Đây là một trong những mục tiêu cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trước đó, chỉ số tiếp cận điện năng đã có mức tăng ấn tượng trên bảng xếp hạng (129 bậc) sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 từ năm 2014 đến 2018 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ đạt Top 4 ASEAN.

Tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai Nghị quyết 19, ngày 22/1, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Môi trường kinh doanh nước ta đã được cải thiện rõ rệt, thể hiện qua đánh giá thứ hạng và điểm số của tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới.

Trong đó, tiêu biểu nhất là chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam từ vị trí 156/189 quốc gia (năm 2013) vươn lên vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế (năm 2018). Đây cũng là chỉ số duy nhất của Việt Nam tăng liên tục và bền vững trong suốt 5 năm qua.

Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện các nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện m ôi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra ngày 22/1, tại Hà Nội

Bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh, EVN rất chủ động trong việc tham gia cải cách. Ngay từ năm 2014 – năm đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, EVN cùng với Bộ Tài chính, TP. Hồ Chí Minh là 3 đơn vị đầu tiên trên cả nước tiên phong thực hiện.

Để đưa chỉ số tiếp cận điện năng lọt Top 4 ASEAN trước 2 năm so với mục tiêu Chính phủ đề ra (năm 2020), EVN đã hoàn toàn thay đổi nhận thức về công tác dịch vụ, coi khách hàng là trung tâm mọi hoạt động. EVN đã học hỏi cách làm của thế giới, nghiên cứu thay đổi quy trình kinh doanh điện, đẩy mạnh thực hiện 1 cửa liên thông, nhằm đem đến sự thuận lợi, dễ dàng cho khách hàng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ điện. Đặc biệt, EVN đã liên tục ứng dụng các công nghệ hiện đại vào nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

“Việc cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng không chỉ được ghi nhận từ phía Ngân hàng Thế giới, mà còn tương đồng với các nhận xét, đánh giá của trên 10.000 doanh nghiệp Việt Nam. Theo kết quả khảo sát sự hài lòng của các doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2018, có 69% doanh nghiệp được hỏi đánh giá tốt và rất tốt đối với tiếp cận điện năng” – bà Nguyễn Minh Thảo cho hay.

 

Chỉ số tiếp cận điện năng được Chính phủ giao mục tiêu tăng từ 3-5 bậc trong năm 2019. Ảnh minh họa

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó đặt ra mục tiêu chỉ số tiếp cận điện năng năm 2019 tăng từ 3-5 bậc.

Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nét mới của Nghị quyết 02 so với các nghị quyết 19 là tăng cường trách nhiệm của các bộ đầu mối trong việc cải thiện chỉ số và phân công các bộ chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số. Trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì, chịu trách nhiệm với chỉ số tiếp cận điện năng.

Tại Nghị quyết 02 cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay, EVN đã hoàn thành kết nối một cửa liên thông tới các trung tâm hành chính công và cổng thông tin dịch vụ công của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, EVN cũng đã đáp ứng 100% dịch vụ điện trực tuyến theo yêu cầu của khách hàng và trở thành doanh nghiệp hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam đạt được cấp độ 4 trong cung cấp dịch vụ khách hàng.

Việc liên kết với các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian cũng đã được Tập đoàn triển khai để thu tiền điện không dùng tiền mặt, với mục tiêu năm 2019 tăng gấp đôi số khách hàng thanh toàn tiền điện bằng các giải pháp điện tử, di động.

Theo EVN