Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong việc chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh là vấn đề cải tổ lại ngành điện hoạt động phù hợp với thị trường. Ngày 26/7/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo EVN xây dựng đề án thành lập các Tổng Công ty phát điện (Genco).
Nan giải bài toán vốn
Theo ông Đinh Quang Tri, phó TGĐ EVN, khó khăn nhất trong việc thành lập các Genco hiện nay vẫn là vấn đề thu xếp về tài chính. Thực tế, vốn điều lệ của các Genco (tính bằng 20% tổng giá trị tài sản tại các công ty phát điện và tổng mức đầu tư dự án nguồn) hiện đạt bình quân khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các dự án chủ yếu là vốn vay nên tỷ lệ bình quân vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của các Genco chỉ đạt 16,8%. Trong khi đó, tổng số nợ phải trả của các đơn vị thành viên của 3 Genco trong 3 năm 2008-2010 lên tới trên 200.000 tỷ đồng. Dư nợ vay ngân hàng của các đơn vị thành viên của 3 Genco cũng gần 98.000 tỷ đồng. Với thị trường tài chính như hiện nay, các Genco khi tách ra sẽ không vay được vốn và nguy cơ thiếu điện sẽ rất lớn. Một loạt các nhà máy EVN đang khởi công nếu tách ra các ngân hàng sẽ không cho vay nữa, các dự án mới càng khó vay vốn hơn. Thậm chí, nhiều chủ nợ còn không đồng ý chuyển nợ từ EVN sang các Genco. Do vốn chủ sở hữu của EVN tại các nhà máy và vốn đã đầu tư vào các dự án nguồn điện không đủ, EVN đề nghị ngân sách nhà nước bổ sung vốn điều lệ cho các Genco với tổng số tiền 47.478 tỷ đồng. Vấn đề nan giải hiện nay là các Genco là doanh nghiệp nên Chính phủ sẽ không thể cấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động. Trong khi đó, các Genco lại không hoàn toàn hoạt động theo thị trường mà giá bán điện lại chịu sự chi phối của Chính phủ. Vì vậy, theo ông Tri, Chính phủ cần nhanh chóng điều chỉnh cơ chế mua bán điện hợp lý giữa giá điện đầu vào và đầu ra để các nhà máy có thể tồn tại. Nếu giá điện đủ để tái đầu tư và có lãi chắc chắn sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Thực tế, đợt điều chỉnh giá điện từ 1/3/2011 đến nay cũng mới đưa giá điện bình quân đạt 1.242đ/kWh, trong khi có thời điểm EVN phải đổ dầu vào chạy với giá 6.000 đồng/kWh. Chỉ tính riêng 1 tháng ngừng cấp khí Nam Côn Sơn và PM3, EVN sẽ lỗ 4.000 tỉ đồng do chạy dầu nhưng vẫn chưa có nguồn để cân đối.
Có thể thành lập các Genco từ đầu năm 2012
Theo đề xuất của EVN, các nhà máy điện (gồm các công ty cổ phần phát điện do EVN nắm giữ cổ phần chi phối, các công ty phát điện do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ và các dự án đầu tư nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư tính đến năm 2015) sẽ được nhóm lại thành 3 Genco. Các Genco này là doanh nghiệp Nhà nước do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1TV).
Cơ cấu tổ chức của các Genco bao gồm: công ty mẹ, công ty con do Genco nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty con do Genco nắm giữ cổ phần chi phối. Khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức hoạt động, toàn bộ điện phát của các Genco được bán cho công ty mua bán điện duy nhất của EVN. Lịch huy động các tổ máy được lập căn cứ trên bản chào theo chi phí biến đổi. Điện năng mua bán được thanh toán theo giá hợp đồng (90-95% tổng sản lượng điện phát của tổ máy) và giá thị trường giao ngay của từng chu kỳ giao dịch thông qua hợp đồng sai khác.
Riêng các nhà máy thủy điện đa mục tiêu trên lưu vực Sông Đà và sông Sê San bao gồm Hòa Bình, Yaly, Sê San 3, Sê San 4, Sơn La, Trị An, Pleikrong, Tuyên Quang tiếp tục là đơn vị hạch toán phụ thuộc nằm trong EVN. Vốn khấu hao, lãi của các nhà máy thủy điện này dùng để đầu tư dự án nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu và dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tổng công suất của các nhà máy điện đa mục tiêu đến nay là 5.320 MW chiếm 21,25% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Tính đến 2015 sẽ là 6520 MW, chiếm 10,82% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Theo phương án của EVN, để tránh khả năng thao túng, lũng đoạn thị trường, các Genco sẽ được thành lập trên cơ sở cân bằng về quy mô, loại hình công nghệ, vùng miền, đảm bảo không có Genco nào có thị phần công suất đặt trên 25%. Dự kiến, Genco 1 sẽ có 18 nhà máy (10 nhà máy đang vận hành và 8 dự án đang đầu tư với tổng công suất 6269 MW). Genco 2 có 12 nhà máy (8 NM đang vận hành và 4 dự án đang đầu tư) với tổng công suất 6069 MW. Genco 3 có 10 nhà máy với tổng công suất 6.814 MW. Công ty mẹ của các Genco sẽ được thành lập hoàn toàn mới với nhiệm vụ vừa quản lý, điều hành, vừa đầu tư xây dựng và đầu tư tài chính. Trụ sở các Genco đặt tại thành phố Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp bàn về đề án thành lập các Genco do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhất trí với đề án thành lập 3 Genco theo mô hình công ty mẹ – công ty con, trong đó công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên. Theo Thứ trưởng, trước mắt công ty mẹ nên để 100% vốn nhà nước trực thuộc EVN, khi có điều kiện sẽ tách ra và CPH toàn bộ Tổng công ty. Để tránh xáo trộn dẫn đến ảnh hưởng các dự án nguồn và cung ứng điện giai đoạn 2012-2015 và những năm sau này, Thứ trưởng yêu cầu EVN xây dựng các phương án đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là khả năng tài chính lành mạnh của các Genco. Thời điểm thành lập có thể từ ngày 1/1/2012. Các Genco sẽ tách ra hoạt động độc lập với EVN khi đảm bảo các điều kiện hoạt động ổn định, có khả năng đầu tư phát triển các dự án nguồn và phải tách trước khi thị trường bán buôn đi vào hoạt động. Đồng thời xem xét 14 công ty cổ phần phát điện EVN không nắm cổ phần chi phối (6 nhà máy đang vận hành và 8 dự án đang đầu tư) đưa vào các Genco. Để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn EVN đang đầu tư và dự kiến vận hành giai đoạn 2012-2015, Thứ trưởng yêu cầu EVN tiếp tục thu xếp vốn, chuyển giao lại tài sản và các khoản vay cho các Genco khi dự án đi vào hoạt động. Đối với các khoản vay chủ nợ không đồng ý chuyển nợ cho các Genco thì EVN cho các Genco vay lại để không phát sinh chi phí. Thứ trưởng cũng giao Cục Điều tiết điện lực phối hợp với EVN nghiên cứu triển khai chuyển đổi các hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các nhà máy trong Genco theo quy định của Thông tư 41/2010/TT-BCT, ưu tiên chuyển đổi sớm cho các đơn vị có tài chính khó khăn.