Sau hàng loạt “sự cố” liên quan đến thủy điện, việc nhận diện, phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan về lợi ích, đặc biệt là những hệ lụy phát sinh trong quá trình đầu tư, vận hành các nhà máy thủy điện đã trở thành yêu cầu bức thiết. Nhận định chính xác và dự báo đầy đủ những vấn đề phát sinh, mới có thể đưa ra những giải pháp sát đúng và đồng bộ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi, đảm bảo phát triển bền vững. Báo Quảng Nam giới thiệu một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, chủ đầu tư xung quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định như vậy khi trao đổi với PV Báo Quảng Nam. Đồng chí cho biết:
Thủy điện – nguồn năng lượng sạch, có giá thành thấp là vấn đề mà trong mọi phương án hoạch định chính sách cần nghĩ đến; và Quảng Nam có tiềm năng rất lớn về lĩnh vực này. Chính vì thế, việc quy hoạch, phát triển thủy điện là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh nhà. Các công trình thủy điện được cấp phép đầu tư đã và sẽ tiếp tục mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho quê hương đất nước; đồng thời người dân sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tính toán và lường trước những tác động xấu của thủy điện đối với dân sinh, môi trường chưa thật hiệu quả. Vẫn còn đó những bất cập chưa thể giải quyết thấu đáo được trong thời gian ngắn. Vậy nên, thời gian tới, chính quyền và các ngành chức năng sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi trong quá trình đầu tư và cả sau khi các nhà máy thủy điện đi vào vận hành.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu (phải) kiểm tra công trình thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: MINH KIỆT |
Theo đó, với việc rà soát lần này, yếu tố dân sinh, môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Phải nhìn nhận rằng, trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên này, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở miền núi. Vì vậy, phát triển thủy điện theo hướng bền vững là một thách thức to lớn. Quảng Nam luôn ưu tiên các dự án thủy điện có tính bền vững cao, không chỉ xét trên khía cạnh hiệu quả kinh tế của dự án, mà cả trong việc đảm bảo môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án. Tôi cho rằng, việc quan tâm đến mặt xã hội và môi trường, nhà đầu tư thủy điện cũng có lợi, vì sự bền vững từ gốc rễ sẽ giúp họ giảm thiểu những rủi ro, kể cả phản ứng từ dư luận… Phát triển thủy điện bền vững, người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án sẽ có nhiều cơ hội trong việc tham gia sớm hơn vào quá trình quy hoạch, đầu tư; đồng thời sẽ có cuộc sống ổn định lâu dài với những sinh kế bền vững…
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra đập chính thủy điện Sông Tranh 2 sau khi xảy ra sự cố rò rỉ nước. Ảnh: XUÂN NGHĨA |
NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ TRÍ TẬP:
“Không kiểm soát chặt chẽ, sẽ gặp khó khăn”
Cái được của thủy điện cũng không ít. Đó là nguồn năng lượng sạch, không tốn nhiên liệu, rẻ và mau hoàn vốn. Nhưng mặt trái của thủy điện cũng rất lớn. Phát triển thủy điện ồ ạt, quá nhanh, không kiểm soát sẽ gây ra những hệ lụy mà tương lai phải trả giá. Môi trường bị hủy hoại không thể nào cứu vãn được.
Cần xác định rằng, thủy điện phải là một công trình mang tính đa dạng, tổng hợp, đa lợi ích. Thế nhưng, các chủ đầu tư chỉ mới chú ý tới mục tiêu phát điện và lợi nhuận, ít chú ý bảo vệ môi trường. Phần lớn các dự án xây dựng thủy điện chưa có dự tính và đánh giá đầy đủ tác động đến môi trường và đời sống người dân. Ngoài hàng ngàn hộ dân thuộc diện buộc phải di dời ở vùng ngập nước lòng hồ khi xây dựng nhà máy, thì hàng triệu dân vùng hạ lưu cũng đang bị tác động sau khi nhà máy hoạt động. Đó là vấn đề rất lớn cần đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, dường như quy trình vận hành hồ thủy điện chỉ chú trọng hai nhiệm vụ là an toàn công trình và phát điện, không đả động gì tới việc tham gia cắt lũ và giảm lũ cho vùng hạ du. Ngay cả chuyện xả lũ cũng chưa theo quy trình cụ thể, chặt chẽ. Nhưng nếu hỏi: xả có đúng không? thì bao giờ câu trả lời cũng là đúng quy trình, an toàn và có nước phát điện. Thực tế thủy điện trữ nước khi người ta không cần trữ. Mùa lũ, mới ở báo động hai là cho chứa đầy hồ. Khi lên báo động 3 thì hết đường, xả luôn. Tất nhiên, ai cũng sẽ nói là nước đến bao nhiêu xả bấy nhiêu. Nhưng có thể đặt câu hỏi: tại sao có công trình lại không hứng nước lại. Nếu hồ thủy điện để khô thì ít ra cũng sẽ chứa được khá nhiều nước, chứ chỉ trữ ít ỏi ngay mùa lũ thì làm gì có thể cứu đồng bằng được. Đăk Mi 4 chuyển dòng nước như thế sao không làm công trình trả lại nguyên trạng dòng sông? Còn A Vương cũng không làm công trình trả lại cho dòng sông cũ. Nếu như các hồ thủy điện đóng cửa thì phía hạ lưu không còn tí nước nào, nhưng không ai tính tới. Kiểu phát triển không theo tính đa dạng, đa mục đích này, nếu không chú ý tới thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phải đặt lợi ích cộng đồng, an dân là trên hết chứ không phải là phát triển bằng mọi giá cho sự tăng trưởng và lợi nhuận, bất chấp hệ quả về sau.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN BẮC TRÀ MY TRẦN ANH TUẤN:
“Gánh nặng trách nhiệm của chính quyền”
Khi đầu tư thủy điện tại Bắc Trà My đã kéo theo việc xây dựng hạ tầng đồng bộ như hệ thống đường sá, trường, trạm…; bố trí, sắp xếp dân cư vào các khu tái định cư bài bản hơn. Thêm vào đó, chủ dự án đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây cầu vượt sông Tranh, nối tuyến ĐT616 với bờ sông Trà Đốc…
Tuy nhiên, sự ảnh hưởng, xáo trộn về đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân khi nhường đất đai, nhà cửa chuyển đến nơi ở mới vô cùng lớn. Hơn 2,2 nghìn héc ta đất đã bị Nhà nước thu hồi để xây dựng công trình thủy điện sông Tranh 2. Lo lắng nhất của chính quyền là giải quyết vấn đề “hậu thủy điện”. Dân chưa thể an cư, chưa ổn định được sản xuất càng đặt gánh nặng trách nhiệm lên chính quyền. Nhiều công trình do chủ dự án đầu tư đã xuống cấp, những phó mặc khâu khắc phục cho địa phương, vì họ nêu lý do đã bàn giao xong. Theo tôi, mất mát lớn nhất là người dân đã “hy sinh” cho thủy điện những diện tích ruộng nương bao đời đã khai hoang phục hóa, cải tạo màu mỡ. Trước đây, đồng bào muốn về trung tâm huyện chỉ khoảng 12km nhưng bây giờ phải đi vòng đúng 50km.
Sai lầm lớn của chúng ta là không “tính hết nước” về định mức giao đất sản xuất cho đồng bào. Nhiều nơi đã đưa dân đến tái định cư, nhưng chưa tìm được quỹ đất sản xuất phù hợp cho họ. Ngay cả 300 hộ dân ở Trà Bui, dù giao hạn mức đất cho dân, nhưng chúng ta lại “quên” tính đến tập quán của đồng bào là canh tác một vụ bỏ hai vụ rồi mới trở lại tiếp tục sản xuất. Thêm vào đó, việc bố trí tái định cư trong khu rừng phòng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phá rừng.
GIÁM ĐỐC CÔNG TY ĐIỆN LỰC QUẢNG NAM NGUYỄN QUANG VINH:
“Thủy điện góp phần ổn định nguồn cung trên địa bàn”
Phát triển năng lượng thủy điện là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là năng lượng tái tạo, sạch, không sản sinh ra các chất thải nguy hại cho cộng đồng, dễ khai thác và vận hành an toàn; giá thành sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện thấp hơn rất nhiều so với các nhà máy điện có dạng năng lượng khác. Nếu chúng ta mua điện từ các nhà máy thủy điện sẽ có mức giá khoảng 500 – 700 đồng/kWh, các nhà máy chạy dầu, than và tua-bin khí có giá thành sản xuất hơn 2.000 đồng/kWh. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, phải duy trì giá điện ở mức thấp để đảm bảo phát triển dân sinh và các ngành kinh tế khác, thì việc lựa chọn đầu tư thủy điện là hợp lý.
Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung nói chung đang trong giai đoạn thiếu nguồn điện. Các nhà máy thủy điện đi vào vận hành đã góp phần cung ứng sản lượng điện nhất định vào nguồn năng lượng điện quốc gia; đồng thời ổn định được nguồn điện cung ứng trên địa bàn tỉnh, giảm lượng truyền tải công suất từ Bắc vào Nam và ngược lại. Nói chung, nhờ có thủy điện mà kịch bản cung ứng điện cho mùa khô đã dễ thở hơn. Tuy nhiên, hiện nay việc đấu nối điện với các nhà máy thủy điện cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy nằm xa trung tâm phụ tải nên khi đấu nối vào lưới điện phân phối làm tăng tổn thất điện năng của hệ thống. Việc điều hành hệ thống điện cũng gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi tình trạng kết cấu lưới mỗi khi nhà máy thủy điện phát và không phát.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về phát triển thủy điện ở miền Trung. Theo tôi, xây dựng các nhà máy thủy điện không chỉ tính lợi ích đem lại là giá trị phát điện mà phải xem xét mối quan hệ tổng thể: phát điện – phát triển dân sinh – cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu – điều tiết lũ…
TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP THỦY ĐIỆN A VƯƠNG NGUYỄN TRÂM:
“Rẻ và lợi nếu đầu tư đúng theo quy hoạch được duyệt”
Chức năng chính của thủy điện là phát điện nhưng bản thân nó cũng là một cái hồ, dự trữ và điều tiết nước trong mùa khô. Trước đây, khi chưa có thủy điện thì hàng năm Quảng Nam vẫn xảy ra lũ lụt. Nhưng bây giờ, người ta thường gom chuyện lũ lụt là do thủy điện. Nếu quản lý vận hành không bảo đảm để vỡ đập thì lúc đó thủy điện mới tạo ra nước! Ngày trước, rừng còn nhiều nên dù sườn núi cao và dốc, vẫn không thể tạo ra lũ đột biến. Mưa, ngấm và nước về đồng bằng đều có thời gian. Còn nay, mưa hôm trước hôm sau đã thấy nước tràn về, vì mất rừng cả thôi.
Nói làm thủy điện phá rừng là một sự gán ghép. Thực chất, khi tiến hành công việc đầu tư đều có sự quản lý. Các hội đồng đã thẩm định khi làm thủy điện thì được phép làm hồ bao nhiêu, rừng bị nước dâng ngập bao nhiêu? Trong quá trình tính toán, các cơ quan thẩm định lợi ích cho một thủy điện thì cần hy sinh một lượng rừng tương ứng là một sự đánh đổi. Một sự đánh đổi, tôi nghĩ cũng công bằng vì được cái này thì phải chấp nhận mất cái kia trong chừng mực cho phép. Không phải làm thủy điện là phá rừng!
Người ta thấy nước lũ thì chỉ nói một câu đơn giản là do thủy điện, chứ đã có ai điều tra tại vì sao ngập phía hạ du. Thấy nước thì nghĩ thủy điện xả lũ. Không chịu đặt câu hỏi, nếu không có công trình thủy điện thì nước vẫn chảy và hồ thì vẫn bảo đảm nó chỉ chứa tới dung tích đó thôi, chứ không thể chứa hơn được nữa! Trước đây có biết bao ao hồ, giờ đâu còn nữa. Nghĩ cũng “tội” cho thủy điện. Đó cũng là nỗi niềm của thủy điện mà chưa thể giải thích được.
Đời sống của người dân tái định cư khó khăn hơn nới ở cũ Hiện tại, theo quy hoạch, Đông Giang có 10 thủy điện; trong đó 4 dự án gồm A Vương, Za Hung, Sông Kôn, An Điềm đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Không thể phủ nhận những lợi ích mà địa phương được hưởng từ thủy điện, nhưng bên cạnh đó, cũng có những vướng mắc, tác động bất lợi nảy sinh trong và sau quá trình xây dựng thủy điện. Cái được của Đông Giang từ thủy điện, trước hết là nguồn thu thuế phát sinh trên địa bàn tăng ổn định, huyện được hưởng lợi một phần để lại từ nguồn thuế tài nguyên để đầu tư phát triển kinh tế, dân sinh. Người dân nhận được một khoản tiền bồi thường, hỗ trợ; có thêm thu nhập từ công tác giao khoán bảo vệ rừng,… Các công trình thủy điện ra đời cũng đã tạo điều kiện cho việc sắp xếp dân cư trong quá trình di dời tái định cư, cải thiện dân sinh như làm nhà tình nghĩa, xây dựng một số công trình phúc lợi cộng đồng, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, làm thủy điện đã dẫn đến mất một phần đất sản xuất, đất rừng của người dân; việc tổ chức sản xuất, ổn định đời sống của người dân tại khu tái định cư kéo dài; công trình xây dựng như nhà ở, đường giao thông xuống cấp nhanh, ngân sách địa phương tiếp tục đầu tư để khắc phục là không nhỏ. Nguồn sinh kế tự nhiên như thủy sản, thực vật, động vật do các sông, suối, rừng, đất rừng ở nơi cũ cung cấp cũng giảm đáng kể. Chưa kể, quá trình tái định cư ít nhiều khiến quan hệ dân cư, quan hệ họ hàng, gia đình, quan hệ văn hóa tâm linh bị xáo trộn. Hiện nay, trên thực tế đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân ở các khu tái định cư gặp khó khăn hơn so với nơi ở cũ do đất sản xuất xấu, khó canh tác. Thủy điện hình thành vô tình tạo thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ khai thác trái phép, tác động xấu đến việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. (Ông NGUYỄN BẰNG – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang ) Một phần văn hóa miền núi mất đi dưới áp lực của thủy điện Một thực tế tự nhiên rằng, vùng cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, nơi còn lại rừng chủ yếu và tập trung của tỉnh, là nơi phát nguyên của tất cả dòng sông trên địa bàn Quảng Nam. Giữ sự đa dạng của rừng, tức giữ động vật và thực vật có ở rừng và điều quan trọng nữa là giữ, tạo ra nguồn nước. Làm thủy điện có cái lợi, chúng tôi không tham gia ý kiến về lợi ích này; nhưng một phần văn hóa miền núi không thể được gìn giữ nơi đầu con suối. Khi đến nơi ở mới, hoạt động sản xuất của người dân bị gián đoạn, nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vì không thể một sớm, một chiều, người dân làm quen và làm thành thục các hoạt động sản xuất trên vùng đất mới được; nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tập quán truyền thống tộc người bị mai một, không có điều kiện để duy trì! Dòng sông, con suối gắn liền với gốc rễ văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam, nên khi tính chuyện tái định cư cho đồng bào cần nghĩ đến địa điểm mới có con sông, con suối và cả việc đặt tên cho điểm dân cư mới. Qua tìm hiểu ở hai khu vực tái định cư thủy điện A Vương và Sông Tranh 2, chúng tôi thấy có những bất cập trong việc bảo tồn chứ chưa nói về phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào. Ở các khu tái định cư, người lập quy hoạch và bố trí đất cho cộng đồng làng có phần đất dành cho các hoạt động cộng đồng nhưng rất nhỏ. Các nhà làm tái định cư không nghĩ đến phải có một ngôi nhà làng (gươl) xem như là nhà sinh hoạt cộng đồng, một thiết chế văn hóa truyền thống của người Cơ Tu và cũng là một thiết chế văn hóa của cộng đồng hiện nay. Trong khu tái định cư chỉ có một con đường ở giữa làng, không phải là sân làng mà vốn ở người Cơ Tu khi chọn đất lập làng phải có đất để làm sân làng phục vụ tổ chức lễ hội của làng, có đất cho dân vũ truyền thống tung tung – da dá . Ở khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, thôn 4 xã Trà Bui, nhà ở của người dân lại cách xa nhau, khó để nói rằng “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhà dân xây cấp 4, đẹp hơn nhà cũ nhưng khi mùa đông đến lại phải đốt lửa trong nhà để lấy hơi ấm. Tái định cư và đồng nghĩa xóa đi nhà sàn. Theo chúng tôi, thực hiện tái định cư điều quan trọng hơn là hãy hỏi đồng bào để không chỉ giải quyết việc ở, việc sản xuất mà còn làm cách nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng.(Nhà nghiên cứu NGUYỄN TRI HÙNG) |
Thực hiện: MINH KIỆT – TRỊNH DŨNG