khẳng định, vào những thời điểm khô kiệt như thế này, việc cấp nước cho hạ du luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, mặc dù lưu lượng nước về hồ thấp, song, từ 01/4/2015, hồ Hàm Thuận – Đa Mi đã tăng cường cấp nước cho hạ du qua phát điện với lưu lượng xả 30m3/s, thời gian xả tối thiểu 12 giờ/ngày. Từ tháng 5, sẽ tăng lưu lượng xả lên từ 35-37m3/s, thời gian xả tối thiểu 12-14 giờ/ngày. Từ tháng 6, tùy thuộc vào khả năng nguồn nước sẽ vận hành điều tiết phù hợp với nhu cầu của địa phương. Theo ông Nguyễn Trọng Oánh, điều quan trọng là khi các hồ thủy điện xả nước, chính quyền địa phương phải tận dụng, không để lãng phí nước.
Ông Hồ Đức Nghĩa – Giám đốc Chi nhánh Thủy nông La Ngà (Công ty Thủy lợi Bình Thuận) cho biết, mặc dù đang vào cao điểm khô hạn, nhưng tại vùng đồng bằng La Ngà, nông dân vẫn sản xuất ổn định ba vụ/năm (3 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 màu) nhờ tận dụng triệt để nguồn nước từ hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi qua trạm bơm Tà Pao – một trong số trạm bơm lớn của tỉnh Bình Thuận. Hạn hán ngày càng khốc liệt hơn, vì thế, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận luôn tận dụng triệt để nguồn nước từ các hồ thủy điện.
Theo dự báo, mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên, và Nam trung bộ, Nam bộ sẽ đến muốn hơn,
nhiều hồ thủy điện hiện đang ở mực nước chết – Ảnh: H.Hiếu
|
Theo dự báo, cao điểm nắng nóng và khô hạn ở khu vực miền Trung sẽ vào giữa tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 8/2015. Ông Trương Thiết Hùng – Phó TGĐ Tổng công ty phát điện 2 (GĐ BQL dự án NM thủy điện Sông Bung 4) cho biết, hồ thủy điện Sông Bung 4 bắt đầu tích nước từ tháng 8/2014 và tham gia phát điện từ 26/9/2014. Với dung tích hồ chứa theo thiết kế khoảng 510 triệu m3 nước, là điều kiện để chống hạn cho hạ du rất lớn ngay trong mùa khô này.
Ông Lê Đình Bản – Phó TGĐ Công ty CP Thủy điện A Vương cũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, do có sự phối hợp tốt với NM thủy điện Sông Bung 4 nên NM Thủy điện A Vương đã phát điện ở mức trung bình để dự trữ nước làm nhiệm vụ cấp nước cho hạ du trong giai đoạn nhu cầu tăng cao.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng – Thủy văn Trung ương, mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài cho đến khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/2015 mới được cải thiện. Nhiều khả năng hạ lưu các sông sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Tình hình khô hạn, thiếu nước vẫn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Vì vậy, cùng với các giải pháp về hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và các hồ, đập chứa nước… Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động ứng phó với tình hình khô hạn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Ông Trương Văn Thưởng – PCT UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận: Tánh Linh là huyện trọng điểm nông nghiệp của Tỉnh với sản lượng lương thực khoảng 130 nghìn tấn/năm. Nước phục vụ cho sản xuất của huyện Tánh Linh hầu hết phụ thuộc vào lưu lượng nước cấp qua tuabin của NM thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Thông thường khoảng tháng 6 mới có mưa. Như vậy, Hồ Hàm Thuận – Đa Mi sẽ vẫn phải tiếp tục cấp nước trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 để giúp cho huyện Tánh Linh đảm bảo nước cho khoảng 8.800 ha lúa. |