Dự kiến đến ngày 11.4, khi lượng nước về hồ đúng mực nước quy định, thủy điện A Vương sẽ vận hành phát điện phù hợp theo Quy trình 1865 và nhu cầu thực tế sử dụng nước của địa phương vùng hạ du.
Hạn chế tối đa phát điện để tích nước
Từ mùa lũ 2019, lượng nước ở vùng thượng lưu sông Vu Gia – Thu Bồn đã xuống mức thấp kỷ lục. Một số nhà máy thủy điện vào thế buộc phải “phá vỡ” quy trình vận hành liên hồ chứa do không tích đủ nước. Nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn như A Vương, Sông Bung 4… đến cuối mùa lũ 2019 đều ở rất thấp. Riêng hồ A Vương đến ngày 31.12.2019 chỉ đạt 354 m, thấp hơn 26 m so với mực nước dâng bình thường 380 m, tương đương thiếu hụt gần 200 triệu m3. Các tháng đầu năm 2020, các hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn cho hạ du. Với tần suất nước về các hồ A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 đặc biệt thấp (xấp xỉ 100%), mực nước các hồ thủy điện đều thấp hơn mực nước quy định.
Đến cuối mùa lũ 2019, hồ A Vương thiếu hụt 26 m nước so với mực nước dâng bình thường - Ảnh: Nguyên Thọ

Đến cuối mùa lũ 2019, hồ A Vương thiếu hụt 26 m nước so với mực nước dâng bình thường

Ảnh: Nguyên Thọ

Đại diện Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) cho hay, trước tình hình khô hạn, thiếu nguồn nước trong các tháng mùa mưa năm 2019, nhà máy thủy điện A Vương đã hạn chế phát điện từ ngày 22.11.2019. Từ ngày 1.12.2019 đến nay, nhà máy đã ngừng vận hành và thực hiện tích nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23.12.2019 (gọi tắt Quy trình 1865) và văn bản số 352/UBND-KTN ngày 17.1.2020 của UBND tỉnh Quảng Nam để ưu tiên tích nước hồ, phục vụ việc điều tiết phát điện, cấp nước hạ du trong mùa khô 2020.
Lưu lượng nước về hồ A Vương trong tháng 1, tháng 2 và những ngày đầu tháng 3 cao hơn tần suất 98%, nên khả năng mực nước hồ đạt khoảng mực nước của phụ lục 3 Quy trình 1865 kéo dài đến nửa đầu tháng 4.2020 so với nhận định trước đây là ngày 1.4 (theo phụ lục, vào ngày 11.4 là 369,4 m và đến ngày 20.4 là 372,2 m). Theo ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc AVC, trên cơ sở nguồn nước tích trữ trong hồ thủy điện A Vương và dự báo tình hình thủy văn nước về hồ trong thời gian từ nay đến khi đạt phụ lục 3 Quy trình 1865, AVC đề xuất phương án nhà máy tiếp tục dừng vận hành cho đến khi mực nước hồ nằm trong mức phụ lục 3.
Các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn với chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam bàn giải pháp vận hành hiệu quả hồ chứa - Ảnh: Nguyên Thọ

Các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn với chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam bàn giải pháp vận hành hiệu quả hồ chứa

Ảnh: Nguyên Thọ

Dự kiến đến ngày 11.4, mực nước hồ đạt 369,95 m, trong khoảng mực nước quy định tại phụ lục 3 và từ thời điểm này nhà máy thực hiện vận hành phát điện theo Điều 19 Quy trình 1865. Trong quá trình vận hành, nhà máy A Vương sẽ theo dõi sát tình hình thủy văn hồ chứa và kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vận hành phù hợp với Quy trình 1865 và nhu cầu thực tế sử dụng nước của địa phương.
“Kho” nước thủy điện không thể “giải hạn”
Theo lãnh đạo AVC, kho nước của các hồ chứa thủy điện đầu nguồn Vu Gia – Thu Bồn hiện rất ít ỏi so với tổng lưu lượng tự nhiên của toàn bộ lưu vực và không có khả năng bổ sung thêm lượng nước cho hạ du, trong khi mùa khô năm 2020 còn rất dài. Việc sử dụng kho nước dự trữ này vào thời điểm nào, hiện đang được Thủ tướng giao cho chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam và điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các thủy điện, đảm bảo ổn định hệ thống điện. Tuy nhiên, AVC cho rằng, vấn đề này không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng và doanh thu. Bởi nước từ các hồ thủy điện vẫn được xả qua tua-bin phát điện rồi chảy về hạ du. Lượng nước này nếu phát điện trước thì khỏi phát sau. Các hồ thủy điện không mất sản lượng khi thực hiện các yêu cầu chạy máy để cung cấp nước cho hạ du…
Thủy điện bám sát nhu cầu nước vùng hạ du - ảnh 3
Nhưng với tình hình thời tiết cực đoan như những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn diễn ra thường xuyên, AVC nhận định việc sử dụng lượng nước trên các hồ là không đủ để giải quyết việc chống xâm nhập mặn vùng hạ du. Từ đó, đặt ra bài toán cho các cấp có thẩm quyền, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về giải pháp căn cơ cho việc chống hạn, nhiễm mặn trong dài hạn. Chẳng hạn, mới đây, ngày 12.3, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản về việc đề nghị vận hành xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đảm bảo cấp nước sinh hoạt tại TP, qua đó yêu cầu thủy điện A Vương thực hiện xả nước bắt đầu từ 9 giờ ngày 13.3 đến khi Đà Nẵng thi công xong tuyến đập tạm số 2 trên sông Cẩm Lệ.
Thủy điện bám sát nhu cầu nước vùng hạ du - ảnh 4
Ngay sau khi nhận được văn bản này, AVC đã đăng ký công suất phát điện và làm việc với các đơn vị liên quan huy động phát điện nhà máy A Vương. Tuy nhiên, tại văn bản này, AVC cũng bày tỏ lo lắng khi lượng nước tích được trong hồ tính đến ngày 16.3 chỉ 367,84 m. Trong khi đó, mực nước hồ tiếp tục giảm thấp do lưu lượng nước về hồ A Vương thấp hơn lưu lượng xả từ 3 – 4 lần. Do đó, AVC đề nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét, có ý kiến về phương thức điều tiết, vận hành hồ A Vương trong mùa khô năm 2020 tuân thủ Quy trình 1865 và phù hợp với tình hình thủy văn hiện tại và dự báo trong cả mùa khô năm 2020.
Vì khó khăn về nguồn nước đầu nguồn, thủy điện A Vương đề nghị các địa phương hạ du chủ động phương án chống hạn mặn mùa khô 2020 - Ảnh: Nguyên Thọ

Vì khó khăn về nguồn nước đầu nguồn, thủy điện A Vương đề nghị các địa phương hạ du chủ động phương án chống hạn mặn mùa khô 2020

Ảnh: Nguyên Thọ

Dừng 2 tổ máy, đại tu nhiều hạng mục để đảm bảo an toàn
Cuối năm 2019, AVC đã có báo cáo gửi Bộ TN-MT, Cục Quản lý tài nguyên nước, UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng về phương án vận hành đầu mùa cạn năm 2020 và dừng 2 tổ máy để sửa chữa, kiểm tra định kỳ. Theo ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc AVC, nếu 2 tổ máy dừng hoàn toàn để tập trung tích nước thì dự kiến đến đầu tháng 4 mực nước hồ mới nằm trong khoảng giá trị quy trình. Công ty đã xuất tiếp tục hạn chế tối đa việc vận hành tổ máy phát điện, trừ trường hợp vận hành nhằm đảm bảo an ninh năng lượng để đảm bảo việc tích nước hồ chứa.
Trong thời gian này, AVC đã tổ chức thực hiện việc đại tu, kiểm tra các thiết bị thuộc tuyến năng lượng, gồm: cửa, hầm nhận nước, nhà van, đường ống áp lực… theo định kỳ 5 năm/lần. “Đây là việc làm rất cần thiết theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng để đảm bảo cho các thiết bị, hạng mục công trình làm việc an toàn, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận hành”, ông Thế nhấn mạnh. 
Nguồn tin – Báo Thanh Niên