EVN đang chịu vận đen đủ đường. Nợ ngót 24 nghìn tỷ, lỗ hơn 10 nghìn tỷ, giá đầu ra bị neo cứng, chi phí đầu vào không giảm được, thế mà mới hở ra đề nghị tăng giá đã gặp phải bao nhiêu ý kiến phản đối.

Giá kể mặt hàng kinh doanh chính của doanh nghiệp này là điện thoại Vertu, loại sản phẩm hạng siêu sang nhắm tới nhóm khách hàng vừa giàu có lại chịu chơi chiếm không tới 0.1% trong xã hội, chuyện tăng hay giảm giá bán hàng chỉ tác động tới một góc nhỏ của thế giới. Chẳng may bị phàn nàn, chủ yếu có nhóm đó biết, chứ người dùng bình dân đang xài điện thoại kiêm đèn pin Nokia 1100 làm gì có cơ hội để phán: “chiếc Constellation Touch vừa ra mắt kia đắt quá, đúng ra chỉ nên bán tầm 200 triệu là vừa đẹp”.

Nhưng trên thực tế, EVN là nhà cung cấp loại hàng hoá mà 100% khách hàng đều cần. Về góc độ thị trường, nói EVN làm “dâu trăm họ”, âu cũng không sai. Có là dâu trăm họ, thì từ đại lão phật gia mẹ chồng, bà bác bên thông gia, cô chị đồng hao, ông chú họ xa tới cả bà láng giềng tốt tính ưa quan tâm tới chuyện chòm xóm đều săm soi ngắm nguýt được cả. Ở cái vị trí muôn vàn nhạy cảm ấy, lời khen thường là ít hơn lời chê, dù có đáng hay không đáng.

Có điều, khác với làm dâu trong một “thập diện mai phục” quan hệ trên đây, nhà cung cấp như EVN lại không thể lựa chọn, không thể thay thế, không thể thiếu vắng.

Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên?

Như rất nhiều nhà đầu tư lớn bé trong giai đoạn 2006-2008, EVN cũng tham gia các ngành tăng trưởng nóng dựa trên lợi thế “tự có”. Đất đai hiện diện ở mỗi tỉnh thành, cột điện sừng sững trên từng con phố, nguồn tiền mặt dồi dào được luân chuyển đều đặn qua cam kết dài hạn của từng hộ dùng điện, EVN mang tiềm năng thành công trong cả ba thị trường thời thượng: bất động sản, viễn thông và ngân hàng. Thử điểm lại một vài ví dụ.

Ngân hàng An Bình (ABB), nơi EVN chiếm vị trí chi phối, có cổ phiếu năm 2007 từng ngất ngưởng ở thị giá 8 chấm. Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đã từng là một trong những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất của VN-Index với mức giá chạy quanh 100.000 đồng. EVN là cổ đông chính của PPC.

Chuyện EVN đầu tư vào viễn thông, xét về lợi thế tự nhiên, nghe chừng có một tương lai sáng sủa. Hiếm có hãng viễn thông nào sở hữu sẵn một hệ thống rộng khắp các trụ điện để treo dây, hay các cơ sở đặt trạm thu phát sóng như EVN.

EVN Land từng là một cái tên gây nhiều chú ý ở thời điểm cực thịnh của thị trường bất động sản. Nếu dự án trụ sở EVN trông ra mặt Hồ Gươm được xây, đây có thể là một cao ốc với cảnh quan có một không hai, tạo ra một khoản thu không nhỏ từ khai thác tiền thuê văn phòng hay trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, thị trường biến chiều phức tạp hơn mọi dự liệu.

Khối dân cư đang “nhịn miệng đãi khách phương xa”, với những dự án thép khổng lồ.

Trong những ngày thoái trào của thị trường tài chính, ABB là ngân hàng đầu tiên công khai lỗ Quý 3/2011. Giá của PPC ngày 22/11/11 là 6.700 đồng.  

Ở Mỹ, công nghệ CDMA cạnh tranh ngang ngửa với GSM. Nhưng ở Việt Nam, EVN được phân cho băng tần 450 Mhz, một băng tần “sóng thấp nên dễ bị lấp” với các tín hiệu như bộ đàm, tín hiệu liên lạc của các hãng taxi.v.v. EVN Telecom lỗ 1000 tỷ đồng chỉ trong năm 2010 và đang được rao bán khẩn trương.

Bất động sản thì tiêu điều ảm đạm từ phân khúc nhà ở, văn phòng cho thuê tới mặt bằng bán lẻ.

Thử đặt một giả thiết: cổ phần của EVN tại ABB được bán hết từ lúc giá “8 chấm”, PPC tới giờ vẫn giữ mức 10 lần mệnh giá như năm 2007, số thuê bao EVN Telecom vượt thị phần Viettel, các khoản lãi từ thặng dư vốn trên các hoạt động kinh doanh này ắt hẳn sẽ được tính vào giá điện để giảm giá cho người dùng (?).

Tất nhiên, đó là nếu người dân áp dụng ngược lại cách tính của EVN: “toàn bộ số lỗ này đều phải hạch toán hết vào giá thành”.

Đáng tiếc, chỉ cần suy luận một chút theo ý kiến của lãnh đạo EVN mới đây về thu nhập người lao động ngành điện, khả năng dễ xảy ra hơn là khoản lãi (nếu có) của các hoạt động đầu tư ngoài ngành nói trên sẽ được “hiện thực hoá lợi nhuận” trong quỹ lương và các loại quỹ khác của EVN.

“Điện phải đi trước một bước”…vì tăng trưởng?

Hiển nhiên, giá bán điện thấp là trở ngại lớn cho các nguồn đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện. Thiếu đầu tư, dẫn đến thiếu điện. Nhưng nếu tăng giá điện thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Tăng giá điện, đối với người dân, cầm chắc dẫn đến tăng một khoản chi vừa thường xuyên vừa cố định. Những mức lương mới áp dụng cả cho khối doanh nghiệp và khu vực nhà nước e rằng cũng chỉ vừa xoẳn khoản tăng chi tiêu trực tiếp và gián tiếp từ giá điện mới. Hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng giá theo như một hệ quả hiển hiện.

Song “nhóm lợi ích” chịu tác động lớn nhất và thấy ngay của giá điện tăng lại là các cơ sở công nghiệp. Theo tác giả Phạm Duy Hiển[1], công nghiệp và xây dựng chiếm 51% điện thương phẩm. Trong khi đó, khối quản lý và dân cư chỉ nằm trong khoảng 40%.

Không khỏi nghĩ tới những con số tăng trưởng nóng các siêu dự án vài năm trở lại đây, điển hình ở hai ngành thép và xi măng.

EVN từng khẳng định, hàng năm, các nhà máy thép tiêu thụ tới 3,5 tỷ kWh. Để cấp điện cho số “hộ tiêu thụ” đó, EVN đã phải đầu tư hàng trăm máy biến áp, đầu tư trạm điện, đường dây dẫn điện với tổng chi phí khoảng 35.500 tỷ đồng. Nhưng giá điện EVN bán cho thép lại “rẻ mạt”, thấp hơn từ 1,92- 9,32cent/kWh so với các nước trong khu vực, tương ứng tỷ lệ từ 40%-194%. Có lẽ vì vậy mà hai ba năm trước, các tỉnh thi nhau báo cáo những siêu dự án như Thép Thạch Khê của Ấn Độ tại Hà Tĩnh (3,75 tỉ USD) hay dự án xây dựng cảng và luyện thép của Formusa với tổng vốn đầu tư lên tới 6 tỉ USD[2].

Ngành xi măng cũng không kém cạnh trong việc tận dụng lợi thế giá điện rẻ. Với sản lượng khoảng 100 triệu tấn xi măng sản xuất vào năm 2015, tổng tiêu thụ điện năng theo dự báo của ngành này sẽ khoảng 9 tỉ kWh[3].

Đã có phân tích cho thấy, giá bán điện sinh hoạt và điện sản xuất đáng ra nên có khoảng cách xa hơn nữa, từ đó, giúp cân bằng lợi ích giữa người dân bình thường và các nhà đầu tư khôn ngoan của những dự án khổng lồ nhưng trả tiền điện khiêm tốn. Không ngạc nhiên nếu những cỗ máy ngốn điện ấy đã và đang tạo áp lực lên nguồn cung eo hẹp của hệ thống điện quốc gia. Hay nói khác hơn, khối dân cư đang “nhịn miệng đãi khách phương xa” mà vẫn chưa đủ, họ sắp sửa phải mở hầu bao để chia sẻ giá điện tăng từ sự thâm lạm của khối sản xuất.

Có cảm giác nhiệm vụ của EVN không chỉ là giúp giảm thiểu lạm phát, ổn định kinh tế mà còn phải duy trì sự hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, vốn đang bị chỉ trích là ngày càng trở nên đắt đỏ so với các nước trong khu vực.

Thay lời kết

Một hãng công nghệ hàng đầu bị phá sản, chuyện bình thường. Nhưng nếu những khoản đầu tư vàoGoogle+ hay điện thoại Android mà làm Google thua lỗ, ắt hẳn hàng trăm triệu người dùng gmail sẽ không ngần ngại đô-nết (donate) mỗi người một USD để cứu lấy hòm thư của mình.

Một doanh nghiệp nhà nước cỡ Vinashin ngấp nghé vỡ nợ, người dân nhất thời bức xúc nhưng rồi có thể nhãng quên. Nhưng nếu EVN nguy khốn, chắc ít người nào có thể làm ngơ. Trường hợp xấu nhất, như EVN quan ngại, nếu giá điện không tăng, Hà Nội có thể trở lại thời kỳ thiếu điện triền miên [4].

Bỗng nhớ một mùa đông rét mướt đầu thập niên 80, khi ánh đèn giữa bữa tối phụt tắt, đám thanh niên lộc ngộc ùa ra đường nghịch ngợm hét vang phố: Hoan hô ông Sở Điện! Ba mươi năm sau, người sử dụng điện lại để cảnh ấy diễn ra chăng?

[1] http://tuanvietnam.net/2010-08-22-nganh-dien-viet-nam-di-nguoc-chieu-the-gioi

[2] Đầu tư nước ngoài 2008: Thêm nhiều dự án hàng tỉ USD (VnMedia). Còn theo tác giả Phạm Huyền (VEF), đơn cử “cả tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 18 dự án thép thì 9 dự án là nằm ngoài quy hoạch ngành. Các nhà máy thép hiện đã ngốn tới 60% sản lượng điện cả tỉnh”.

[3] Những cỗ máy ngốn điện | Thanh Niên Online.

[4] http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/11/nam-2012-rieng-ha-noi-co-the-phai-cat-dien/

Theo TuanVietNam