Câu chuyện về sự cố rò rỉ nước tại đập chính thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra cách đây hơn một tháng, đã dấy lên lần nữa những mối quan ngại sâu sắc về thủy điện.
Trên các phương tiện truyền thông và nhiều diễn đàn khác, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, người dân cùng bày tỏ sự quan tâm với những luồng ý kiến đa chiều, hoặc thậm chí trái chiều. Những vấn đề của thủy điện lại được xới lên và chắc hẳn sẽ chưa có hồi kết trong ngắn hạn.
Thi công xây dựng thủy điện Đăk Mi 4. Ảnh:TRỊNH DŨNG |
Thực tế những năm qua, đã có hàng loạt cuộc thảo luận gay gắt với nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa thủy điện đối với những biến cố bất thường của lũ lụt miền Trung, hồi trận lũ lịch sử cuối năm 2009; tình trạng lợi dụng chủ trương tận thu gỗ từ dự án thủy điện để phá rừng, để rồi nhiều đối tượng phải ra trước vành móng ngựa như vụ phá rừng Khe Diên những năm 2005-2006; chuyện lợi dụng hồ thủy điện để khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; rồi những rắc rối, hệ lụy phát sinh trong quá trình tổ chức tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân ở các vùng dự án… Song lần này, câu chuyện thủy điện lại đi xa hơn, với những quan ngại lớn hơn, vì liên quan trực tiếp đến an toàn đập và sinh mệnh của hàng nghìn cư dân vùng hạ du thủy điện Sông Tranh 2.
Trong số 44 dự án nằm trong quy hoạch thủy điện tại Quảng Nam đến thời điểm này (sau khi đã loại bỏ nhiều dự án), con số các dự án đang xây dựng hoặc đưa vào vận hành chưa nhiều, nhưng dường như “những vấn đề của thủy điện và hậu thủy điện” đã bộc lộ khá đầy đủ và rõ nét trong thực tế, nhất là những hệ lụy phát sinh. Khai thác tiềm năng thủy điện để phục vụ công cuộc phát triển quê hương đất nước là chủ trương đúng đắn. Cái lợi từ thủy điện đã rõ và thể hiện khá đầy đủ trong hoạch định chính sách, trong các báo cáo đầu tư; nhưng những tác động bất lợi từ thủy điện thì chưa được nhận diện một cách đầy đủ để có phương án giảm thiểu, khắc phục hiệu quả, kể cả những hệ lụy có khi phải mất đến vài chục năm sau mới thấy. Có những cái đã dự lường từ trước nhưng xử lý chưa hiệu quả; đồng thời cũng có những vấn đề mới phát sinh trong quá trình đầu tư và nhất là sau khi nhà máy đi vào vận hành. Đó là chuyện mất rừng, phá rừng, lũ lụt, bất cập trong công tác tái định cư, khó khăn về bù đắp đất sản xuất cho dân, sự xáo trộn trong sinh hoạt cộng đồng, ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên, đa dạng sinh học hay nghiêm trọng hơn như an toàn đập thủy điện, hoặc câu chuyện về nguy cơ tuyệt chủng của cá chình hoa và một số động thực vật đặc hữu ở miền núi.
Thủy điện cũng như các ngành công nghiệp khác luôn có tính hai mặt của vấn đề. Phát huy tối đa những mặt lợi, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại là yêu cầu tất yếu để đảm bảo phát triển bền vững. Với thủy điện, rất cần một cái nhìn khoa học và văn hóa trước khi quyết định đầu tư đối với từng dự án cụ thể và cả trong tầm nhìn quy hoạch của toàn hệ thống. Đó là cách duy nhất để xử lý hài hòa các mối quan hệ về lợi ích, để mỗi sự “đánh đổi” đều thật sự có ý nghĩa, và phát triển không để lại hậu quả hay hạn chế đến mức thấp nhất có thể những hậu quả trong trước mắt và lâu dài. Từ cách tiếp cận đa chiều và với những diễn biến từ thực tế, nên chăng, Quảng Nam đã có đủ các yếu tố để thực hiện một cuộc tổng rà soát với những phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về quy hoạch, phát triển thủy điện, làm cơ sở cho những quyết sách và hành động.