Triển khai nhiều Đội công trình cùng lúc trong điều kiện đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng với nhiều biến chủng mới là thách thức nặng nề trong việc thực hiện mục tiêu kép “hoàn thành công việc đúng tiến độ, đảm bảo công tác phòng chống dịch” tại Nhà máy Thuỷ điện Đăk Mi 2, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn của Trung tâm Bảo trì Thủy điện và Dịch vụ Kỹ thuật (AVSC) thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương.
Nhà máy Thuỷ điện Đăk Mi 2 – xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Với đặc thù của Dự án thủy điện Đăk Mi 2 do Công ty cổ phần Agritam làm Chủ đầu tư (CĐT) lại càng gặp nhiều thách thức khi Dự án khởi công từ năm 2009 với thiết kế ban đầu 2 tổ máy x 49MW. Sau đó, Dự án được tính toán lại và hiệu chỉnh thiết kế thành 3 tổ máy x 49MW do nhà thầu ANDRITZ (Ấn Độ) chủ trì thiết kế, cung cấp thiết bị cơ điện cho Nhà máy và Trạm phân phối 220 KV.
Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, do đó ANDRITZ (Ấn Độ) không tránh khỏi những ảnh hưởng, nhất là về mặc nhân sự, khiến công việc hoàn thiện thiết kế gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn đó của nhà thầu ANDRITZ, Đội công trình (ĐCT) đã phối hợp với nhà thầu ANDRITZ để hoàn thiện thiết kế, đáp ứng tiến độ thi công tại hiện trường.
Trong bối cảnh gặp nhiều bất lợi đó, Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương đã chỉ đạo nhiều giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực, thiết bị cho các ĐCT di chuyển người và thiết bị linh hoạt vừa đảm bảo tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch của các địa phương, của Công ty, công trường bên cạnh sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược, Đơn vị bạn cũng như sự hy sinh của CBCNV các ĐCT trong việc phải xa gia đình trong thời gian dài để hoàn thành công việc đạt chất lượng cũng như đáp ứng tiến độ của CĐT.
Do quá trình kéo dài của dự án, nhiều thiết bị đã về tới chân công trình từ năm 2016, 2017 và ảnh hưởng khá nghiêm trọng của đợt lũ lụt năm 2020 tại khu vực Nhà máy đóng chân, nên ngoài công tác thí nghiệm hiệu chỉnh, ĐCT còn tham mưu cho CĐT các biện pháp xử lý cách điện bị nhiễm ẩm, khiếm khuyết của thiết bị để đảm bảo đưa thiết bị vào vận hành an toàn được ANDRITZ và CĐT ghi nhận, đánh giá cao.
Sử dụng phương pháp ngắn mạch MBA để nâng cao hiệu quả sấy cách điện bị nhiễm ẩm |
Nhờ sự hỗ trợ tích cực, sự quyết tâm, tạo điều kiện của CĐT, sự phối hợp giữa các đơn vị nhà thầu thi công LILAMA 10, ANDRITZ, ĐCT thí nghiệm của Công ty, đến đúng 16h35 ngày 01/10/2021 Tổ máy H1 (49MW) Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 hòa lưới điện quốc gia lần đầu tiên. Sau những trở ngại trong thời điểm lũ về, hồ mới rác về nhiều thì đến 10h 00’ ngày 08/10/2021 cũng đã hoàn thành chạy tin cậy 72 giờ.
Triển khai tổ máy số 2 (H3) vào thời điểm bắt đầu mùa mưa, lượng nước về hồ nhiều nên áp lực hoàn thành sớm đặt lên vai các nhà thầu thi công. Bên cạnh áp lực tiến độ, vào mùa mưa, khu vực này có nhiều điểm sạt lỡ, trơn trượt, chia cắt đường xá, cùng với sự bùng phát dịch COVID-19 xảy ra tại địa bàn vào thời điểm này nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. CĐT, các Nhà thầu thi công đã nỗ lực cùng nhau để đến 11h45 ngày 07/11/2021, Tổ máy số 2 (H3) NMTĐ Đăk Mi 2 chính thức hòa lưới và đến 23 giờ ngày 11/11/2021 hoàn thành chạy thử thách 72 giờ và chính thức phát điện thương mại.
Vượt qua bao thách thức khó khăn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát, CBCNV Trung tâm Bảo trì và Dịch vụ Kỹ thuật – Công ty Cổ phần Thuỷ điện A Vương đã hoàn thành công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh đưa hai tổ máy của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 vào vận hành đúng tiến độ như bao công trình khác./.
Phạm Viết Dũng – AVSC
Một số hình ảnh:
Hòa lưới Tổ máy H1 lúc 16h35 ngày 01/10/2021
Hòa lưới Tổ máy H3 11h45 ngày 07/11/2021
Phối hợp với chuyên gia ANDRITZ thử nghiệm hiệu chỉnh Tổ máy H1