Khoảng năm 2005, chúng tôi, những cậu kỹ cô cử từ khắp nơi mới vừa lơ ngơ ra trường với vốn kiến thức khá sơ sài đã cùng nhau thi tuyển vào làm việc tại Ban CBSX các Nhà máy thuỷ điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn. Khi đó, chỉ có sức trẻ, sự hăng hái của tuổi trẻ chính là lợi thế của chúng tôi vì theo Ban lãnh đạo tuyển dụng chúng tôi thì có lẽ đó chính là tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn. Tôi vẫn còn nhớ rõ lời của chú Nguyễn Văn Lê, nguyên là Trưởng Ban CBSX các NMTĐ trên sông Vu Gia – Thu Bồn, nay là CT HĐQT Cty CP thuỷ điện A Vương “Chuyên môn, nghiệp vụ chúng tôi hoàn toàn có thể đào tạo các bạn, chỉ cần các bạn có sự nỗ lực, có tâm và có đam mê với công việc của mình. Các bạn sẽ là lực lượng chính trong công tác vận hành các Nhà máy thuỷ điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn sau này”. Chính chú Lê đã trao cho chúng tôi cả niềm tin và niềm tự hào khi được tham gia vào “cuộc chơi” này (theo cách dùng từ của chú). Tự hào lắm chứ khi lứa chúng tôi đã được lựa chọn từ hơn vài trăm ứng viên về dự tuyển, được chính Ban lãnh đạo tin tưởng lựa chọn qua một loạt các bài test về nhiều lĩnh vực từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức xã hội…Thế là chúng tôi phải quyết tâm học đạo thôi, “học, học nữa, và học mãi”. Và chúng tôi được Ban lãnh đạo gửi đi đào tạo chuyên môn ở nhiều nơi, tại các nhà máy thuỷ điện lớn… Quá trình lên non tầm sư học đạo của chúng tôi bắt đầu từ đây….
CBCNV PX Cơ – Điện trước lúc lên non “tầm sư học đạo”
… Chiếc xe ca 45 chỗ của Ban QLDA thuỷ điện 3 rủ rỉ rù rì sau một quãng đường dài hơn 500 cây số cũng đã tới nơi (dù trước đó đã bị các chú công an hỏi thăm trên đường đi vì chạy hơi “nhanh một tí”), may quá, giữa không xuôi nhưng đuôi thì lọt tút. Chúng tôi đã đến Trung tâm đào tạo Sê San thuộc Nhà máy thủy điện Ialy – cái tên nghe Tây quá, vào lúc hơn 3h chiều trong cái nắng vàng ươm của buổi chiều tháng 5. Sau này chúng tôi vẫn đùa với nhau là chúng mình được gửi đi Tây đào tạo (mà là Tây Nguyên).
…vừa đặt chân đến Trung tâm đào tạo Sê San
… Buồn và nhớ nhà là cảm giác chung của mọi người. Lần đầu xa gia đình đi làm ở một vùng đất khác xa xôi, bỏ phố lên rừng thì ai mà không có cái cảm giác hụt hẫng ấy. Các cô cử cậu kỹ trẻ măng, tạm biệt người thân, người “iêu” mà đi xa, cứ thấy thiếu thiếu cái gì thân thương của mình. Rồi lại tự an ủi, mọi thứ cũng sẽ qua nhanh thôi.
… Chúng tôi đã được vào nhà máy. Chút tự hào vì mình đã được có mặt tại đây và chút mơ mộng về một nhà máy A Vương còn đẹp hơn thế…Chúng tôi được dẫn đi tham quan toàn nhà máy. Theo cầu thang bộ cứ từ tầng này rồi lại đến tầng khác. Cả đoàn cứ líu ríu bước theo chân anh Thế vì sợ lạc.
… Chúng tôi bắt đầu công việc học tập theo nhóm đã được chỉ định: Nhóm sửa chữa cơ khí, Nhóm sửa chữa nhất thứ, Nhóm sửa chữa nhị thứ và Nhóm sửa chữa Tự động – thủy lực. Sau này mới có thêm nhiều nhóm mới nữa, thời gian sống và học tập tại Ialy đã để lại rất nhiều kỷ niệm trong ký ức của tôi và của mọi người.
… Là một kỷ niệm trong Đoàn học nghề mà bây giờ tôi mới kể. Đầu tiên câu chuyện là Lợi đen. Lúc ấy Lợi đen mới gia nhập Nhóm cơ khí (mà chúng tôi thường gọi vui là lính mới). Chúng tôi được tham gia thử nghiệm hệ thống điều tốc cơ vào ban đêm. Đang thử nghiệm hệ thống thì máy cắt đầu cực hoạt động, “Bùm” một tiếng nổ lớn, nhìn quanh không thấy Lợi đen đâu cả, mọi người dáo dác đi tìm, hoá ra cậu ta đã đứng tận chân cầu thang thoát hiểm. Máy cắt đầu cực của Ialy là loại máy cắt không khí nổi tiếng nổ to như bom, còn Lợi đen nhóm cơ khí cũng nổi tiếng là lủi nhanh như sóc núi. Mọi người lại được một phen cười bể bụng…
… rồi còn nhiều, nhiều kỷ niệm nữa gắn bó với chúng tôi trong khoảng thời gian này, nhưng với chúng tôi, mỗi kỷ niệm cũng chính là một bài học thực tế mà chúng tôi được học và sẽ giúp chúng tôi làm tốt hơn công việc tại nhà máy của mình sau này.
… Sau thời gian làm việc tại nhà máy, chúng tôi sinh hoạt tại khu tập thể SêSan. Tại đây, cuộc sống diễn ra hết sức sôi động. Mô hình VAC được phát triển rất mạnh bởi nông dân thứ thiệt mang tên Dũng K’Bơi. Các luống xà lách, rau muống, rau thơm, rau má xanh um, hàng đu đủ sai quả cũng góp phần cải thiện bữa ăn của chúng tôi. Chẳng thế mà anh em lên đây ai cũng trở nên béo múp đặc biệt là Dũng K’Bơi. Dũng cũng tạo thêm cái chuồng nhờ một phòng còn trống với 2 chú chó con rất đẹp đặt tên là K’Bơi 1 và K’Bơi 2. Hai chú chó sau này được đưa về nuôi dưỡng tại chính khu nhà Ban A ở tại Nhà máy thuỷ điện A Vương.
…Các hoạt động thể dục thể thao cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Chính trên sân vận động nhiều đất đỏ, ít cỏ mọc được bao bọc kín mít bằng hàng rào thép B40 mà chúng tôi hay gọi vui là sân vận động “State de SeSan” đã diễn ra các trận cầu đỉnh cao giữa các nhóm Điện và Cơ. Cũng chính nơi đây đã phát hiện và nuôi dưỡng những danh thủ tên tuổi sau này như Nho Thành, Bùi Kiệm, Lợi Đen, … Có lẽ mảnh đất Gia Lai rất phù hợp cho đào tạo các tài năng bóng đá mà học viện bóng đá A Vương – Sê San đã ra đời trước đó không lâu thì tiếp theo là học viện HAGL-Arsenal cũng ra đời ít lâu sau đó…
Các học viên học viện bóng đá A Vương – Sê San trên sân “State de SeSan”
… Vui nhất là những lúc được lãnh đạo Công ty từ Đà Nẵng lên thăm. Một chút hơi ấm từ quê nhà phố thị lên phố núi. Nhưng đó cũng là lúc chúng tôi thấy lo nhất. Các chú, các anh chắc chắn sẽ kiểm tra những gì anh em đã được học. Lo sốt vó lên đi chứ. Thế là anh em phải bảo nhau phải cố gắng học tập, trao dồi kiến thức. Đã chấp nhận vào “cuộc chơi” thì phải thế thôi.
Lãnh đạo Công ty trực tiếp kiểm tra tình hình học tập
… Sau đợt kiểm tra kiến thức đạt yêu cầu, chúng tôi kết thúc khoá học tại Ialy và chia tay nơi này trong nhiều cảm xúc. Một chút buồn, một chút tiếc nuối, một chút quyến luyến với phong cảnh thân quen và những con người thân thiện hiếu khách nơi đây. Một chút vui, một chút hân hoan vì được về lại thành phố, về với gia đình, về với người thương…
… Khoảng năm 2007, chúng tôi lại bắt đầu cuộc “lên non, tầm sư học đạo mới” tại chính mảnh đất mà nhà máy của chúng tôi đang được xây dựng. Công trường A Vương giai đoạn này bề bộn công việc, tất các hạng mục từ khu đầu mối đến khu nhà máy đang khẩn trương xây dựng và lắp đặt nhằm hoàn thành đúng tiến độ. Các khó khăn mới đang chờ đón chúng tôi…..
… Với các quyết sách đúng đắn và đầy quyết đoán của Ban lãnh đạo với hàng loạt các cuộc phát động thi đua, sự nỗ lực của các nhà thầu thi công và CBCNV Công ty, hàng ngàn tấn thiết bị và khối lượng xây dựng đã đưa vào công trình, các hạng mục công trình dần dần về đích đúng tiến độ.
… Và ngày vui nhất, ngày mong chờ nhất của chúng tôi đã đến. Một ngày tháng 10/2008, cái ngày mà tổ máy số 1 của chúng tôi đã thực hiện những vòng quay thử nghiệm đầu tiên. Có sống ở công trường trong những ngày này mới cảm nhận hết được cái không khí khẩn trương, sôi động, náo nhiệt tại đây.
…Càng khâm phục hơn cả là cách làm việc của lớp đàn anh trong Công ty chúng tôi. Họ làm việc không biết mệt mỏi, cứ xoay vòng với các thử nghiệm, hiệu chỉnh, xử lý sự cố, sửa chữa, thay thế rồi lại thử nghiệm đầy căng thẳng, sao cho tổ máy phải vận hành tuyệt đối an toàn. Các đôi mắt mệt phờ vì mất ngủ cũng không làm giảm sự đam mê, hết mình vì công việc của họ. Chính lúc này chúng tôi đã học được nhiều điều trong cách sống, cách làm việc và cả kiến thức chuyên môn từ các anh.
… Các khó khăn chồng chất dần dần được vượt qua, 2 tổ máy lần lượt được đưa vào vận hành vượt tiến độ. Cuối năm 2009, tin vui đã đến với toàn thể CBCNV chúng tôi khi cả 2 tổ máy đã vận hành an toàn và vượt sản lượng. Thời điểm được cho là khó khăn nhất với một nhà máy mới đã qua ….
… Đêm nay, A Vương đã sáng bừng ánh điện. Nhà máy đã hoàn thiện với với cảnh quan tươi mới. Đường ống áp lực như con rồng lớn, cuộn mình vươn về phía nhà máy đầy kiêu hãnh. Nghe đâu đây văng vẳng giọng ai ngân nga đầy hào sảng:
“Đêm A Vương, ai xưng vương trên ngàn.
Dòng điện trắng đắp xây quê hương mình…”
…Vâng, đã có chúng tôi, nhưng người thợ với kiến thức và tay nghề đã được trang bị đầy đủ, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã sẵn sàng làm chủ công nghệ, làm chủ nhà máy, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả. Tất cả vì dòng điện trắng cho quê hương, đất nước.
“Hồi ký = nhớ gì viết nấy + cảm xúc thật”
(Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương – ngày mà những con người mang dòng máu Việt dù đi xa đến đâu cũng không bao giờ quên, các CBCNV Phân xưởng Cơ – Điện cũng dành một chút trãi lòng nhớ về những ngày tháng lên non “tầm sư học đạo” tại Nhà máy thủy điện Ialy).
Kim Sinh – P11