Qua hơn 20 năm Đổi mới, Điện năng Việt Nam luôn là một ngành phát triển nóng để đáp ứng nhu cầu bùng nổ kinh tế của đất nước. Theo các dự báo, từ nay đến năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với dân số đạt nguỡng 100 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện trong thời gian đó, ngành Điện năng Việt Nam sẽ phải phát triển với tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm.
Với nguồn tài nguyên khá phong phú về năng lượng hoá thạch, năng lượng thiên nhiên và nguồn nước, Việt Nam luôn là địa chỉ thu hút đầu tư và kinh doanh hấp dẫn vào hàng đầu Châu Á của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực Điện năng, dù đó là nhiệt điện, thuỷ điện, điện gió, điện hạt nhân hay điện thuỷ triều…
Nhằm đối phó với vấn đề an ninh năng lượng đang ngày càng trở nên nóng bỏng, Việt Nam đang đưa vào hoạt động nhiều dự án điện nhằm tăng cường nguồn năng lượng điện cho tương lai cũng như đề xuất những ý tưởng mới nhằm tự do hóa ngành điện với những nhà máy điện độc lập. Đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng của ngành công nghiệp Việt Nam, trong mười năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ xây dựng 95 nhà máy điện với tổng công suất 49.044 MW và tổng vốn đầu tư 39,58 tỷ USD, khẳng định một giai đoạn mới của đầu tư nước ngoài vào xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Theo kế hoạch phát triển ngành điện, Tập đoàn Điện lực EVN đang tiến tới tư nhân hóa các nhà máy điện, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhằm kêu gọi đầu tư vào ngành điện. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang triển khai đầu tư xây nhà máy điện tại Việt Nam.
Điển hình là nhà đầu tư Jaks Resouces Bhd (Malaysia) đang đầu tư vào dự án Nhiệt điện 600 MW tại tỉnh Hải Dương. Dự kiến nhà máy 600MW đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào quý IV/2014, tiếp theo là nhà máy 600MW sẽ hoạt động trong quý II/2015. Một dự án khác của nhà đầu tư Janakusa (Malaysia) vào dự án Duyên Hải 2 tại Trà Vinh với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD, công suất 1.200MW cũng đang được triển khai. Nếu tiến độ của các dự án trên thực hiện đúng kế hoạch thì khả năng ngành công nghiệp sẽ nhận thêm số vốn không nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc danh mục các dự án quy mô lớn của năm 2010 trong các lĩnh vực điện năng không chỉ dừng ở các tên tuổi như: Dự án Công ty TNHH điện lực AES – TKV Mông Dương xây dựng Nhà máy Nhiệt điện tại Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD. Các dự án trên dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% nhu cầu điện năng hiện tại cho lưới điện quốc gia để giảm bớt thiếu hụt cho các ngành công nghiệp của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Tiếp bước thành công của Hội nghị Quốc tế về Điện năng Việt Nam lần thứ I, Báo Thế giới & Việt Nam, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Tạp chí hàng đầu về kinh doanh tài chính của Châu Âu EuroMoney tổ chức Hội nghị Quốc tế về Điện năng lần II, diễn ra trong hai ngày 22 – 23/6/2011 tại Hà Nội. Đây là Hội nghị quốc tế lớn nhất về ngành điện năng tại Việt Nam, là sự kiện quốc tế uy tín nơi các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành về sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng cùng ngồi lại và tìm ra phương hướng đầu tư, phát triển ngành điện năng của Việt Nam trong tương lai.
Với chủ đề chính là đảm bảo cơ hội và sự thành công trong việc phát triển, cấp vốn, đầu tư cho các dự án điện năng tại Việt Nam, và hàng loạt các chủ đề bàn về các vấn đề cụ thể nhất như: Chính sách và các quy định trong thu hút FDI vào ngành điện; Cấu trúc các Nhà máy điện độc lập tại Việt Nam có thể được ngân hàng chấp nhận; Các áp dụng tốt nhất trong việc cấu trúc các thỏa thuận điện năng tại Việt Nam; Giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát triển và thực hiện dự án; Các lưu ý khi đầu tư vào các lĩnh vực điện, nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo tại Việt Nam… Hội nghị là ngày hội lớn cho những ai quan tâm tới việc phát triền, đầu tư, tư vấn, kinh doanh, tiêu thụ trong ngành điện thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 ở Việt Nam – thập kỷ sẽ đưa Việt Nam lên vị trí quốc gia bậc trung trên thế giới về phát triển kinh tế nói chung và điện năng nói riêng.
Theo: Báo Thế giới và Việt Nam