16h chiều nay (21/12/2012), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố điều chỉnh giá bán điện kể từ 22/12/2012 theo Thông tư 38/2012/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Tham dự họp báo có ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều Tiết Điện lực, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các ban chuyên môn của EVN cùng đại diện các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội. Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì cuộc họp.
Việc điều chỉnh giá bán điện lần này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân – Ảnh Văn Lương |
Tác động không lớn đến sinh hoạt của người dân
Thông tư số 38/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định kể từ ngày 22/12/2012, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 68 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.369 đồng/kWh).
Ông Hoàng Văn Tùy, Phó trưởng Ban Tài chính Kế toán của EVN cho biết: Lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định.
Việc điều chỉnh giá bán điện lần này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Ví dụ, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/kWh). Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường sử dụng 100 kWh/tháng chỉ tăng thêm 6.600 đồng/tháng.
Đối với hộ gia đình sử dụng 150 kWh/tháng tăng 11.000 đ/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng 16.200 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng 27.000 đồng/tháng. Ở mức sử dụng cao nhất là từ 400 kWh/tháng trở lên thì mỗi hộ gia đình chỉ tăng thêm 38.200 đồng/tháng.
Chi phí phát điện tăng do giá than và giá khí cao
Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri cho biết: Việc điều chỉnh giá điện lần này là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.
Giá bán điện hiện tại của Việt Nam ở mức gần 7 cent/kWh, trong khi đó tại Thái Lan gần 9 cent, Singapore là hơn 20 cent, Philippin là 27-28 cent/kWh.
Ở các nước trong khu vực, trung bình mỗi quý điều chỉnh giá bán điện 1 lần trên cơ sở giá phát điện, giá truyền tải và phân phối. (Ông Đinh Quang Tri cho biết) |
Cụ thể, giá than đã tăng 20 – 40% từ 15/9/2012, tùy loại than nhưng hiện giá than bán cho điện vẫn dưới giá thành. Chính phủ đã yêu cầu từng bước từ năm 2013 trở đi, giá than cũng nâng dần lên bằng thị trường, tránh việc Nhà nước bù lỗ. Nếu giá than thấp quá, ngành Than không phát triển được, an ninh năng lượng bị ảnh hưởng.
Yếu tố thứ hai là giá khí bán cho điện cũng tăng mạnh, trước đây EVN mua khí Bạch Hổ là khí đồng hành, giá thấp. Khi phát triển nhà máy BOT thì giá khí đã có lộ trình tăng rất cụ thể. Ví dụ, giá khí đã 3,5 USD/1 triệu BTU lên 4,8 USD/triệu BTU, tăng 35% từ tháng 3/2011. Dự kiến, từ 1/3/2013, giá khí sẽ tăng 5,19 USD/triệu BTU, năm 2014 sẽ lên 5,39 USD/triệu BTU và tới năm 2015 sẽ khoảng 5,61 USD/triệu BTU. “Đây là lộ trình chi phí đầu vào mà EVN sẽ buộc phải chi”, Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri nhấn mạnh.
Năm 2013, lo ngại khi phải phát điện bằng dầu FO
Với câu hỏi của báo giới về lộ trình điều chỉnh giá điện những năm tới, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho rằng: Lộ trình điều chỉnh giá điện 2013-2015, EVN đang tính toán và báo cáo Bộ Công Thương, nhưng thông số đầu vào để tính toán và kế hoạch sản lượng từ thủy điện, nhiệt điện như thế nào cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với kế hoạch đảm bảo điện năm 2013, EVN tính toán 2 phương án tăng trưởng là tăng 11% hoặc 13%, nhưng ẩn số lớn nhất là vấn đề nước về thủy điện.
Theo Phó tổng giám đốc EVN: Từ đầu năm đến hết năm 2012, miền Trung không có trận lũ nào, các nhà máy thủy điện ở khu vực này đang rất lo ngại khi khô hạn kéo dài, phương án xấu nhất thì khả năng phát 1,5 tỷ kWh điện từ dầu FO có thể xảy ra. Nếu như vậy, chi phí dầu dự kiến của EVN sẽ tăng lên từ 6.000-7.000 tỷ đồng do phát điện bằng dầu, nếu tiết kiệm được khoản này thì sẽ tác động ngược lại việc điều chỉnh giá điện. Hiện tại, giá thành các nhà máy hoạch toán phụ thuộc EVN đang có giá bán trung bình khoảng 507 đồng/kWh, đối với giá mua điện từ các nhà máy thủy điện ngoài EVN bình quân là 1.041 đồng/kWh, nhiệt điện khí là 1.037 đồng/kWh…
“Cho nên khi điều động các nhà máy chạy dầu, có thể nhìn ngay thấy lỗ, mua 5.000 đồng/kWh và chỉ bán 1.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN chỉ cần hòa vốn là hoàn thành nhiệm vụ rồi”, ông Đinh Quang Tri nói.
Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương): “Việc điều chỉnh tăng giá điện lên mức 5% lần này sẽ tác động đến CPI tăng 0,12%. Việc chống lạm dụng tăng giá điện đã phân công nhiệm vụ cho Cục Quản lý thị trường. Đối với giá bán điện cho các đối tượng là sinh viên, người thuê trọ… sẽ giao Sở Công Thương tại các địa phương quản lý và giám sát thực hiện theo đúng quy định của Bộ đã ban hành”. |