Tính đến nay, cả nước có hơn 200 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, với tổng công suất 4.067MW đăng ký đầu tư. Nếu được đầu tư thích đáng, thuỷ điện nhỏ không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ vùng trung du miền núi mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho Nhà nước…

NGUYỄN ĐỨC ĐẠT – Hội đồng Khoa học Năng lượng – VESC

Tiềm năng và phân loại thuỷ điện vừa và nhỏ

Do đặc điểm địa hình và khí hậu nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa trung bình năm khoảng 1.800 – 2.000mm nên tiềm năng thuỷ điện tương đối lớn, trong đó trữ năng kinh tế ước đạt 80 – 100 tỉ kWh/năm. Riêng thuỷ điện vừa và nhỏ có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15 – 20 tỉ kWh/năm.

Phân loại thuỷ điện vừa và nhỏ là một khái niệm tương đối, tuỳ theo điều kiện từng nước. Ở nước ta, phân loại thuỷ điện được quy định theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN số: 285-2002), theo đó nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ có cấp công trình là cấp IV, cấp III và một phần cấp II.

– Cấp IV: từ 200 kW – 5.000 kW, dưới 200 kW công trình cấp V.

– Từ 5.000 kW – 50.000 kW là công trình cấp III.

– Từ 50.000 kW – 100.000 kW là một phần công trình cấp II.

Theo tổ chức thuỷ điện nhỏ của Liên hiệp quốc (Small Hydropower UNIDO), thuỷ điện nhỏ có công suất từ 200 kW – 10.000 kW, thuỷ điện vừa có công suất từ 10.000 kW – 100.000 kW, dưới 200 kW là mini hydropower.

Một số đặc điểm thuỷ điện vừa và nhỏ

Quy mô thủy điện không lớn: Về công suất như đã nói ở trên, còn quy mô công trình thông thường là đập thấp, đường hầm nhỏ, khối lượng xây dựng không lớn. Số lượng tổ máy thông thường là 2-3 tổ máy, máy biến áp, trạm phân phối điện và đường dây tải điện thường là 35 kV hoặc 110 kV. Từ đó, các nhà đầu tư thường đặt mục tiêu thi công ngắn, chừng khoảng 2-3 năm là đưa nhà máy vào vận hành.

Diện tích lưu vực nhỏ: Hồ chứa có dung tích bé hoặc không có hồ chứa. Nhiều nhà máy chạy bằng lưu lượng cơ bản của sông suối thông qua xây dựng đập dâng. Nhà máy có hồ chứa bé, điều tiết ngày hoặc tuần phát điện vào giờ cao điểm. Và như vậy thủy điện vừa và nhỏ không làm được nhiệm vụ chống lũ cho hạ du.

Một số công trình thuỷ điện lớn cũng không thể làm nhiệm vụ chống lũ cho hạ du vì công trình đó không có dung tích hồ chứa đủ lớn để làm nhiệm vụ cắt lũ, phòng và chống lũ cho hạ du. Trong trường hợp đó, nó chỉ có khả năng chứa lại nước và làm chậm lũ lại, khi nước hồ đạt đến mức nước dâng bình thường thì bắt buộc phải xả qua tràn để bảo đảm an toàn cho công trình. Do vậy, thuỷ điện vừa và nhỏ xây dựng chỉ làm nhiệm vụ phát điện.

Mặt bằng xây dựng: Thuỷ điện vừa và nhỏ không lớn, diện tích chiếm đất không nhiều do quy mô công trình và khối lượng xây dựng. Cũng với lí do trên mà diện tích rừng bị chặt phá phục vụ công trình không nhiều.

Hiệu quả đầu tư: Thuỷ điện vừa và nhỏ không cao bằng thuỷ điện lớn. Theo thống kê, từ 25 công trình thuỷ điện lớn đã được xây dựng và đưa vào vận hành, tính theo mặt bằng giá năm 2010 thì các thuỷ điện lớn có suất đầu tư vào khoảng 20 – 25 tỉ đồng/MW, trừ những công trình đặc biệt như: Sơn La, Tuyên Quang, Bản Vẽ… có nhiệm vụ chống lũ và cấp nước cho hạ du, xây dựng các khu tái định cư với quy mô lớn. Trong khi đó, suất đầu tư của các thuỷ điện vừa và nhỏ vào khoảng 25 – 30 tỉ đồng/MW, có dự án còn lớn hơn.

Ví dụ: TĐ Mường Kim (Yên Bái) 13,5 MW, tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng, 22 tỉ đồng/MW; TĐ Bắc Hà (Lào Cai) 90 MW, tổng mức đầu tư 2.450 tỉ đồng, 27 tỉ đồng/MW; TĐ Ngòi Phát (Lào Cai) 72 MW, tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng, 28 tỉ đồng /MW; TĐ Thái An (Hà Giang) 82 MW, tổng mức đầu tư 2.050 tỉ đồng, 25 tỉ đồng/ MW; TĐ Quảng Trị (Quảng Trị) 64 MW, tổng mức đầu tư 2.452 tỉ đồng, 38 tỉ đồng/MW; TĐ Pleikrông (Kon Tum) 100 MW, tổng mức đầu tư 3.833 tỉ đồng, 45 tỉ đồng/MW.

Những vấn đề cần lưu ý khi đầu tư phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ

Chủ trương đầu tư phải gắn với hiệu quả đầu tư

Trong Quyết định số: 1208/QĐ-TTg, ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII), tại Điểm 3, Điều 1 có ghi: “Ưu tiên phát triển các nguồn thuỷ điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: chống lũ, cấp nước, sản xuất điện…”.

Trong những năm qua, các nguồn thuỷ điện nói chung giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống điện. Điện năng sản xuất từ các nguồn thuỷ điện năm 2009 chiếm 34,4% tổng điện năng sản xuất của toàn hệ thống, năm 2010 là 27,5%, năm 2011 là 38%.

Đơn vị

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Tổng điện lượng sản xuất toàn hệ thống, trong đó:

– Thuỷ điện

– Chiếm tỉ lệ

tỉ kWh

tỉ kWh

%

87.019

29.977

34.4

100.071

27.550

27.5

108.725

40.924

38.0

Trong thuỷ điện:

– Thuỷ điện vừa

– Thuỷ điện nhỏ

Cộng thuỷ điện vừa và nhỏ

tỉ kWh

tỉ kWh

tỉ kWh

2.339

1.705

4.044

3.094

1.684

4.778

4.297

3.548

7.845

Chiếm tỉ lệ %/tổng điện lượng TĐ

%

13.5

17

19

Số liệu 3 năm qua cho thấy, thuỷ điện vừa và nhỏ giữ vai trò đáng kể trong nguồn điện nói chung và nguồn thuỷ điện nói riêng. Quy hoạch điện VII đặt ưu tiên phát triển các nguồn thuỷ điện, trong đó có thuỷ điện vừa và nhỏ. Vấn đề là đầu tư phát triển như thế nào, những dự án nào có hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, nước ta đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành gần 30 công trình thuỷ điện lớn trên 100 MW và trên 200 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, với tổng công suất tất cả thuỷ điện gần 10.000 MW, với tổng điện lượng trên 40 tỉ kWh.

Như vậy, chúng ta đã khai thác khoảng 40-50% trữ năng kinh tế.

Riêng sản lượng điện năm 2011 phát ra từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ đạt mức 7,845 tỉ kWh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thuỷ điện, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống và đạt khoảng 45% trữ năng kinh tế của thuỷ điện vừa và nhỏ. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa.

Trong thực tế, hầu hết các công trình thuỷ điện có hiệu quả kinh tế cao nhất, có điều kiện thuận lợi nhất chúng ta đã đầu tư xây dựng. Phần còn lại là những công trình hiệu quả thấp, các điều kiện kinh tế kỹ thuật khó khăn, các công trình ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn… Các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ cũng nằm trong tình trạng đó.

Do đó, các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chủ đầu tư nên xem xét một cách kỹ lưỡng rồi mới quyết định đầu tư. Mặt khác, xét về mặt phát triển xã hội, xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của những vùng sâu, vùng xa. Vì thế, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ.

Đầu tư phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ phải gắn liền với bảo vệ môi trường

Có một thực tế rõ ràng là diện tích chiếm đất và diện tích rừng bị phá cho một công trình thuỷ điện vừa hoặc nhỏ là tương đối nhỏ, vì quy mô công trình, khối lượng xây dựng không lớn, mặt bằng xây dựng không lớn.

Tuy nhiên, diện tích rừng bị chặt phá nhiều do làm đường, mà đã có đường là cơ hội để lâm tặc hoạt động. Nên chăng cần phải có quy định mức tối đa diện tích rừng bị phá cho từng loại dự án thuỷ điện và quy định cơ quan cấp phép tương ứng.

Sau khi xây dựng xong công trình, chủ đầu tư phải tổ chức thi công khôi phục lại hiện trường. Đây là việc làm mà chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện. Công tác hoàn thổ bao gồm phá dỡ, thu dọn nhà xưởng, san lấp lại mặt bằng tất cả các vị trí đã đào bới, trồng cây kể cả trồng lại rừng… Công việc này đã được quy định rõ trong Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý môi trường xây dựng mà lâu nay chúng ta làm chưa tốt.

Một số công trình đã làm tốt công việc này như: thuỷ điện Vĩnh Sơn, thuỷ điện Hàm Thuận, thuỷ điện Đami…

Chế độ làm việc của các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ trong hệ thống điện gắn liền với giá bán điện và hiệu quả kinh tế của công trình

Các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ thường không có, hoặc có hồ điều tiết, nhưng với dung tích bé thường phù hợp với chế độ chạy lưng hoặc chạy phủ đỉnh trong biểu đồ phát điện của hệ thống. Với chế độ phát điện như vậy, chúng sẽ phát huy được hết vai trò của mình trong hệ thống, đồng thời được hưởng mức giá điện cao hơn.

Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt và cho áp dụng “biểu giá điện tính theo chi phí tránh được” là một sự quan tâm lớn đối với các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ nói chung và các nhà máy thuỷ điện có công suất dưới 30 MW nói riêng.

Làm như vậy tức là khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ.

Về thiết bị công nghệ cho các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ

Đầu tư thiết bị công nghệ cho các nhà máy thuỷ điện thường chiếm khoảng 20 – 25% tổng mức đầu tư. Trong thời gian qua, các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chủ yếu nhập thiết bị công nghệ của Trung Quốc. Thiết bị thuỷ điện của Trung Quốc chất lượng trung bình, giá lại thấp hơn các nước khác, cho nên sử dụng thiết bị công nghệ Trung Quốc cho các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ là hợp lý.

Tuy nhiên, cần phân biệt chất lượng thiết bị công nghệ của Trung Quốc (sản phẩm của trung ương hay địa phương), giữa chất lượng thiết bị công nghệ của các hãng lớn của Trung Quốc như: Đông phang, Habin, Thiên Tân… với các nhà sản xuất ở các địa phương. Một số dự án thuỷ điện ký kết hợp đồng với hãng lớn trung ương, nhưng khi đi kiểm tra thiết bị, nhận thiết bị thì lại ở các địa phương.

Mặt khác, qua nhiều năm đầu tư xây dựng thuỷ điện, lực lượng cơ khí trong nước cũng đã có những bước trưởng thành. Trong nước đã sản xuất, chế tạo và đưa vào sử dụng có hiệu quả các thiết bị cơ khí thuỷ công như: các cửa van đập tràn, cửa nhận nước, nhà máy, đường ống áp lực, cầu trục gian máy, máy biến áp các loại… Do vậy, cần tận dụng tốt các sản phẩm này.

Đồng thời, cần có chính sách hợp lý để các nhà sản xuất trong nước quan tâm đến lĩnh vực thiết bị công nghệ thuỷ điện vừa và nhỏ, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước, hạn chế đến mức tối thiểu các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, không những cho lắp đặt hiện nay mà còn cho sửa chữa, đại tu sau này.

Theo Năng lượng Việt Nam