Trung tâm bảo trì thủy điện và dịch vụ kỹ thuật (AVSC) thuộc Công ty cổ phần thủy điện A Vương là một đơn vị mới được thành lập. Tuy nhiên với thành tích 02 Tổ máy của nhà Nhà máy thủy điện A Vương hòa lưới điện quốc gia vượt tiến độ hơn 2 tháng nên ngay lập tức AVSC đã nhận được nhiều hợp đồng bảo trì, thí nghiệm, hiệu chỉnh đưa vào vận hành của những công trình lớn, nhỏ mà tiêu biểu là công trình thủy điện Srepok 4 – ĐakLak 2x40MW.

Tại công trình này, trong tài liệu hướng dẫn lắp đặt máy phát của Nhà chế tạo DFEM – Trung Quốc có mục yêu cầu đo và tiêu chuẩn đánh giá điện áp rãnh sau khi hoàn thành lắp đặt từng lớp thanh dẫn Stato. Tuy nhiên không có hướng dẫn phương pháp đo và các chuyên gia lắp đặt tại hiện trường của Nhà chế tạo cũng không nắm được hạng mục đo này.

Sau khi nghiên cứu, phân tích kỹ mục đích của hạng mục thí nghiệm này, chúng tôi đã đề xuất phương pháp đo, các chuyên gia lắp đặt sau khi trao đổi ý kiến với các chuyên gia tại Nhà chế tạo đã đồng ý và thống nhất cho phép tiến hành áp dụng.

20111130-dodienapranh

Đo điện áp rãnh được tiến hành khi lắp thanh dẫn Stato Máy phát số 2

– Nhà máy thủy điện Srepok 4 – ĐakLak 6/2010.

Hạng mục đo điện áp rãnh trong quá trình lắp đặt thanh dẫn Stato máy phát thủy điện là một hạng mục thí nghiệm khá mới mẻ trong lĩnh vực thí nghiệm điện ở nước ta hiện nay. Về bản chất đây là hạng mục kiểm tra corona cho thanh dẫn ngay trong quá trình lắp đặt. Nó giúp phát hiện các lỗi chế tạo thanh dẫn có độ dày cách điện không đảm bảo, kết cấu cách điện không đồng nhất hoặc màn chắn bán dẫn bên ngoài không đạt yêu cầu…và khắc phục ngay được bằng cách quấn tẩm cách điện có giấy thấm sơn đen chống vầng quang corona bên ngoài.

Nếu không có biện pháp kiểm tra trong quá trình lắp đặt thanh dẫn Stato thì khi đưa vào vận hành bình thường, các vị trí có độ dày cách điện không đảm bảo sẽ xuất hiện hiện tượng vầng quang (corona), làm cho phát nóng cục bộ, dẫn đến làm giảm tuổi thọ chất lượng cách điện của thanh dẫn máy phát và nguy cơ phóng điện phá hủy cách điện tại những vị trí này tăng cao, gây thiệt hại lớn vì phải dừng máy và quá trình xử lý sự cố này phức tạp, thời gian xử lý kéo dài.

Với tinh thần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi, AVSC xin giới thiệu tóm tắt cách tiến hành thí nghiệm này để những ai quan tâm có cơ sở tham vấn cũng như không bở ngỡ khi gặp phải nhà thầu yêu cầu hạng mục thí nghiệm này.

– Nội dung chính của phương pháp đo điện áp rãnh:

            + Thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn tại khu vực thử nghiệm.

            + Sử dụng hợp bộ cao thế, đặt lên các thanh dẫn Stato một điện áp Utn = Udm/, khung Stato được nối đất.

            + Sử dụng Đồng hồ đo Fluke 87 với một que gắn trên sào cách điện rà dọc trên thanh dẫn Stato trong khu vực rãnh đặt thanh dẫn, một đầu nối chung với dây tiếp địa vỏ để đo giá trị điện áp rãnh tại các vị trí này, dùng găng tay cách điện trong quá trình đo.

+ Giá trị điện áp rãnh đo được theo tiêu chuẩn của Nhà chế tạo không được vượt quá 10V, nếu có vị trí không đạt thì sử dụng giấy cách điện có tẩm sơn đen chống vần quang và keo epoxy để lót thêm, sau đó đo và kiểm tra lại.

Với những hiệu quả tích cực mà hạng mục kiểm tra này mang lại, chúng tôi khuyến cáo đến các Ban quản lý dự án thủy điện, các Trung tâm tư vấn thiết kế về thủy điện khi gặp các nhà thầu cung cấp thiết bị máy phát điện mà có độ tin cậy, uy tín trên thị trường chưa cao thì nên yêu cầu nhà thầu thực hiện hạng mục thí nghiệm này khi lắp đặt máy phát tại nhà chế tạo hoặc tại hiện trường nhằm đảm bảo chất lượng cách điện của Stato được đồng đều, không bị hiện tượng vầng quang trong quá trình vận hành, nâng cao tuổi thọ của Tổ máy phát điện.

KS Phạm Viết Dũng