Việc sản xuất điện năng ở các nước thành viên ASEAN chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch. Do vậy, việc giá dầu, giá khí đốt, giá than trên thị trường thế giới tăng trong những năm gần đây đã kéo theo giá điện tăng ở các quốc gia này.

Thái Lan: Trong năm 2013, giá điện ở Thái Lan tăng tổng cộng 35%. Ủy ban Điều tiết giá điện Thái Lan cho biết, việc tăng giá điện là do giá nguyên liệu khí đốt tăng cao. Sau các đợt điều chỉnh giá điện, hiện người dân Thái Lan phải chi trả 3,82 bath/kWh (tương đương khoảng 2.500 VNĐ/kWh).

Hiện nay, công suất lắp đặt của hệ thống điện ở quốc gia này khoảng  33,1 GW. 70% lượng điện năng của Thái Lan được sản xuất từ khí tự nhiên. Những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm phụ thuộc vào khí thiên nhiên trong sản xuất điện ở nước này đã thất bại, do người dân và các nhà hoạt động môi trường đã phản đối việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Ảnh minh họa

Philippines: Là nước có tiền điện cao thứ hai trong khu vực châu Á và là 1 trong 44 nước có giá bán điện cao nhất thế giới trong năm 2012. Với lí do chi phí nhiên liệu sản xuất tăng, ngay trong tháng 4 năm 2014, Công ty Điện lực Manila, nhà phân phối điện lớn nhất Philippines vừa tăng giá điện thêm 0,64 Peso/kWh. Mức giá điện hiện tại Manila đang bán cho khách hàng là 5,9 Peso/kWh (tương đương 2.870 VNĐ/kWh). Lý giải cho nguyên nhân điện giá cao, Ban Điều phối Thống kê Quốc gia Philippines cho biết, đó là do Chính phủ nước này không trợ giá bán điện.

Cũng theo tổ chức này, chi phí sản xuất điện là nguyên nhân chính khiến giá điện cao. 65% tiền điện thu từ khách hàng là để chi trả cho các nhiên liệu sản xuất điện, như: Khí đốt, than, dầu mỏ, dầu diesel… Trong khi đó, giá nhiên liệu ở quốc gia này hoàn toàn phụ thuộc theo giá nhiên liệu của thị trường quốc tế, không có sự trợ giá của chính phủ. Philippines đang nỗ lực để có thể tự khai thác, sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước. Tuy nhiên, việc tìm vốn đầu tư cũng như xây dựng các cơ sở sản xuất sẽ tốn thêm một thời gian dài.

Malaysia: Cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Công nghệ xanh và Nguồn nước của Malaysia, ngài Datuk Dr Maximus Johnity Ongkili đã thông báo, từ ngày 1/1/2014, giá điện tăng khoảng 15% ở bán đảo Malaysia, và khoảng 17% đối với bang Sabah và lãnh thổ liên bang Labuan. Cụ thể, giá điện trung bình trong bán đảo Malaysia là 38,53 Sen/kWh (tương đương 2.300 VNĐ/kWh). Đối với Sabah và Labuan, mức giá trung bình sẽ là 34,52 Sen/kWh (tương đương 1.900 VNĐ/kWh).
Nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than và khí tự nhiên, chiếm gần 90%  công suất phát điện của Malaysia, trong đó, khí thiên nhiên chiếm khoảng 51%. Những năm gần đây, Malaysia phải đối mặt với sự thiếu hụt khí thiên nhiên, do sự sụt giảm của sản xuất trong nước. Để tránh tình trạng thiếu điện, Malaysia đã buộc phải tăng tỷ lệ sử dụng dầu diesel và than – những loại nguyên liệu có giá thành đắt hơn vào sản xuất điện.

Với các nước ASEAN, dầu mỏ, khí tự nhiên và than chiếm hơn ¾  tổng nhu cầu về năng lượng. Trong đó, dầu mỏ là nguồn năng lượng chính yếu. Khu vực Đông Nam Á tiêu thụ khoảng 4,4 triệu thùng dầu/ngày. Tiếp đó là khí tự nhiên, với mức 141 tỉ mét khối trong năm 2011. Lượng than được sử dụng hiện chiếm khoảng 16% nhu cầu năng lượng của khu vực.

So sánh giá bán điện bình quân và mức tăng tiền điện ở một số nước ASEAN

Giá bán điện bình quân tháng 12/2013

Giá bán điện bình quân tháng 6/2014

Mức tăng

Việt Nam

1.508,85 VNĐ/kWh

1.508,85 VNĐ/kWh

0%

Thái Lan

2.100 VNĐ/kWh

2.500 VNĐ/kWh

19%

Philippines

2.530 VNĐ/kWh

2.870 VNĐ/kWh

13,44%

Bán đảo Malaysia

2.000 VNĐ/KWh

2.300VNĐ/kWh

15%

(Tổng hợp theo website Tạp chí Năng lượng châu Á và “Báo cáo Tình hình năng lượng khu vực Đông Nam Á năm 2013” của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA )