Với mục tiêu sớm ổn định đời sống người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án có quy mô di dân, tái định cư lớn như, ở Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Mới đây nhất, Chính phủ đồng ý ứng trước 1.000 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2015 cho tỉnh Sơn La để thực hiện công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La. Nhờ vậy, các khu tái định cư đều có kết cấu hạ tầng tương đối tốt, đảm bảo đời sống người dân, giúp bà con có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, phục vụ sinh hoạt. Tại các dự án thủy điện tại Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành theo kế hoạch ban đầu, người dân tái định cư đã từng bước ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Một số địa phương đã chỉ đạo lồng ghép việc đầu tư các khu tái định cư đạt chuẩn nông thôn mới như tại tỉnh Kon Tum (xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà là địa bàn tái định cư của DATĐ Plei Krông đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên ở Tây Nguyên năm 2012).
Tại các dự án thủy điện ở Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Bình Điền (Thừa Thiên-Huế), Hàm Thuận – Đa Mi và Đại Ninh (Lâm Đồng và Bình Thuận), đời sống của người dân tái định cư cơ bản đã ổn định, chuyển biến tích cực. Nhiều ngành nghề mới đã xuất hiện như du lịch sinh thái, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… thành công như tại các huyện Hương Trà và A Lưới.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tiến độ thu hồi, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản; việc triển khai phương án sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ tái định cư; triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm so với yêu cầu, chưa phù hợp với phong tục, tập quán người dân địa phương …Trong một số dự án, đất sản xuất chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo Bộ Công Thương, việc hỗ trợ di dân TĐC còn bất cập có một phần nguyên nhân từ các chính sách hỗ trợ thay đổi liên tục gây khó cho việc thực hiện. Ví dụ: Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định chỉ những hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất mới được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo việc làm. Thế nhưng Nghị định số 69/2009/NĐ-CP lại quy định các hộ dân cứ có đất sản xuất bị thu hồi là được hưởng chế độ trên. Điều này đã dẫn đến sự suy bì vì những hộ dân bị thu hồi nhiều hay ít đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau.
Hoặc Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định mức tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bằng 1,5 – 5 lần giá đất nông nghiệp là rất khó cho UBND tỉnh vì biên độ quá rộng khiến mỗi nơi áp dụng một mức, gây phát sinh khiếu kiện ở những dự án nằm trên địa bàn nhiều tỉnh có mức hỗ trợ không giống nhau. Hoặc một địa phương có nhiều dự án cùng triển khai nhưng lại áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau khiến người dân bất bình, khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, tăng chi phí, chậm tiến độ. Đặc biệt, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 34/2010/QĐ-TTg yêu cầu thu hồi và bồi thường đất sản xuất không bị ngập nhưng cách xa nơi ở TĐC. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện lại quá chậm.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP tại văn bản số 9403/VPCP-KTN ngày 19 tháng 11 năm 2012. Hiện nay, dự thảo Nghị định này đang được Bộ Tư pháp thẩm định để hoàn chỉnh, trình Chính phủ xem xét ban hành. Ngoài ra, tại văn bản số 696/TTg-KTN ngày 21 tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và CĐT dự án thực hiện các giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tồn tại ở các DATĐ
Theo Icon.com.vn