An nguy trong thủy điện là do con người (GS.TSKH. Phạm Hồng Giang)

 – Những ngày vừa qua, động đất liên tục ở lưu vực Sông Tranh đã khiến dư luận vô cùng lo ngại về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đập lớn thế giới (ICOLD).

Thủy điện không có lỗi!

Năng lượng Mới (NLM): Thưa Giáo sư, cuộc tranh luận về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa có hồi kết. Theo Giáo sư, lợi ích của thủy điện có đủ biện minh cho việc xây các đập lớn có thể gây nguy hại cho con người và môi trường?

20121008_AninhTD_1

GS Phạm Hồng Giang: Hiện nay trên thế giới, không nơi nào có nguồn thủy năng mà con người không tận dụng. Trong khi sản lượng điện từ than, dầu mỏ… đang dần cạn kiệt thì thủy điện được ưu tiên phát triển số 1. Thủy điện hiện nay chiếm từ 15-20% tổng sản lượng điện của thế giới và chiếm tới 95% tổng sản lượng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, sau vụ động đất sóng thần ở Nhật Bản năm ngoái, chương trình điện hạt nhân của các quốc gia bị hủy, hoặc bị dừng và đang phải xem xét lại. Vì vậy sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai trông đợi nhiều vào phát triển thủy điện.

Có thể nêu những nước có sản lượng thủy điện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng điện như Na Uy (gần 99%), Iceland (87%), Brazil (86%), New Zealand (75%), Venezuela (70%), Canada (62%), Áo (60%), Thụy Sĩ (57%)…

Theo tính toán của Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VII, đã được Chính phủ phê duyệt ngày 21-7-2011, thủy điện ở Việt Nam hiện chiếm 32,3% tổng sản lượng điện toàn quốc. Vai trò của thủy điện sẽ giảm dần, đến 2030 chỉ còn chiếm 9,3%.

Những nhà máy thủy điện lớn nằm ở Tây Bắc, dọc Trường Sơn, Tây Nguyên… Thủy điện đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly… đã góp phần giữ an ninh năng lượng, giúp chúng ta vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế trong thập niên 80-90 của thế kỷ trước.

NLM: Như vậy, theo giáo sư, không lẽ thủy điện chỉ toàn là ưu điểm?

Theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang, đập thủy điện sông Tranh 2 có thể đã được đặt ở vị trí chưa thích hợp, chất lượng bê tông đầm lăn và giải pháp chống thấm chưa tốt đã làm cho nước thấm ra mái hạ lưu là điều không được phép. Khi xảy ra động đất, đập không chỉ chịu lực động do nền bị rung chuyển mà còn chịu tác động của khối nước bị rung lắc trong hồ chứa, đe dọa nghiêm trọng an toàn đập.

GS Phạm Hồng Giang: Không hẳn vậy. Thủy điện cũng có nhược điểm là gây tác động nhất định đến môi trường và gây úng ngập do xả lũ hồ chứa, làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong vùng. Tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường trước hết là sự thay đổi về dòng chảy. Lưu lượng dòng chảy ở hạ du không còn tự nhiên nữa mà mang tính “nhân tạo” tùy thuộc vào sự vận hành nhà máy thủy điện. Vì vậy sự quản lý điều hành thủy điện cần phải dựa trên nguyên tắc sử dụng nguồn nước với hiệu quả tổng hợp và bền vững.

Gần đây có một số ý kiến cho rằng, thủy điện đã làm tăng lũ ở hạ du. Có thể lý giải rằng, khi mức nước hồ sau lũ dâng cao hơn so với trước lũ thì hồ đã làm giảm nhẹ lũ và ngược lại. Căn cứ vào quan trắc này mà kết luận “tội” của thủy điện trong lũ.

Lỗ hổng về quản lý

NLM: Thưa giáo sư, về vấn đề an toàn đập thì nên nhìn nhận thế nào?

GS Phạm Hồng Giang: Người ta còn nhớ những vụ vỡ đập thủy điện như: đập Bản Kiều (Trung Quốc) năm 1975 đã gây ra thảm họa kinh hoàng với 175.000 người thiệt mạng và hơn 11 triệu người mất nhà cửa. Đập Gleno (Italia) vỡ vào năm 1923 làm 356 người thiệt mạng. Đập Kelly Barnes (Mỹ) vỡ năm 1977 làm 39 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản lên đến 3.8 triệu USD. Đập hồ Lawn (Mỹ) bị sập vào năm 1982 với lượng nước tràn ra lên đến 830.000m3 làm thiệt hại kinh tế lên đến 31 triệu USD.

Hiện nay đang xảy ra tình trạng, do thủy điện đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà đầu tư nên các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi nhuận, dù không có chuyên môn cũng “đổ xô” làm thủy điện, trình độ quản lý xây dựng yếu kém, thiếu trách nhiệm.

Một số nhà máy thủy điện lớn hàng đầu thế giới hiện nay có công suất rất lớn như nhà máy thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử (Trung Quốc) có công suất tới 22GW; nhà máy thủy điện Itaipu trên sông Amazon (Brazil) công suất 14GW, nhà máy Guri trên sông Caroni (Venezuela) công suất 10,3GW. Xu hướng sau này tiếp tục sẽ có những nhà máy công suất trên 30GW. Việt Nam được đánh giá là phát triển thủy điện khá ở trong khu vực và thế giới. Các máy thủy điện lớn nhất nước là Sơn La (2,4GW), Hòa Bình (1,9GW) và Lai Châu (1,2GW).

Vì vậy, việc giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ chính là một lỗ hổng về quản lý. Chủ đầu tư khó có thể đủ tầm để lượng định được những hệ lụy liên quan đến tương lai một cách toàn diện, họ bị áp lực về tiến độ, về lợi nhuận chi phối, do đó họ sẽ làm sao để hoàn thành nhanh nhất và rẻ nhất. Đền bù và tái định cư cho người dân khi xây dựng hồ đập để họ có cuộc sống mới ổn định luôn là vấn đề nhạy cảm, yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện phải chú trọng đúng mức việc này.

Các chuyên gia trong Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đang soạn thảo cuốn “Sổ tay về an toàn đập”. Đây không phải văn bản có tính chất pháp lý mà là những hướng dẫn, khuyến nghị hữu ích cho những người tham gia xây dựng và quản lý đập.

20121008_AninhTD_2

Ý kiến của người dân: Cần dũng cảm hủy bỏ thủy điện sông Tranh 2


Sự cố đập không phải tại công nghệ mới

Với cái tâm và trách nhiệm của một nhà khoa học, khi xảy ra sự cố ở công trình thủy điện Sông Tranh2, GS Phạm Hồng Giang đã hai lần trực tiếp phát biểu ý kiến với Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải qua gửi e-mail, bày tỏ sự lo ngại và đề đạt các giải pháp xử lý. Ngay sau đó, Phó thủ tướng đã có hồi âm, quan tâm ghi nhận những ý kiến của GS Phạm Hồng Giang.

NLM: Dưới góc độ công nghệ, giáo sư đánh giá như thế nào về sự cố ở đập Sông Tranh 2?

GS Phạm Hồng Giang: Công trình thủy điện Sông Tranh 2 được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC – Roller Compacted Concrete) là bê tông được đầm bằng máy đầm lăn; hỗn hợp bê tông ở dạng chưa đông cứng được làm chặt bằng phương pháp đầm lăn, khác với bê tông truyền thống được làm chặt bằng phương pháp đầm rung. Sử dụng bê tông đầm lăn được coi như một bước phát triển đột phá trong công nghệ xây dựng đập bê tông trọng lực nói riêng, xây dựng đập công trình thủy lợi, thủy điện nói chung.

Tính kinh tế và việc thi công thành công RCC đã nhanh chóng được công nhận trên toàn thế giới và được xem là sự phát triển quan trọng nhất trong công nghệ xây dựng đập trong suốt hơn 40 năm qua. Số lượng đập RCC không ngừng tăng lên theo thời gian. Tính đến nay toàn thế giới đã xây dựng được trên 300 đập RCC phân bố trên 44 quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, v.v…

Việt Nam mặc dù đi sau các nước trên thế giới và khu vực về việc áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn trong xây dựng đập nhưng đến nay đã chính thức có tên trên bản đồ công nghệ RCC của thế giới. Đã có trên 16 đập trong lực thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn tại Việt Nam.

NLM: Như vậy, thân đập bị thấm đến 80 lít/giây là bất thường?

Sau khi nghe cử tri bày tỏ lo ngại về độ an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Nếu không đảm bảo an toàn thì sẽ không phát điện, không tích nước. Chúng ta phải đặt vấn đề tính mạng người dân lên trên hết”.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cử chuyên gia, cán bộ khoa học túc trực ở đây trong mùa mưa lũ; có phương án phòng chống lũ lụt cụ thể, kể cả phương án diễn tập vỡ đập. Phó thủ tướng yêu cầu EVN chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 đền bù, hỗ trợ cho dân, trước hết là 250 hộ dân bị nứt tường, 10 công trình công cộng; Bộ Xây dựng sớm ban hành quy trình xây dựng nhà ở trong vùng động đất để tránh nhà ở bị thiệt hại; Bộ Công Thương lập quy trình xử lý hồ chứa an toàn tuyệt đối.

GS Phạm Hồng Giang: Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nước thấm ra mặt hạ du là không chấp nhận được. Nếu đập nứt, nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập. Việc chống thấm phải làm tốt ở mặt thượng du đập. Công nghệ xây dựng đập ngày nay đã có những giải pháp thích ứng và chủ động để đảm bảo an toàn đập đòi hỏi việc thiết kế, thi công và quản lý phải rất nghiêm túc. Khi xây dựng đập trong vùng có tình hình địa chấn phức tạp như đang thấy ở Bắc Trà My thì phải tiến hành những khảo sát kỹ lưỡng để từ đó thiết kế những giải pháp kháng chấn phù hợp ngay từ bước lựa chọn vị trí tuyến đập, xử lý các đứt gẫy. Khi có động đất, đập không chỉ bị chấn động do rung chuyển của nền mà còn bị tác động tiếp theo của khối nước rung lắc trong hồ, trong chuyên môn gọi là động đất “kích thích”.

NLM: Thưa giáo sư, phải chăng khi xây dựng các đập lớn, người ta tập trung những chuyên gia có kinh nghiệm, những công nghệ tiên tiến trong các khâu thiết kế, thi công và quản lý thì đều đứng vững kể cả khi xảy ra thiên tai lớn?

GS Phạm Hồng Giang: Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu về địa vật lý trên thế giới, trong những năm gần đây, các đập lớn trong những vùng bị động đất vẫn an toàn. Mặc dù động đất có ảnh hưởng lớn nhất đến an toàn đập, nhưng bằng vào những khảo sát và tính toán kỹ lưỡng, người ta vẫn xây dựng những đập lớn, thậm chí rất lớn, trong vùng luôn xảy ra động đất như Nhật Bản, tây nam Trung Quốc, Iran, các nước Trung Á…

Năm 2008 trận động đất rất lớn xảy ra ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) với cường độ gần 9 độ Richter, nhưng các đập trong vùng vẫn an toàn. Chỉ cách tâm chấn gần 20km có đập Zupingpu (Tử Bình Phố) là đập đá phủ mặt bê tông, cao 156m, chỉ bị xô lệch

hút ít chứ không bị vỡ. Khi xảy ra động đất và sóng thần ở Nhật Bản tháng 3-2011, cũng chỉ có một con đập rất nhỏ trữ nước tưới bị hư hại.

Ở Việt Nam cho đến nay đã xảy ra một số trường hợp vỡ đập, song mới chỉ vỡ những đập nhỏ do lũ lớn. Đó là do khi xây dựng các đập lớn, chúng ta tập trung những chuyên gia có kinh nghiệm, học hỏi và áp dụng những công nghệ tiên tiến trong các khâu thiết kế, thi công và quản lý. Những đập lớn được thiết kế có thể chịu được động đất ở mức 8 độ Richter.

An toàn đập là rất hệ trọng và phải được xử lý nghiêm túc sao cho đạt yêu cầu bền vững của đập không chỉ trước mắt mà còn cả thời gian dài. Sự nghiêm túc và thận trọng phải thể hiện trong tất cả các khâu từ quy hoạch, khảo sát đến thiết kế, thi công và quản lý. Người đảm nhiệm những công việc đó phải có ý thức trách nhiệm cao, am hiểu chuyên môn, kịp thời cập nhật kiến thức, đồng thời phải rất cầu thị, lắng nghe.

Khi nghe tin có sự cố và động đất ở đập Sông Tranh 2, một số chuyên gia đầu ngành trên thế giới đã tỏ ý sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ chúng ta. Việc quản lý đập, quản lý an toàn đập là một lĩnh vực chuyên môn rất hẹp nên chịu trách nhiệm về việc này phải là người được đào tạo cẩn thận, huấn luyện đầy đủ. Các văn bản pháp lý về an toàn đập còn thiếu, còn nhiều “lỗ hổng”. Như tôi đã phát biểu ở trên là không thể khoán trắng việc xử lý an toàn đập cho chủ đầu tư, chủ yếu là các doanh nhân “quốc doanh” hay “ngoài quốc doanh” luôn chỉ theo đuổi mục đích lợi nhuận. Các cấp quyết định không thể chỉ nghe những báo cáo một chiều, coi nhẹ các ý kiến phản biện độc lập. Theo tôi, cần có tổng kiểm tra, rà soát an toàn của tất cả các đập chúng ta đã xây dựng trong thời gian qua, bởi đã có thời kỳ chúng ta xây dựng nhiều đập trong một thời gian ngắn, ồ ạt và mắc phải không ít những điều phi kỹ thuật.

NLM: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi.


Sự lo ngại của các nhà khoa học

Trong tình hình hiện nay, đập thủy điện Sông Tranh 2 khó có thể “bấu víu” vào các lập luận an toàn vì nhiều lẽ.

Những ngày qua, thông tin đại chúng đã công bố những đánh giá phân tích của các nhà khoa học, trong đó có TSKH Phan Văn Quýnh, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu; GS Cao Đình Triều, Chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu; GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam và nhiều nhà khoa học khác thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Hầu hết họ đều khẳng định, đập Sông Tranh 2 mất an toàn vì nằm trên đứt gãy địa tầng đang hoạt động, kiến tạo yếu và kết cấu thân đập có được gia cường như thế nào, phun xi măng, trám các vết nứt ra sao cũng không tránh khỏi nguy cơ.

Đặc biệt khi lòng hồ được tích nước, đặc tính thành phần khoáng vật felspat dễ dàng biến thành caolin khi tiếp xúc với nước đã tăng cường tính trôi trượt dọc mặt đứt gãy, độ khuếch tán nước có thể đến chấn tiêu ở độ sâu 5km.Mặt khác, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, do đó làm giảm độ bền cắt của đất đá trong đới, dẫn tới việc dịch, trượt làm động đất phát sinh.

Cho dù gia cố nền móng bằng cách khoan phụt xi măng vào đới cà nát granit ở chân công trình cũng vô nghĩa đối với một đới kiến tạo đang hoạt động và cắm sâu hàng kilômét. Kết cấu đập không có cửa xả đáy sẽ hạn chế rất nhiều trong trường hợp cần xử lý tai biến. Khả năng tự hủy hoại là rất lớn, kể cả khi không có động đất.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các trận động đất xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực Bắc Trà My được khẳng định là động đất kích thích liên quan tới việc tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2.Trong suốt gần 300 năm trước, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Nhưng từ ngày thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước, 29/11/2010 đến 7/9/2012 đã ghi nhận được 59 trận động đất, từngày 17/8 đến 7/9 tại khu vựcđập đã ghi nhận 15 trậnđộng đất, trong đó có 2 trận lớn nhất đạt 4,0 độ Richter, nếu tính thêm gần chục trận cho đến thời điểm này, khu vực Bắc Trà My và lân cận đã trở thành điểm xung yếu về địa tầng không còn gì phải bàn cãi.

Ngày 21/9 vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, đây là trường hợp đầu tiên ngành xây dựng công trình của Việt Nam phải cân nhắc trước nguy cơ thảm họa thiên nhiên nên phảinghiên cứu, cân nhắc hết sức cẩn trọng với yêu cầu cao nhất: Tất cả vì sự an toàn của công trình, của đời sống người dân.

Do không để lường trước được hết những diễn biến về biến đổi khí hậu, biến đổi địa chất và diễn biến hết sức phức tạp về động đất trong thời gian qua tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Phó thủ tướng chỉ đạo chưa tích nước lại hồ chứa công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Ý kiến của người dân: thủy điện Sông Tranh 2 chỉ dùng cho thủy lợi:

Sắp tới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ, theo kiến nghị của các nhà khoa học, đặc biệt là yêu cầu chính đáng của người dân Quảng Nam, chúng ta sẽ phải tiến hành hàng loạt các biện pháp đánh giá, phân tích, thẩm định lại công trình. Chi phí cho các hội đồng khoa học, lắp đặt các trạm quan trắc, mua các máy gia tốc, thuê chuyên gia nước ngoài và các tổ chức chuyên ngành trong nước… chắc chắn sẽ tốn kém thêm vài trăm đến ngàn tỉ đồng nữa.

Nhưng có thể nói, việc đánh giá toàn diện về an toàn của công trình thuỷ điện trong diễn biến tình hình động đất như hiện nay tại khu vực là vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể.

Khi chưa tích nước, diễn biến hoàn toàn khác với tích nước. Động đất lúc trong hồ đầy nước và ở mực nước chết cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu tần suất động đất tăng cao và khoảng cách giữa 2 trận động đất gần nhau, sự cộng hưởng giữa rung lắc của động đất và rung lắc của khối nước gần 1 tỉ tấn trên độ cao hàng trăm mét, khẳng định là không ai có thể tưởng tượng được thảm họa đe dọa khủng khiếp như thế nào.

Mặc dù công trình thủy điện Sông Tranh 2 có mức đầu tư khá lớn (khoảng 5.194 tỉ đồng), hủy bỏ nó là điều rất đáng tiếc, nhưng chúng ta không nên tiếp tục bỏ tiền vào một việc mà không lượng định được kết quả.