Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) hiện đang quản lý vận hành 98 trạm biến áp (TBA), 4.848 km đường dây 500 kV và 11.313 km đường dây 220 kV.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của EVN NPT hiện nay là lưới truyền tải điện (LTTÐ) 500 kV Bắc – Nam và các đường dây 220 kV chưa bảo đảm được yêu cầu an toàn theo tiêu chuẩn dự phòng (n-1), chưa kể, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp (HLLÐCA) ngày càng gia tăng, điển hình là vụ cần cẩu cây chạm vào đường dây 500 kV Bắc – Nam ở Bình Dương vừa qua gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện thì việc bảo đảm an toàn HLLÐCA cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Kỹ sư Trạm biến áp 220 kV Vân Trì (Hà Nội) kiểm tra, vận hành lưới điện |
Bảo đảm an toàn hành lang lưới điện
Thực tế cho thấy, đường dây 500 kV (mạch 1), sau gần 20 năm và đường dây 500 kV (mạch 2), sau gần 10 năm vận hành nói chung đều bảo đảm vận hành an toàn, hiệu quả, hiện đang truyền tải lượng điện từ bắc vào nam hơn 3.000 MW/ngày, bổ sung lượng điện thiếu hụt của miền Nam vào các tháng mùa khô.
Tuy nhiên, hệ thống LTTÐ, nhất là ở khu vực phía nam thường vận hành trong tình trạng đầy tải, có lúc quá tải. Hơn nữa, do thiếu nguồn, phụ tải tiêu thụ tăng nhanh và không đồng đều giữa các địa phương, các vùng miền nên phương thức vận hành hệ thống điện bị thay đổi liên tục, có nhiều thời điểm kết dây nhiều trạm vận hành ở sơ đồ không cơ bản, ảnh hưởng chất lượng vận hành.
LTTÐ còn rất căng thẳng do tình trạng vi phạm an toàn HLLÐCA vẫn luôn xảy ra. Ngay sau khi xây dựng xong đường dây 500 kV (mạch 1), các quy phạm về an toàn bảo vệ đường dây, TBA, HLLÐCA… đã được cơ quan chức năng ban hành. Ngay cả độ võng từ đường dây tới mặt đất tùy theo từng địa hình cũng được tuân thủ khoảng cách an toàn. Những quy định về an toàn HLLÐCA được quy định rất cụ thể tại Nghị định 106/2005/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Ðiện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp…
Tuy nhiên, LTTÐ vẫn luôn bị đe dọa chủ yếu do ý thức của người dân. Riêng năm 2012, lưới truyền tải 220 kV miền Bắc đã xảy ra bốn sự cố gây đứt cáp ngầm hoặc gây phóng điện tại đường dây hay sự cố do người dân thả diều mắc vào đường dây gây phóng điện. Hệ thống LTTÐ khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng xảy ra 31 sự cố, chủ yếu do cháy rừng phòng hộ, cháy nương rẫy, sét đánh… 22 sự cố xảy ra tại miền Nam, trong đó sự cố do vi phạm an toàn HLLÐCA chiếm 36,4%.
Đường dây 220 kV Sơn La – Hiệp Hòa, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra gần 10 sự cố lớn do diều mắc vào đường dây gây phóng điện dẫn đến phải cắt điện nhiều giờ để sửa chữa… Rõ ràng, nguyên nhân sự cố LTTÐ do lỗi vi phạm là nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế – xã hội lớn nhất.
Thực tế ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng công trình xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện, thậm chí, liều lĩnh hơn, có trường hợp người dân còn làm nhà bằng cách quây bốn chân cột điện cao áp?!. Mặc dù ngành Điện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để bảo vệ HLLÐCA nhưng không làm xuể do chế tài xử lý còn bất cập. Nhiều địa phương chưa nhiệt tình vào cuộc vì coi đây là trách nhiệm của riêng ngành Điện. Khi ngành Điện phát hiện vi phạm thì chỉ có thể tuyên truyền, vận động, nghiêm trọng hơn thì phải nhờ đến pháp luật, chính quyền.
Việc bắt người dân đền bù là bất khả kháng vì thiệt hại LTTÐ thường rất lớn, chẳng hạn vụ việc cây chạm vào đường dây 500 kV vừa qua. Khi xảy ra sự cố này, hệ thống bảo vệ của đường dây và TBA đã làm việc rất tốt, do đó, chỉ sau hơn ba giờ, EVN và EVN NPT đã tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố và đóng điện kịp thời, trả lại hệ thống điện hoạt động bình thường cho các tỉnh bị mất điện.
Tuy nhiên, để hạn chế những sự cố tương tự như vậy xảy ra, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của toàn xã hội từ các cấp địa phương, ban, ngành liên quan và quan trọng nhất là ý thức của người dân đối với bảo vệ an toàn HLLÐCA. Thêm vào đó, cần sự nghiêm minh của pháp luật với các chế tài đủ mạnh thì hệ thống LTTÐ mới giảm nguy cơ sự cố.
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện diễn ra khá phổ biến ngay tại Hà Nội – Ảnh: H.Hiếu |
Ðể có một hệ thống điện thật sự an toàn và có tính bền vững, cần phải thực hiện hoàn thành các dự án nguồn và lưới điện, nhất là các dự án nguồn điện ở khu vực phía nam theo Quy hoạch điện VII, hạn chế tình trạng phụ tải phía nam quá lệ thuộc vào truyền tải điện qua hệ thống đường dây 500 kV như hiện nay. EVN NPT đã đầu tư xây dựng nhiều đường dây 500 kV và 220 kV cũng như các TBA ở nhiều khu vực, trong đó gấp rút hoàn thành đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, Vĩnh Tân – Sông Mây, Phú Mỹ – Sông Mây… để bảo đảm cấp điện ổn định cho miền Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng LTTÐ đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn và nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Việc này cần có sự hỗ trợ vào cuộc của các địa phương, các bộ, ban ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Coi trọng giải pháp kỹ thuật
Nhằm nâng cao tính đồng bộ, an toàn trong vận hành LTTÐ, thời gian qua, EVNNPT đã coi trọng và áp dụng nhiều công nghệ mới như: Trang bị Corocam để ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ nhằm ngăn chặn sự cố do phóng điện; sử dụng sứ composit thay cho sứ cách điện thủy tinh lắp cho các đoạn đường dây ở khu vực bị nhiễm bẩn, mọc rêu; tiếp thu công nghệ cột dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) do Hà Lan chuyển giao để sẵn sàng xử lý sự cố; công nghệ giám sát dầu trực tuyến và phóng điện cục bộ máy biến áp (MBA) nhằm sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố…
Nhiều đề tài khoa học được công nhận và ứng dụng hiệu quả trong quá trình vận hành đường dây 500 kV Bắc – Nam như: Vệ sinh sứ khi đang mang điện; biên soạn quy trình bảo dưỡng MBA 500 kV; thay MBA 500 kV tại các TBA 500 kV; nâng cấp tụ bù dọc đường dây 500 kV từ 1.000 A lên 2.000 A… Bên cạnh đó, công tác bảo dưỡng gia cố kè móng, dây dẫn, cáp quang, tăng cường hệ thống tiếp địa, công tác bảo vệ an toàn HLLÐCA đã được các công ty truyền tải điện thường xuyên thực hiện tốt.
Nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm sự cố đường dây đã được thực hiện như xử lý sợi tiếp địa; tăng số điểm nối đất trực tiếp dây chống sét một số vị trí cột đỡ; tăng bát sứ trong chuỗi cách điện ở khu vực đồi núi cao; lắp đặt chống sét van đường dây; thường xuyên phát quang hành lang tuyến; tăng cường kiểm tra soi phát nhiệt thiết bị, mối nối. Lực lượng truyền tải cũng tăng cường quan hệ với địa phương, công an, đoàn thể xã hội, tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ an toàn HLLÐCA; phối hợp các đơn vị điều độ để có phương thức vận hành phù hợp.
EVN NPT cũng thành lập các đơn vị thí nghiệm sửa chữa theo vùng để phản ứng nhanh khi có sự cố. Theo dõi và có giải pháp kịp thời nâng công suất các TBA bị quá tải. Thực hiện thí nghiệm định kỳ, thí nghiệm tăng cường thiết bị trạm theo kế hoạch và thí nghiệm khi phát hiện sớm các khiếm khuyết của thiết bị mà chỉ trong quá trình thí nghiệm định kỳ bằng máy móc, phát hiện dụng cụ mới phát hiện được từ đó có kế hoạch sửa chữa hoặc tách kịp thời thiết bị để không gây sự cố.