Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Công điện khẩn gởi Ban chỉ huy PCLB tỉnh; Ban chỉ huy TKCN tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện về cơn bão số 7 (GAEMI)
Đường đi của bão số 7
Theo Công điện số 46/CĐ-TW ngày 03/10/2012 của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, hiện nay cơn bão số 7 (có tên quốc tế là GAEMI) đang hoạt động trên biển Đông có sức gió gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10; giật cấp 11, cấp 12; đây là cơn bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp, khó lường và có khả năng mạnh thêm. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và qua tham khảo các Đài khí tượng thủy văn quốc tế cho thấy vào khoảng trưa và chiều ngày 06/10/2012, bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực từ tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Quảng Nam với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 10, 11; giật cấp 12, cấp 13; đi kèm với bão, có mưa to đến rất to trên diện rộng tại địa phương trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu:
1. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
– Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan;
– Thực hiện bắn pháo hiệu báo bão theo quy định;
– Giữ liên lạc với các tàu, thuyền ngư dân của tỉnh còn ở ngoài khơi, thường xuyên thông báo diễn biến của bão số 7 để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão và tìm nơi trú ẩn an toàn;
– Kiểm đếm tàu thuyền và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh, BCH PCLB tỉnh;
– Phối hợp với các địa phương hướng dẫn neo đậu an toàn đối với các tàu thuyền đã vào bờ và các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão của tỉnh; tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu khi bão chuẩn bị đổ bộ vào bờ.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
– Thông báo thường xuyên tình hình, diễn biến của bão cho nhân dân được biết để chủ động phòng, tránh. Rà soát các khu dân cư, có kế hoạch sơ tán nhân dân đang ở tại các nhà bán kiên cố, những nơi có nguy cơ sạt lở đất, vùng trũng thấp, lũ quét đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ ít nhất từ 10-12 tiếng đồng hồ;
– Chỉ đạo nhân dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở cơ quan … nhằm tăng khả năng chống chịu với gió bão;
– Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày;
– Duy trì lực lượng xung kích phòng, chống lụt bão ở địa phương, sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ nhân dân khi có yêu cầu;
– Nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc không đảm bảo an toàn lưu thông trên các sông, suối, các hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa;
– Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.
3. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành: Khẩn trương chỉ đạo tổ chức chằng chống trự sở làm việc, trường học, bệnh viện… không để bị tốc mái do gió bão; có biện pháp bảo vệ trang thiết bị làm việc, tránh bị hư hỏng do mưa, bão.
4. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải: triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ IA và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn.
5. Tùy tình hình mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương xem xét, quyết định cho sinh viên, học sinh trên địa bàn được nghỉ học nhằm tránh bị tai nạn do đi lại trong bão, lũ.
6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân khi có bão, lũ; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân; triển khai hoạt động Văn phòng tiền phương tại huyện Đại Lộc đảm bảo các điều kiện ứng cứu dân ở khu vực phía Bắc của tỉnh.
7. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện việc điều tiết xả lũ phải linh hoạt và theo quy trình vận hành được phê duyệt.
8. Công ty Điện lực Quảng Nam, Viễn thông Quảng Nam chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố về điện, thông tin liên lạc, đảm bảo thông suốt trước, trong và sau bão.
9. Các chủ đầu tư chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang.
10. Tạm hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN các cấp khẩn trương tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt theo địa bàn đã được phân công.
11. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên cập nhật, thông tin về tình hình bão, lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
12. Ban chỉ huy PCLB và TKCN các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB tỉnh, Ban chỉ huy TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.