Trên phạm vi cả nước hiện có 101 nhà máy thủy điện (NMTĐ) vận hành với tổng dung tích hồ chứa ở mực nước dâng bình thường khoảng 35,6 tỷ m3. Đến cuối tháng 12-2019, các hồ chỉ tích được 24,3 tỷ m3 nước, thiếu hụt 11,3 tỷ m3.
Trữ lượng nước tích được trong các hồ thủy điện hiện nay quy ra điện chỉ đạt 10,49 tỷ kWh, thiếu hụt 4,82 tỷ kWh. Vì thế, trong mùa khô năm 2020, việc bảo đảm cấp điện và nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên phạm vi cả nước sẽ rất căng thẳng.
Mực nước trong các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia ở mức rất thấp. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Dừng phát điện và xả nước kéo dài
Mùa mưa bão năm 2018 và 2019 không có mưa lớn trên lưu vực hồ thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) nên đã gây ra tình trạng thiếu hụt đáng kể nguồn nước cho hồ thủy điện này. Sản lượng điện sản xuất được trong năm 2019 là 315,64 triệu kWh, chỉ đạt 42,8% so với sản lượng điện thiết kế sản xuất được hằng năm, thấp nhất trong 11 năm vận hành NMTĐ này.
Đặc biệt, đến ngày 31-12-2019, mực nước trong hồ thủy điện A Vương ở mức 352,8m, thấp hơn mực nước dâng bình thường đến 27,2m. Công ty CP Thủy điện A Vương đã quyết định hạn chế phát điện thông qua xả nước từ ngày 22-11-2019 và dừng phát điện hoàn toàn từ ngày 1-12-2019 để ưu tiên tích nước nhằm phục vụ điều tiết nước và sản xuất điện trong năm 2020.
Công ty cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam khuyến cáo tình trạng khô hạn bất thường và đề nghị có biện pháp chủ động ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước.
Công ty cũng dự báo, với lưu lượng nước về hồ chứa như hiện nay, dự kiến đến ngày 1-4-2020, mực nước trong hồ thủy điện A Vương mới đạt mức quy định và mới có thể chủ động vận hành bình thường. Tức là thủy điện A Vương hạn chế phát điện (thậm chí, dừng phát điện) đến ngày 31-3-2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương còn bày tỏ lo ngại hơn: “Mỗi năm, hồ thủy điện A Vương sử dụng bình quân 1,61 tỷ m3 nước để phát điện, nhưng dung tích hữu ích của hồ chứa chỉ 266 triệu m3 nước.
Như vậy, trữ lượng nước tích trữ trong các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện để sử dụng trong năm đến 1,3 tỷ m3 nước. Trữ lượng nước này có được nhờ mưa lớn trong suốt mùa mưa bão, thậm chí có nhiều lũ lớn.
Nhưng trong thời gian qua, lượng mưa ở các cánh rừng trên lưu vực hồ thủy điện A Vương rất kém, không xuất hiện lũ, dẫn đến trữ lượng nước tích trong các cánh rừng rất ít. Nếu trong mùa hè của năm 2020 mà không có mưa thì sẽ có thêm một kỷ lục mới về hạn, mặn!”.
Trữ lượng nước và sản lượng điện thiếu hụt của các hồ thủy điện trên một số lưu vực sông. (Nguồn: EVN) Đồ họa: HOÀNG HIỆP |
Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung (quản lý, vận hành 2 hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4) cho biết đã thông báo hạn chế xả nước hồ thủy điện từ đầu tháng 12-2019 đến ngày 1-2-2020 để tích nước, bảo đảm mực nước theo đúng quy định. Năm 2019, công ty chỉ sản xuất đạt 49% kế hoạch năm vì thiếu nước. Dự báo, tổng sản lượng điện sản xuất được trong năm 2020 cũng chỉ ở mức như năm 2019.
Trong khi đó, theo Công ty Thủy điện Sông Tranh, dù ở vị trí tâm mưa lớn nhất cả nước (Trà My) và cán mốc sản xuất điện đạt 5 tỷ kWh vào ngày 9-11-2019 sau 9 năm vận hành, nhưng tổng sản lượng sản xuất được của NMTĐ Sông Tranh 2 là 480,8 triệu kWh, chỉ đạt 71% so với kế hoạch được giao. Nguyên nhân là trữ lượng nước về hồ thiếu hụt khoảng 930 triệu m3 nên sản lượng điện sản xuất được thấp hơn kế hoạch giao khoảng 200 triệu kWh.
Trong khi đó, trữ lượng nước trong hồ đến cuối năm 2019 thiếu hụt hơn 56 triệu m3 so với mực nước dâng bình thường, dẫn đến thiếu hụt khoảng 15 triệu kWh cho kế hoạch sản xuất năm 2020. Với dự báo tình hình thủy văn hồ thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục diễn biến phức tạp và lưu lượng dòng chảy trên các sông trong năm 2020 thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, Công ty Thủy điện Sông Tranh đang nỗ lực sản xuất đạt 550,73 triệu kWh điện trong năm 2020 và bảo đảm cấp nước sản xuất, sinh hoạt, chống xâm nhập mặn ở hạ du.
Dự báo thiếu 5,6 tỷ kWh điện trong năm 2020
Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hằng năm, ngoài nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu nước hạ du và duy trì dòng chảy sinh thái, 101 NMTĐ còn đáp ứng 35-44% nhu cầu điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, trong năm 2019, tình hình thủy văn không thuận lợi, tổng lượng nước về các hồ trong mùa lũ chỉ đạt 69% so với giá trị trung bình nhiều năm.
Mặc dù EVN và A0 đã chủ động huy động cao các nguồn điện than, điện khí ngay trong mùa lũ, khai thác cao các nguồn chạy dầu từ đầu tháng 10-2019 để tích nước các hồ thủy điện. Tuy nhiên, lưu lượng nước về các hồ thấp nên nhiều hồ chứa không thể tích được nước đến mực nước dâng bình thường khi hết mùa lũ.
Tính đến cuối tháng 12-2019, trữ lượng nước tích được trong các hồ thủy điện chỉ 24,3 tỷ m3, thiếu hụt khoảng 11,3 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường. Trữ lượng nước tích được trong các hồ hiện nay quy ra điện là 10,49 tỷ kWh, thiếu hụt 4,82 tỷ kWh so với mực nước dâng bình thường.
Tỉ lệ % trữ lượng nước tích được trong các hồ thủy điện lớn (cuối tháng 12-2019). |
Đặc biệt, dự báo từ tháng 1 đến tháng 6-2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhưng các hồ xả nước vụ đông xuân ở Bắc Bộ như: hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà chỉ tích được 5,7 tỷ m3 nước, tương ứng 57,3 % dung tích (đây là năm mà mực nước ở hồ Hòa Bình tích được thấp nhất kể từ khi nhà máy vận hành tới nay).
Theo tính toán, nếu xả nước như yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổng lượng nước phải xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỷ m3. Sau khi xả, hồ Hòa Bình chỉ còn 5,7% trữ lượng nước hữu ích, hồ Thác Bà còn 18,2% và hồ Tuyên Quang còn 8,4%. Ngoài ra, sau khi đổ ải, các hồ còn phải cấp nước phục vụ tưới dưỡng cho diện tích lúa đã được gieo cấy, phục vụ cấp nước sinh hoạt…
“Trước tình hình khó khăn này, phải phân bổ trữ lượng nước tích được trong các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm cung cấp đủ cho hạ du và nhu cầu hệ thống điện đến hết mùa cạn 2020. A0 sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xả nước các hồ thủy điện vừa cung cấp nước cho địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải cao ở miền Nam”, ông Vũ Xuân Khu cho biết.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) Ngô Tấn Cư cho rằng: “Trong năm 2020 tiếp tục đối mặt với tình hình thiếu điện, EVNCPC mong muốn mỗi người tiết kiệm một ít điện; đồng thời, với nguồn và lưới điện còn khó khăn, EVNCPC mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng trong các đợt thực hiện điều chỉnh phụ tải điện (DR), tiết giảm điện”.
Dự báo năm 2020 cả nước thiếu 5,6 tỷ kWh điện
Tại hội nghị khách hàng sử dụng điện năm 2019 do Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tổ chức vào chiều 17-12, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh: “Dự báo, từ năm 2020 đến 2022 và những năm sau đó, tình trạng thiếu điện trong cả nước sẽ diễn ra khi mà tình hình biến đổi khí hậu làm cho mực nước về các hồ thủy điện giảm đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ứng điện. Trong khi đó, nếu xảy ra tình trạng 3 miền đều nắng nóng như mùa hè năm 2019 và với nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến thì rất khó cho việc bảo đảm nguồn điện phục vụ của hệ thống. Dù đã vận dụng tất cả các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo, kể cả điện chạy dầu giá cao nhưng vẫn thiếu điện. Cụ thể theo dự báo, năm 2020 cả nước thiếu 5,6 tỷ kWh, năm 2021 là 8,5 tỷ kWh và năm 2022 là 10 tỷ kWh. Giải pháp của EVN là bên cạnh sản xuất điện từ nhà máy còn khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nguồn điện tại chỗ; đồng thời, điều chỉnh phụ tải tránh áp lực lên hệ thống điện và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các thiết bị điện. EVN cũng mong muốn các khách hàng tiếp tục chia sẻ, đồng hành với ngành điện và sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm”. |
EVN phải thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm cung cấp điện
Sáng 25-12, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của EVN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho EVN phải thể hiện vai trò chủ đạo trong bảo đảm cung cấp điện, vận hành an toàn hệ thống điện. Có phương án ứng phó với tình hình khô hạn, nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với EVN và các tập đoàn lớn trong công tác điều hành tốt than và khí cho việc cung ứng điện với quan điểm là phải ưu tiên than, khí cho sản xuất điện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư, gồm: các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái. Đẩy nhanh tiến độ lưới truyền tải đồng bộ, bảo đảm giải tỏa hết công suất các nhà máy năng lượng tái tạo. |
Nguồn tin – HOÀNG HIỆP Báo ĐÀ NẴNG