Vừa qua, Tổ quản lý điện huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) – đơn vị mua điện của Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ quản lý điện của Điện lực Nam Giang Công ty Điện lực Quảng Nam tiến hành bảo dưỡng lưới điện, bảo đảm cung ứng điện ổn định cho người dân huyện biên giới Lào-Việt.
Từ tháng 12/2009, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) được Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) giao quản lý vận hành đường dây 22 kV dài hơn 80 km, bán điện cho huyện Đắc Chưng qua công tơ đo đếm điện năng đặt tại cửa khẩu Đắc-Ốc. Việc quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện, giải quyết sự cố và cung ứng điện do Điện lực Nam Giang – Công ty Điện lực Quảng Nam thực hiện. Do vị trí quan trọng của đường dây, Điện lực Nam Giang đã bố trí 2 tổ quản lý; riêng đoạn gần biên giới do Tổ quản lý Tây Nam Giang phụ trách. Hằng tháng, các tổ quản lý điện hai bên phối hợp ghi chỉ số công tơ để làm căn cứ thanh toán tiền điện; đồng thời, thường xuyên liên lạc bằng điện thoại để phối hợp quản lý vận hành, hoặc thông báo tạm ngưng cung cấp điện và giải quyết sự cố.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Điện lực Nam Giang cho biết, đường điện từ Việt Nam đến huyện Đắc Chưng, phần lớn đi qua thung lũng sâu, núi cao nên hay bị sạt lở đất đá, giông sét, cây rừng và dây leo gây mất an toàn lưới điện. Do ở đầu xuất tuyến, lại là bên bán điện, nên Điện lực Nam Giang phải rất vất vả mới giữ vững an toàn cho lưới điện và bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện cho nhân dân huyện Đắc Chưng. Hằng quý, các tổ quản lý điện đã chủ động làm tốt công tác kiểm tra, phát quang hành lang an toàn lưới điện; định kỳ tổ chức vệ sinh lưới và sửa chữa thường xuyên lưới điện theo kế hoạch của PC Quảng Nam.
Khánh thành đường dây 22kV và trạm đo đếm bán điện qua Lào, tại Đắc Ốc – Ảnh: A.Minh |
Cũng theo ông Sơn, từ khi được giao nhiệm vụ bán điện cho bạn Lào, CBCNV Điện lực Nam Giang luôn sẵn sàng làm tốt nhiệm vụ được giao. Để giảm độ vất vả cho công nhân, đơn vị luôn tuyên truyền, nhắc nhở để mỗi người chuẩn bị tinh thần ứng phó, biết kết hợp nhiều việc mỗi lần đi kiểm tra đường dây. Mặt khác, mỗi người lao động phải làm tốt công tác chuẩn bị, nắm rõ đặc điểm của lưới điện ở từng khu vực, từng vị trí, kiểm soát được những rủi ro có thể xảy ra, bảo đảm toàn tuyến Bến Giằng – Đắc Chưng vận hành thông suốt, an toàn.
Nhờ có những giải pháp hợp lý, việc cấp điện cho huyện Đắc Chưng trong những năm qua khá ổn định, đảm bảo chất lượng; hợp đồng mua bán điện được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế. Năm 2014, toàn tuyến có 11 lần xảy ra sự cố, giảm 73% so với năm 2013. Những tháng đầu năm 2015, tuyến đường dây vận hành an toàn, ổn định, chưa xảy ra sự cố nào. Ông Bu Si, Tổ trưởng quản lý điện huyện Đắc Chưng cho biết, do nỗ lực từ hai phía mà người dân huyện Đắc Chưng được sử dụng điện an toàn, ổn định và có chất lượng, với thời gian mất điện trung bình năm 2014 giảm hơn 60% so với năm 2013.
Theo ông Visay Nhaynhasan, Giám đốc Chi nhánh Điện lực tỉnh Sê Kông, 5 năm mua điện của Việt Nam, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Sê Kông luôn coi đây là dòng điện nghĩa tình đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Đắc Chưng.
5 năm qua, EVN CPC đã bán cho huyện Đắc Chưng 3 triệu kWh, với tốc độ tăng trưởng trưởng sản lượng điện bình quân đạt 36%/năm. Từ tháng 7/2013, Nhà máy Thủy điện XêKaMan3 (tại huyện Đắc Chưng) hoàn thành, công suất 250MW, mỗi năm hòa lưới điện quốc gia Việt Nam khoảng 1,1 ÷ 1,5 tỷ kWh, trong đó 90% lượng điện bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. |