Theo lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 đã được Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái hết vốn đã đầu tư tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán … để dồn vốn cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện.
Hiện nay, EVN đang tích cực thực hiện việc thoái vốn theo đúng các quy định của Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Tuy nhiên, đây là việc không dễ thực hiện.
Nỗ lực thoái vốn
Tính đến 31/12/2013, tổng số vốn góp của EVN tại 7 Công ty cổ phần hoạt động ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính còn 2.072,2 tỷ đồng (thời điểm 31/12/2012, con số này là hơn 2.334 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, năm 2013, mặc dù thị trường tài chính vẫn khá ảm đạm nhưng EVN đã rất nỗ lực tìm kiếm đối tác chuyển nhượng vốn góp. Nhờ đó, EVN đã hoàn thành thoái vốn một phần tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với tổng vốn thu về 278 tỷ đồng. EVN cũng đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC) với giá trị là 5 tỷ đồng.
Theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank nói riêng cũng như tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nói chung như: Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS); Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC); Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn); Công ty CP BĐS Điện lực Miền Trung (Land Miền Trung). Mục tiêu nhằm bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.
Trước mắt, năm 2014, EVN sẽ thoái vốn tiếp ở 3/6 đơn vị thuộc diện thoái vốn còn lại là ABS, Land Sài Gòn, Land miền Trung. Bộ Công Thương đã có công văn phê duyệt phương án thoái vốn của EVN tại 3 đơn vị này theo hình thức bán đấu giá công khai ra công chúng với giá khởi điểm không thấp hơn mệnh giá và giá trị sổ sách của Công ty. Hiện EVN đang tích cực triển khai thực hiện các thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định. EVN cũng đã trình Bộ Công Thương phương án giảm vốn của EVN tại EVNFinance từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều l, theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, tương đương với số vốn giảm là 625 tỷ đồng theo hình thức bán đấu giá công khai ra công chúng.
Nhiệm vụ không đơn giản
Tính đến cuối năm 2013, EVN là “con nợ” lớn nhất của các ngân hàng thương mại trong nước với tổng dư nợ tín dụng lên tới 144.000 tỷ đồng. Như vậy, việc thu hồi vốn để tập trung đầu tư vào các ngành nghề chính là cần thiết.
Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng nhiệm vụ thu hồi đúng thời hạn toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành còn lại tới hơn 2.000 tỷ đồng không phải đơn giản. Hàng trăm triệu cổ phiếu sẽ được bán như thế nào, ai sẽ là người mua khi thị trường bất động sản gần như đóng băng, thị trường chứng khoán đang rớt mạnh như hiện nay. Nếu vì đảm bảo tiến độ hoàn thành thoái vốn vào cuối năm 2015 mà bị lỗ thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi không bảo toàn được nguồn vốn nhà nước? Vì vậy, có những việc làm được ngay, có những việc cần thời gian. Đó là chưa kể, việc thoái vốn cần được xử lý thận trọng, có hiệu quả, tránh việc thoái vốn mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty “mẹ” và “con”, mà công ty con lại do mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Quy chế quản lý tài chính EVN. Theo dự thảo này, EVN không được phát hành trái phiếu để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính… trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |