Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cũng là đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được ưu tiên cung cấp điện. Do vậy, kịch bản điều hành sản lượng và cung cấp điện ở TP Hồ Chí Minh trong năm nay được xây dựng dựa trên tình hình các phương án hụt công suất nguồn phát trên hệ thống từ 1-10%  và chuẩn bị các nguồn để đảm bảo điện cho khu vực huyện Củ Chi khi cắt điện thi công công trình trọng điểm đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMPC) cho biết Tổng Công ty đã dự phòng bình quân 30-50% công suất, cùng với quá trình đầu tư nguồn và lưới điện theo quy hoạch triển khai từ trước; đồng thời với đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông kịp tiến độ đóng điện vào tháng 4 tới thì TP Hồ Chí Minh sẽ không thiếu điện.

“Kể cả khi có tăng trưởng phụ tải thì cũng không đáng kể. Nhưng cùng với đó, Thành phố phải chú trọng xây dựng các đường dây mạch vòng cao thế và trung thế để vận hành linh hoạt, nối các trạm trung gian với nhau để truyền tải nhanh, giảm thời gian và phạm vi mất điện. Đồng thời phấn đấu đạt các chỉ tiêu cung cấp điện cụ thể như SAIDI, SAFI và MAFI (hiện đang thấp nhất Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ngang bằng với các nước trong khu vực vào năm 2020”, ông Bảo nói.

Hiện nay, Tổng Công ty đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra lưới điện nhằm phát hiện những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố để kịp thời khắc phục; thực hiện chủ trương giảm thời gian mất điện khách hàng không quá 5 giờ/lần và không quá 1 lần/quý. Bên cạnh đó, lập phương án cung cấp điện ưu tiên thông qua Sở Công Thương trình UBND Thành phố phê duyệt.


Tổng Công ty Điện lực TP HCM  đang rà soát lại quy trình cấp điện, từ dịch vụ cung cấp đến chất lượng điện để từ đó điều chỉnh và nâng cao dịch vụ cung cấp điện cho khách hàng. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, Tổng Công ty xây dựng các kịch bản điều hành và phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành bình thường và trong điều kiện thiếu từ 1-10% sản lượng và công suất dự phòng. Trong đó, trường hợp không thiếu sản lượng và công suất, Tổng Công ty căn cứ kế hoạch cắt điện đã được lập từ đầu năm theo tiến độ thi công dự kiến nhưng được rà soát chuẩn xác lại 1 tháng trước khi thực hiện cắt điện nhằm đáp ứng tình hình phụ tải thực tế tại thời điểm thực hiện. Đây là cơ sở để các đơn vị liên quan phối hợp công tác, giảm thiếu phạm vi mất điện, tránh ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ, sinh hoạt của người dân. Trường hợp thiếu sản lượng và công suất cao nhất (10%), Tổng Công ty yêu cầu Công ty Điện lực Chợ Lớn có số lần cắt điện tối đa không quá 1 lần/2 tuần đối với 1 khách hàng; Các Công ty Điện Củ Chi, Duyên Hải, Gia Định, Sài Gòn và Thủ Đức  có số lần cắt điện tối đa không quá 1 lần/1tuần đối với 1 khách hàng…

Cùng với việc đang hoàn thiện phương án cấp điện cho khu công nghệ cao giai đoạn 2014-2015, Tổng Công ty đang rà soát lại quy trình cấp điện cho doanh nghiệp, từ dịch vụ cung cấp cho khách hàng đến chất lượng điện để từ đó điều chỉnh và nâng cao dịch vụ cung cấp điện cho khách hàng. Đối với các doanh nghiệp đặc biệt, hàng quý, mỗi năm 1 kỳ, Tổng Công ty sẽ tư vấn về tiêu chuẩn kỹ thuật trong sử dụng điện cho doanh nghiệp. Đồng thời Tổng Công ty đều có chương trình chăm sóc khách hàng lớn bằng tổ chức Hội nghị ngành điện tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp, tổ dân phố để xây dựng cho kế hoạch năm sau.

Cụ thể, Tổng Công ty đã đưa Nhà máy Intel vào danh mục các phụ tải quan trọng và có kế hoạch tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt các đường dây, thiết bị cấp điện trạm 110kV, sử dụng các thiết bị hiện đại nhằm phát hiện sớm các nguy cơ sự cố và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Công ty Lưới điện Cao thế Thành phố đã phối hợp Ủy ban nhân dân Quận 9 và Ủy ban nhân dân phường Tân Phú, Quận 9 trong công tác tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp đối với các đường dây cung cấp điện cho Khu công nghệ cao và Nhà máy Intel. Trong thời gian tới, Tổng Công ty sẽ xem xét kế hoạch xây dựng thêm đường dây 110kV mới và trạm 220kV cung cấp điện cho Khu công nghệ cao và Nhà máy Intel để tăng hơn nữa độ tin cậy cấp điện cho phụ tải quan trọng này.
 


Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty sau gần 2 năm đi vào hoạt động đã trở thành cầu nối quan trọng giữa ngành điện với khách hàng sử dụng điện. Ảnh: HCMPC
Hiện Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty sau gần 2 năm đi vào hoạt động đã trở thành cầu nối quan trọng giữa ngành điện với khách hàng sử dụng điện. Ông Bùi Hữu Phước, Phó Phòng chăm sóc khách hàng cho biết: Với thời gian làm việc 3 ca liên tục 24/24h, mỗi ngày, Trung tâm này tiếp nhận từ 4.000-5.000 cuộc gọi để trả lời các nội dung liên quan đến lý do mất điện hoặc các thắc mắc xung quanh việc sử dụng điện…. Ngoài ra, Tổng Công ty còn có 2 tổ sửa chữa điện Hotline, nhờ vậy các sự cố lưới điện xảy ra trên các địa bàn luôn được khắc phục trong thời gian nhanh nhất.

Từ năm 2008 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển theo hướng dịch vụ, tài chính, đẩy mạnh di dời các doanh nghiệp ô nhiễm, chủ yếu là các khu công nghiệp, kỹ thuật cao. Vì vậy, theo ông Phạm Quốc Bảo, đây là một trong những địa phương có hệ số đàn hồi năng lượng thấp (từ 0,6-0,7%), trong khi các địa phương khác là 2 lần. Điều này còn thể hiện Thành phố này đã kiểm soát gia tăng phụ tải đều đặn.

Ngoài ra, để tăng khả năng truyền tải công suất cho hệ thống điện miền Nam và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đang tập trung hoàn tất xây dựng và đóng điện hai đường dây 500kV trọng điểm là Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông và Vĩnh Tân-Song Mây-Tân Định phục vụ cấp điện cho miền Nam trước mùa khô năm nay. Song song đó, EVN HCMPC cũng đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành trong tháng 4 năm nay 3 công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam như đường dây 220kV Cầu Bông-Củ Chi, Trạm biến áp (TBA) 220kV Củ Chi và TBA 110kV Cầu Bông nối cấp với tổng mức đầu tư gần 1.750 tỷ đồng để khai thác và vận hành đồng bộ khi hoàn thành đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông. Đây là các công trình tăng cường khả năng kết lưới cho hệ thống điện khu vực Tây Bắc TP nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Nhu cầu phụ tải trong năm 2014 của Thành phố Hồ Chí Minh được dự báo gia tăng từ 7,2-8,2% so với năm 2013 với sản lượng điện thương phẩm đạt từ 18,9-19,1 tỷ kWh. Công suất cực đại cũng ở mức 3.350 MW, tăng gần 10%. Như vậy, song song với việc tập trung triển khai các công trình đầu tư xây dựng lưới điện khu vực Thành phố cho kịp tiến độ đóng điện trong tháng Tư và chủ động chuẩn bị các phương án cung cấp điện, năm nay sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt thiết yếu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung./.

Theo Icon EVN