Ngày 23/6, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa lũ hàng năm (bao gồm các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2).
Đảm bảo an toàn cho hạ du
Theo đó, từ ngày 1/9 đến ngày 15/12 hàng năm, các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Thứ nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình Thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; Thứ hai, góp phần giảm lũ cho hạ du; Thứ ba, bảo đảm hiệu quả phát điện.
Việc vận hành các công trình xả của các hồ chứa phải thực hiện theo đúng Quy trình vận hành công trình xả đã được ban hành nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống công trình đầu mối.
Quy trình vận hành hồ chứa mới sẽ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn – Ảnh CTV |
Nguyên tắc vận hành các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ phải đảm bảo chức năng giảm lũ cho hạ du. Cụ thể là không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ quy định về trình tự, phương thức đóng, mở van các công trình xả đã được các cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ đột ngột, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Trong mùa lũ, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt mực nước cao nhất trước lũ của các hồ thủy điện A Vương ở cao trình 376 mét, Đắk Mi 4 ở mức 255 mét và Sông Tranh 2 ở mức 172 mét.
Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với thực tế. Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước trước lũ nên trên, trừ trường hợp quy định.
Hài hòa lợi ích
Quy trình cũng quy định rõ mực nước đón lũ của các hồ khi tham gia giảm lũ cho hạ du gồm: Hồ Thủy điện A Vương ở cao trình 370 mét (cao trình mực nước chết 340 mét), Đắk Mi 4 cao trình 251 mét (cao trình mực nước chết 240 mét) và Sông Tranh 2 cao trình 165 mét (cao trình mực nước chết 140 mét).
Một thay đổi lớn trong Quy trình này là việc vận hành hồ chứa giảm lũ cho hạ du đối với các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 do Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Nam quyết định (theo Quyết định cũ 1880/QĐ-TTg (ngày 13/10/2010) việc vận hành do chủ hồ tự quyết định). Đối với tình huống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ quyết định việc vận hành 3 hồ chứa này. Trong điều kiện thời tiết bình thường sẽ do Giám đốc các đơn vị quản lý, vận hành hồ chủ động vận hành điều tiết.
Ông Nguyễn Quốc Chính – Phó trưởng ban Kỹ thuật sản xuất (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết: Với Quy trình mới này, 2 nhà máy thủy điện của EVN là A Vương và Sông Tranh 2, công suất đảm bảo dự kiến giảm 30 MW với sản lượng tương ứng là 27 triệu kWh/năm (doanh thu giảm 36 tỷ đồng/năm).
“Việc áp dụng Quy trình vận hành có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu do thay đổi cơ quan quyết định vận hành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương trong vận hành, đảm bảo khả năng chống lũ cho hạ du và khai thác tối ưu nguồn tài nguyên nước cho kinh tế và xã hội”, ông Chính nhấn mạnh.
Tại buổi công bố Quyết định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai yêu cầu các nhà máy thủy điện phải thực hiện đầy đủ Quy trình vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, đảm bảo nguyên tắc lũ không chồng lũ, góp phần giảm lũ và đảm bảo an toàn cho công trình và hiệu quả phát điện. Trong mùa lũ luôn đảm bảo dung tích hồ chứa để đón lũ. Đối với các đơn vị làm công tác dự báo, cần tăng cường năng lực, bổ sung mạng lưới cung cấp thông tin chính xác về diễn biến thời tiết; Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức hướng dẫn tập huấn, tổ chức kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Quy trình, …
“Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan trung ương, địa phương sẽ sớm xây dựng kịch bản xử lý tình huống và môi trường trong mùa lũ; khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy trình điều tiết nước mùa cạn, tiến tới ban hành Quy trình vận hành cả năm của các hồ trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn”, Thứ trưởng Lai nhấn mạnh.