Miền Trung “gồng mình” với nắng nóng- Kỳ I: Sản xuất, sinh hoạt đều xáo trộn |
Nông nghiệp đối mặt với hạn hán
Theo báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ngày 23/7, sẽ có khoảng 65.500ha lúa và cây hàng năm khu vực Trung bộ bị hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2019.
Đến thời điểm hiện tại, ở khu vực miền Trung, mực nước tại các sông, suối phổ biến đều thiếu hụt và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 từ 35-70%. Tại một số sông như Vu Gia – Thu Bồn (chảy qua địa phận tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng), dòng chảy thiếu hụt hơn 70% so với cùng kỳ, riêng mực nước sông Vu Gia đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử. Mực nước tại các hồ thủy lợi chỉ đạt từ 25-60% dung tích thiết kế. Toàn khu vực miền Trung đã có 336 hồ thủy lợi nhỏ cạn nước.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp miền Trung |
Thiếu nước cũng gây ra tình trạng xâm nhập mặn tại nhiều địa phương khu vực miền Trung, tiêu biểu như TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, ảnh hưởng nặng nề đến khoảng 5.800ha cây trồng ở Trung bộ, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân, ví dụ như một số khu vực của TP. Hội An, xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Tại tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, từ đầu tháng 6/2019 đến nay thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ cao, nước mặn xâm nhập mạnh nên công tác tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Mực nước các hồ chứa giảm thấp nhanh.
Thời điểm hiện tại, nguồn nước sông Thu Bồn liên tục giảm thấp nên nước mặn xâm nhập rất mạnh. Tại vị trí đoạn cách đầu sông Vĩnh Điện về phía thượng lưu 2km, nồng độ mặn đã lên đến 7‰. Ông Trương Xuân Tý – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam – cho biết, theo số liệu quan trắc, mực nước sông Giao Thủy hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử (có lúc chỉ còn 0,3m). Tình hình nhiễm mặn đã quá nghiêm trọng. Mặn xâm nhập lên tới cầu Kỳ Lam, vượt qua Cẩm Đồng 4-5km. Quảng Nam đang phải gồng mình chống hạn cho khoảng 12.000ha lúa. Riêng Điện Bàn và Duy Xuyên chịu cả thiếu nước và xâm nhập mặn, trên 100ha lúa đã cháy do không còn nguồn bơm tưới. Quảng Nam cũng thực hiện nạo vét sông để giữ nước nhưng không xử lý được tình trạng xâm nhập mặn.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề xuất tăng cường quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt là hệ thống đo mặn tại các tỉnh ven biển Trung bộ; đảm bảo vận hành liên hồ chứa có hiệu quả để cấp nước cho nông nghiệp; tăng cường việc xả nước từ các hồ thủy điện cho hạ du…
Các hồ thủy điện tại Quảng Nam đang nỗ lực “cứu hạn” cho hạ du |
Thủy điện “gồng mình” đảm bảo an ninh năng lượng và cấp nước cho hạ du
Nắng nóng kéo dài, nước thượng nguồn đổ về thấp, trong khi đó, các nhà máy thủy điện ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn phải tính toán, cân nhắc để đảm bảo xả nước chống hạn cho hạ du.
Để vừa thực hiện hài hòa và cân bằng 2 nhiệm vụ trên, các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung (chủ yếu ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) đã chủ động phối hợp với các bên liên quan để cập nhật thông tin về tình hình nhiễm mặn, dự báo công suất hệ thống điện, nắm rõ dung tích hữu ích từng hồ chứa trên lưu vực và năng lực tích, xả nước của từng hồ, nhất là các hồ cuối cùng trên bậc thang sông. Từ đó, các đơn vị thủy điện tăng cường phát điện, xả nước về hạ du khi có triều cường, độ mặn cao, giảm bớt xả nước phát điện khi triều cường thấp, độ mặn nhỏ; Huy động công suất điện của những nhà máy có công suất lớn đáp ứng nhu cầu cấp nước hạ du đồng thời đáp ứng cao điểm phụ tải điện; Huy động các nhà máy thủy điện công suất nhỏ, ở các bậc thang dưới một cách hài hòa, đảm bảo quyền lợi của thủy điện và không làm mực nước, lưu lượng hạ du biến động quá nhiều; Phối hợp tốt việc vận hành tất cả các nhà máy thủy điện trên lưu vực, đảm bảo cân đối nguồn nước đến cuối mùa khô 2019 (31/8/2019) có dự phòng.
Ông Trương Xuân Tý – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay, lưu vực Vu Gia – Thu Bồn thiếu nước ngay từ đầu vụ hè thu, nhưng nhờ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 đang còn nước đã “cứu” cho hàng nghìn hecta lúa phía hạ lưu. Hiện nay rất may do A Vương đang dành một kho nước cứu cả hệ Vu Gia, Thu Bồn. Nhiều nơi của Quảng Nam lúa đã cháy, phải nhờ vào sự hỗ trợ nước từ hồ thủy điện A Vương và những cơn mưa dông để cứu lúa.
Theo ông Ngô Xuân Thế – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương – để chủ động ứng phó với thời tiết khô hạn, cực đoan của mùa khô 2019, từ đầu tháng 11/2018, Nhà máy thủy điện A Vương đã ưu tiên tích nước để có dung tích nước trong hồ, góp phần điều tiết chống hạn hạ du năm 2019. Đến đầu tháng 6/2019, mức nước trong hồ thủy điện A Vương đã đạt đến mức quy định tại phụ lục III Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Tuy nhiên, cũng do ưu tiên tích nước để điều tiết trong mùa khô, nên Thủy điện A Vương được huy động chạy máy rất ít, sản lượng 6 tháng đầu năm chỉ 88,8 triệu kWh, thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ (TBNN: 300tr kWh, năm 2018: 373 triệu kWh). Lượng nước tích được tại hồ 120,50 triệu m3, ứng với sản lượng có thể phát là khoảng 90 triệu kWh. Đây là lượng nước có thể tăng thêm cho hạ du là 20-25m3/s so với dòng chảy tự nhiên các tháng gần đây (khoảng 8-12m3/s). Tổng lưu lượng có thể xả về hạ du qua phát điện đều đến cuối mùa khô là 28-37m3/s.
Thủy điện A Vương ưu tiên cấp nước cho hạ du trong cao điểm nắng nóng |
“Trong thời gian qua, thủy điện A Vương đã thực hiện khá tốt việc điều tiết chống hạn hạ du kết hợp với việc xả nước phát điện thông qua việc theo sát tình hình thực tế để đề xuất các giải pháp phù hợp như ưu tiên tích nước vào đầu mùa khô, đề nghị tăng lưu lượng xả khi có thông tin dự báo về triều cường, xâm nhập mặn… Bên cạnh đó, việc phối hợp với các bên liên quan chặt chẽ đã mang lại hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng cũng đảm bảo xả nước “cứu” hạ du vào cao điểm nắng nóng”, ông Thế nói.