Một trong 2 chủ đề lớn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lựa chọn làm khâu đột phá cho năm 2014 chính là “Tối ưu hóa chi phí”. Để nhanh chóng cụ thể hóa mục tiêu này, các đơn vị sẽ làm gì?

Ông Lê Văn Phước – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC): Đột phá bằng 3 chương trình trọng điểm, 3 khâu then chốt

EVN HCMC xác định, sẽ tập trung đột phá bằng 3 chương trình trọng điểm, 3 khâu then chốt để thực hiện “Tối ưu hóa chi phí” ngay trong năm 2014 và làm tiền đề cho các mục tiêu tiếp theo đến năm 2020.

Cụ thể, 3 chương trình trọng điểm gồm: Nguồn nhân lực; Quản trị doanh nghiệp; Công nghệ thông tin. 3 khâu then chốt gồm: Dịch vụ khách hàng; Vận hành lưới điện; Đầu tư xây dựng. Bám sát theo các chương trình chủ đạo này, cùng với các chương trình kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn sẽ được cụ thể hóa trong tất cả các lĩnh vực hoạt động và các chương trình nhánh.
Một số  mục tiêu cụ thể “tối ưu hóa chi phí” được xác định cho năm 2014 của EVN HCMC gồm: Sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 19 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2013; hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn 2.772 tỷ đồng, đảm bảo tiến độ các công trình điện cấp bách; Tiết kiệm đầu tư xây dựng tối thiểu 5% so với kế hoạch được giao (tương đương khoảng hơn 210 tỷ đồng); Tăng năng suất lao động trên 10% so với năm 2013…
 

Ông Trần Đình Nhân – Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC): “Xây dựng từng nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài”

EVN CPC đã thành lập Ban Chỉ đạo tối ưu hóa chi phí của Tổng công ty, trong đó phân công cụ thể đối với từng thành viên, đồng thời phân bổ chỉ tiêu một cách chi tiết đến từng đơn vị và có những con số cụ thể, đánh giá định kỳ, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện. Năm 2014 là năm khởi đầu cho mục tiêu tối ưu hóa chi phí của EVN, EVN CPC sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ với tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt.  
Về lâu dài, EVN CPC sẽ chú trọng nhóm các giải pháp về cải cách thể chế, xây dựng các đề án chiến lược phát triển nhân sự, chiến lược phát triển dịch vụ khách hàng, phát triển lưới điện thông minh, công nghệ thông tin, lộ trình giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chương trình mua sắm và quản lý vật tư thiết bị…

 

Ông Ngô Việt Hải – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2): “Xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn hợp lý”

Đối với Genco 2, chúng tôi đã yêu cầu bộ phận kỹ thuật sản xuất phải tính toán cho từng tổ máy, từng nhà máy chi phí sửa chữa, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố và thông báo rộng rãi trong Tổng công ty. Về tài chính, Genco 2 đã xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn hợp lý, tránh trường hợp trong cùng một tổng công ty, có đơn vị dư tiền đầu tư tài chính ngắn hạn với lãi suất từ 5 – 7%, trong khi đó, đơn vị khác phải đi vay với lãi suất cao 12%.
Hiện nay, hàng tồn kho thuộc Genco 2 là hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu mỗi tổng công ty, mỗi đơn vị đều tồn kho khối lượng vật tư thiết bị lớn như vậy sẽ rất lãng phí. Thiết nghĩ, cần xây dựng một chương trình quản lý vật tư, kết nối các đơn vị trong toàn Tập đoàn hoặc Tổng công ty, từ đó có giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả khối lượng vật tư thiết bị tồn kho đó.


Ông Vũ Trần Nguyễn – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT): “Thực hiện đồng bộ các giải pháp”

Giải pháp EVN NPT lựa chọn là tăng cường quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, giảm tổn thất trên lưới điện truyền tải; đảm bảo chất lượng công tác; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện đường dây và trạm, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy.
Đồng thời, EVN NPT sẽ phối hợp chặt chẽ với các trung tâm điều độ để có phương thức vận hành lưới điện truyền tải một cách hợp lý; kiểm tra thường xuyên các trạm biến áp để hạn chế sự cố, đảm bảo đủ vật tư dự phòng, đáp ứng yêu cầu sản xuất; tập trung đảm bảo vận hành an toàn các trạm biến áp và đường dây truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam.
Ngoài ra, các đơn vị phải triệt để tiết kiệm điện tự dùng, tăng cường kiểm soát dòng tiền, tiết kiệm chi phí để tăng hiệu quả sản xuất. Trong đầu tư xây dựng, sửa đổi bổ sung hoàn thiện quy chế đấu thầu, kiểm soát chặt chẽ chi phí, đẩy nhanh công tác rà soát và xây dựng lại định mức đơn giá cho các đơn vị, nâng cao năng lực các ban quản lý dự án.