Sau giai đoạn thí điểm, từ tháng 1/2019, thị trường bán buôn điên cạnh tranh (VWEM) chính thức đi vào vận hành. Sự chủ động của 5 Tổng công ty Điện lực cộng với một số nguồn điện lớn tham gia thị trường là những thuận lợi cơ bản để VWEM chính thức bước vào “cuộc đua”.
Chủ động và sẵn sàng
Năm 2018, VWEM từ thí điểm chính thức chuyển sang giai đoạn thanh toán thật, thay vì tính toán mô phỏng như các giai đoạn trước đây. Theo đó, các tổng công ty phát điện và các tổng công ty điện lực đã tích cực tham gia; đặc biệt là các tổng công ty điện lực lần đầu tham gia vào thị trường điện đã thực có sự thay đổi về nhận thức cũng như tổ chức công việc khi tham gia thị trường điện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, nếu trước đây, các tổng công ty điện lực chưa hoặc không quan tâm nhiều đến các hình thái phát điện, giá thành ra sao, vận hành thế nào, nguồn nào là nguồn có ưu thế, vận hành có ổn định hay không… thì hơn một năm qua, các đơn vị này đã thay đổi tư duy, chủ động tiếp cận, tìm hiểu phương thức làm việc với các nhà máy điện như thế nào để có được hiệu quả khi đầu ra là thị trường bán lẻ có giá bán thống nhất trên cả nước… Các tổng công ty điện lực đã nâng cao trình độ nhân lực về năng lực dự báo phụ tải, nâng cao khả năng kiểm tra tính toán đối soát, rà soát, xác nhận các bảng kê thanh toán, đặc biệt là năng lực của hệ thống đo đếm điện năng.
Có thể nói, vận hành VWEM làm tăng tính minh bạch và là cơ sở đánh giá mức độ phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện theo thiết kế chi tiết đã được duyệt. Ngoài ra, các đơn vị tham gia thị trường đều có cơ hội làm quen với cơ chế vận hành mới, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực vận hành thị trường điện.
Trong năm 2018, ba yêu cầu quan trọng cũng đã được đáp ứng, kịp thời phục vụ vận hành VWEM, đó là hệ thống pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã có bước chuẩn bị về kết cấu hạ tầng thiết bị (phần cứng, phần mềm) đáp ứng được yêu cầu vận hành VWEM từ đầu năm 2019.
Dự kiến, ngay từ đầu năm 2019 sẽ có một số nguồn điện lớn tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh như, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng và Thái Bình 1. Đây là các nhà máy điện đã có đủ hạ tầng CNTT và sẵn sàng tham gia thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh.
Các đơn vị trực thuộc EVN đã sẵn sàng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành chính thức từ năm 2019 |
Thách thức vẫn còn ở phía trước
Dù công việc phục vụ cho vận hành VWEM đã sẵn sàng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Một trong những khó khăn là, phải xây dựng được cơ chế bù chéo giữa các tổng công ty điện lực. Hiện nay, toàn bộ đầu vào (khâu phát) đều được thực hiện theo giá thị trường, trong khi giá bán lẻ điện vẫn phải tiếp tục chịu sự điều tiết, và giữa các tổng công ty luôn tồn tại các khoản chênh lệch về doanh thu cũng như chi phí…
Đơn cử, hiện nay, sản lượng điện trên thị trường của Tổng công ty Điện lực miền Bắc chiếm tỷ trọng chỉ 4,42% và dự kiến năm 2019 là 12% tổng sản lượng điện mua vào. Nếu không có cơ chế bù chéo cho phần sản lượng điện mua trên thị trường này thì Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ bị lỗ nhiều hơn các tổng công ty khác, do đặc thù địa bàn quản lý là các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, chi phí rất cao, nhưng giá bán bình quân lại thấp…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương sẽ tính toán kỹ, có cơ chế bù chéo về giá, giúp các tổng công ty điện lực có thể đảm bảo cân bằng tài chính. Tuy nhiên, các tổng công ty điện lực cần đặc biệt quan tâm đến cơ sở hạ tầng, trang bị hệ thống đo đếm, vì đây là vấn đề quan trọng nhất đối với các tổng công ty, nhằm thu thập được đầy đủ số liệu cũng như đối soát với các đơn vị khác. Kết quả số liệu đo đếm này mới dự báo chính xác được các phụ tải, đặc biệt là các phụ tải mới phát sinh.
Ngoài ra, việc chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào đầu năm 2019 cũng sẽ gặp không ít thách thức, do dự báo nguồn thủy điện không được dồi dào, nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện cũng đang gặp khó khăn. Mặc dù một số dự án điện mặt trời có khả năng hoàn thành trước tháng 6/2019, nhưng năng lực truyền tải ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ lại chưa thể đáp ứng được.
Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho EVN thực hiện bài toán cân bằng cung – cầu điện cho năm 2019. Theo đó, xác định cụ thể, năm 2019, các thành phần nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, NLTT) tham gia đóng góp ở mức độ nào, thừa thiếu ra sao, phân bổ cho các tháng như thế nào… Dự báo năm 2019, nhu cầu phụ tải điện vẫn tăng tương tự như năm 2018, nhưng cơ cấu nguồn không thuận lợi.
Được biết, để tăng công suất nguồn cũng như khuyến khích các nhà máy điện tích cực tham gia thị trường điện, từ năm 2019, Bộ Công Thương yêu cầu tất cả các nhà máy điện khi ký hợp đồng với EVN từ ngày vận hành thương mại sẽ tham gia trực tiếp vào thị trường điện. Đồng thời, Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Về lâu dài, sẽ phải tính toán, xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà máy điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường phát điện…
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc chuẩn bị vận hành thị trường bán buôn điện chính thức từ đầu năm 2019 đã sẵn sàng, hy vọng, sẽ tạo ra được một thị trường điện công khai, minh bạch trong VWEM.
Đến cuối năm 2018, đã có 87 nhà máy điện trực tiếp tham gia
giao dịch trên thị trường điện, với tổng công suất gần 23.000 MW, chiếm 49,12% công suất điện toàn hệ thống. |
Theo EVN