Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đang là xu hướng được Chính phủ lựa chọn trong việc huy động nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là với ngành điện.
Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng nguồn điện giai đoạn 2011-2015 sẽ khoảng 14,1-16%; giai đoạn 2016-2020 khoảng 11,3-11,6%. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến từ năm 2011 đến 2020 Việt Nam cần phải đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mới với tổng công suất khoảng trên 50.000 MW. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài các chính sách hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện vai trò chủ đạo trong đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện, đáp ừng nhu cầu xã hội, Chính phủ đã đề ra các chủ chương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình nguồn điện theo các hình thức đầu tư như: Hợp đồng- xây dựng- vận hành (BOT), hợp tác đầu tư công-tư (PPP).
Tại Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được tổ chức ngày 3/5/2011 trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư các dự án điện theo hình thức BOT và PPP và luôn ủng hộ các đề xuất của các nhà đầu tư tư nhân để góp phần phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện của Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trong vài năm tới, Chính phủ chủ trương thực hiện một số dự án thí điểm mà đặc biệt là các dự án thuộc ngành điện như nhà máy điện, đường dây tải điện.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai đàm phán và chuẩn bị hồ sơ mời thầu để phát triển 11 dự án nguồn điện theo hình thức BOT với tổng công suất trên 13.000 MW, trong đó 8 dự án đã có chủ đầu tư, 3 dự án còn lại đang triển khai đấu thầu chọn chủ đầu tư. Một số sự án đã ký được hợp đồng BOT để khởi công trong năm nay và đưa vào vận hành năm 2014. Dự án nhà máy nhiệt điện than BOT Hải Dương công suất khoảng 1.200 MW đã được ký tắt hợp đồng BOT vào cuối năm 2010 và hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, 6 dự án khác cũng đang được triển khai và đàm phán rất khẩn trương để sớm khởi công. Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị hồ sơ mời thầu quốc tế, dự kiến phát hành trong năm 2012, để lựa chọn chủ đầu tư phát triển dự án BOT nhiệt điện khí Ô Môn 2 có công suất 750MW tại Cần Thơ và dự án BOT nhiện điện than Vũng Áng 2 có công suất 1.300 MW tại Hà Tĩnh.
Ngoài ra, để đa dạng hóa hình thức đầu tư, đảm bảo phát triển các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giảm dần các bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng danh mục các dự án PPP như: dự án nhiệt điện than Sông Hậu 1 tại Hậu Giang, dự án Quảng Trị tại Quảng Trị và dự án Quỳnh Lập tại Nghệ An. Theo đó, đầu tư theo hình thức PPP để tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn điện tại Việt Nam. Cho phép các nhà đầu tư đưa ra các đề xuất tự nguyện và nêu rõ các trường hợp để xử lý các đề xuất này.
Được biết, cơ chế đầu tư này cho phép thu hút nguồn vốn thương mại và các nguồn vốn khác do nhà đầu tư tư nhân huy động cho dự án PPP, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, kiểm soát nợ công trong hạn mức an toàn. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh nhằm tối đa hóa lợi ích và tạo cơ hội công bằng cho cả nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.
Theo: CôngThương