Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, các tháng mùa khô năm nay có khả năng thiếu nước nghiêm trọng nên ngay từ cuối năm ngoái, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với tất cả các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vũ Gia-Thu Bồn để cân đối lại nguồn nước và lập kế hoạch đảm bảo cấp nước cho hạ du.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia chỉ đạo các hồ thủy điện khai thác phát điện theo kế hoạch điều tiết nước để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho hạ du trong năm 2015.
Trên thực tế, 6 tháng đầu năm nay, Công ty Thủy điện Sông Bung (Tổng Công ty Phát điện 2) đã vận hành Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 theo biểu đồ huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và kế hoạch điều tiết nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp năm 2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam với tổng sản lượng điện năng phát lên lưới là gần 203,5 triệu kWh. Lượng nước cấp cho hạ du cũng đạt gần 445,7 triệu m3, đảm bảo cung cấp đủ nước theo yêu cầu của Sở.
Ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung 4 cho biết, thực hiện Quyết định số 35/QĐ-ĐTĐL ngày 12/6/2015 của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), từ ngày 1/7, Nhà máy Sông Bung 4 chính thức tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh. Mặc dù vậy, trong thời gian từ đầu tháng 7 đến nay do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên lưu lượng nước về hồ tương đối thấp, khoảng 27,8m3/s, trong khi đó, nhà máy phải thực hiện phát điện theo biểu đồ được Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia giao rất cao; đồng thời vẫn phải đảm bảo xả nước cho hạ du theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam.
Để tích nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất phía hạ du khi mực nước tại hồ Sông Bung đã giảm sâu, Công ty Thủy điện Sông Bung đã phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia tạm tách các tổ máy của nhà máy Sông Bung 4 ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ 0h00 ngày 18/8. Sau khi tách ra khỏi thị trường, nhà máy được vận hành theo phương thức huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia nhằm đảm bảo cấp nước cho hạ du.
“Như vậy từ tháng 7 đến nay, nhà máy đã phát lên lưới 41,4 triệu kWh và cấp cho hạ du gần 161,7 triệu m3 nước, trong khi dung tích hạ du yêu cầu là 128,2 triệu m3, đáp ứng đủ nước cho hạ du theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, Công ty cũng chưa nhận được văn bản chỉ đạo cũng như yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng trong việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố”, ông Nguyễn Minh Chiến khẳng định.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đối với Nhà máy thủy điện A Vương, 8 tháng qua, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài và gay gắt nên lưu lượng nước về hồ chỉ đạt tần suất khoảng 75%. Mặc dù vậy, Công ty Thủy điện A Vương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm, đồng thời điều chỉnh cụ thể trong từng tháng để phù hợp với tình hình thủy văn và nhu cầu thực tế, nhằm vừa xả nước phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt – sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2014-2015 và vụ Hè Thu năm 2015 ở hạ du.
Ông Nguyễn Trâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (Tổng Công ty Phát điện 2) cho biết, căn cứ kế hoạch sử dụng nước thống nhất giữa Công ty và địa phương, hàng tháng Công ty đều có văn bản gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia để cập nhật và lập kế hoạch huy động phát điện phù hợp. Thực tế vận hành cho thấy công tác phối hợp phát điện được thực hiện sát với nhu cầu địa phương có sự thống nhất của Công ty và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia.
Số liệu vận hành cũng cho thấy công tác điều tiết và sử dụng nước được phối hợp chặt chẽ trong tình hình khan hiếm nguồn nước ngay từ đầu năm và nắng nóng kéo dài trong các tháng cao điểm. Đến ngày 15/8, lưu lượng trung bình nước về hồ là 22 m3/s thì lưu lượng trung bình chạy máy phát điện là 29 m3/s và dung tích nước xả về hạ du là 37 triệu m3 . Tổng lượng xả qua phát điện trung bình tháng cao hơn lưu lượng nước về hồ khoảng 190%. Riêng trong tháng 1 do lưu lượng nước tự nhiên trên sông Vu Gia còn lớn, để sử dụng hiệu quả nguồn nước, Nhà máy thủy điện A Vương đã phối hợp với địa phương giảm công suất phát điện để giữ lượng nước cho các tháng cao điểm từ tháng 2 trở đi.
Ngoài việc đáp ứng đủ nước cho hạ du theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 đã tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình liên quan đến huy động, vận hành nhà máy. Đơn cử như tuân thủ Quy trình vận hành hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 0637/QĐ-BCT ngày 1/2/2010.
Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung 4 Nguyễn Minh Chiến, trong thời gian quy trình vận hành liên hồ chứa chưa được ban hành, Công ty đã chủ động phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam ký kết quy chế phối hợp vận hành hồ chứa thủy điện Sông Bung 4 trong mùa lũ hàng năm để tạm thời áp dụng. Hiện nay, Công ty đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứ, góp ý để hoàn thiện dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì.
Theo icon.com.vn