“Hiện EVN vẫn phải bán điện dưới giá thành, việc lỗ hay lãi còn tùy thuộc vào giá điện trong năm 2012, nếu được điều chỉnh thì EVN sẽ tăng lãi.”
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đã cho biết như vậy bên lề lễ ký bản cam kết thực hiện tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm chi phí năm 2012, sáng 21/2, tại Hà Nội.
Theo ông Thanh, trong cơ cấu phát điện gồm: thủy điện, nhiệt điện than, điện khí, điện nhập từ Trung Quốc thì EVN còn phải huy động một nguồn rất đắt, đó là điện chạy bằng dầu FO và DO.
“Nếu như vào thời gian cao điểm mà EVN phải chạy bằng hai loại dầu trên thì ngành điện sẽ chịu lỗ khoảng 3.000-4.000 đồng/kWh, việc nâng cao ý thức tiệt kiệm thì 1 tỷ kwh điện sẽ tiết kiệm được ít nhất là 3 nghìn tỷ đồng,” ông Thanh nói.
Người đứng đầu ngành điện cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng điện chưa hiệu quả đang là một trong nhiều nguyên nhân khiến giá thành phát điện ở Việt Nam tăng cao, bình quân tăng trưởng điện luôn gấp 2 lần so với mức tăng GDP. Chính vì vậy, việc tiết kiện điện trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng mang tính sống còn đối với việc phát triển năng lượng điện và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.
Trong khi đó, tại quyết định phê duyệt Tổng sơ đồ VII của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/7/2011 cũng đã quy định, đến 2015 cường độ điện năng/GDP sẽ giảm từ 2 lần hiện nay xuống còn 1,5 lần và 1 lần vào năm 2020.
Để thực hiện việc này, bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, EVN sẽ kêu gọi cả hệ thống chính trị, các hộ dùng điện cùng nâng cao hơn nữa ý thức tiết kiệm điện.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 của Tập đoàn này ngày 6/1/2012, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cho biết năm 2011 Tập đoàn ước lỗ hơn 3.500 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 11.000 tỷ đồng đưa ra từ đầu năm, nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp tiết kiệm chi phí.
Đồng tình với những ý kiến trên, tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc kinh doanh của EVN mấy năm gần đây gặp thua lỗ chủ yếu là do tác động của chính sách giá. Thời gian tới, giá điện vẫn tiếp tục phải tăng để bù đắp những chi phí hợp lý cho EVN phát triển, là cơ sở để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
“Chậm nhất đến năm 2013, không chỉ điện, mà cả xăng dầu và than cũng sẽ tiến theo cơ chế này, dứt khoát không thể bao cấp tràn lan, bù chéo mãi được, mà phải kiên trì theo nguyên tắc thị trường,” Bộ trưởng khẳng định.
Mục tiêu đặt ra năm 2012 của EVN là phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ diện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân với sản lượng điện thương phẩm đạt 105,18 tỷ kWh, tăng 11,9% so với năm 2011.
Lãnh đạo EVN cho biết, trong năm 2012, Tập đoàn sẽ đưa vào vận hành 8 tổ máy phát điện thuộc 4 dự án với tổng công suất 1.373 MW, gồm tổ máy 5, 6 thủy điện Sơn La (2 x 400MW); tổ máy 1,2 thủy điện Đồng Nai 4 (2x 170 MW); tổ máy 1,2 thủy điện Bản Chát (2 x 110MW); tổ máy 1,2 thủy điện Kanak (2 x 6,5MW).
Ngoài ra, sẽ khởi công 4 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.390 MW, gồm các dự án: Nhiệt điện Duyên Hải 3 (2 x 600MW); tổ máy 2 nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (330MW); Nhiệt điện Thái Bình 1 (2 x 300MW) và Thủy điện Trung Sơn (4 x 65MW). Hoàn thành và đưa vào vận hành 231 công trình lưới điện từ 110-500kV./.