Ngày 25/10, tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 (Doing Business 2017). Trong đó, xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với kết quả Doing Business 2016.
Kết quả khả quan
Chỉ số tiếp cận điện năng được Ngân hàng Thế giới đánh giá trên 4 yếu tố gồm: Thời gian, độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá, thủ tục, chi phí. Mỗi yếu tố chiếm tỷ trọng đánh giá là 25%.
Theo đó, để được cấp điện mới ở Việt Nam, cần thực hiện 5 thủ tục, thời gian thực hiện mất 46 ngày, chi phí bằng 1.261,3% thu nhập bình quân đầu người, độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện được 3/8 điểm.
Như vậy, các yếu tố về số thủ tục, thời gian tiếp cận điện năng và chi phí thực hiện đều có cải thiện so với kết quả từng được công bố trong Báo cáo Doing Business 2016. Trong đó, số thủ tục giảm từ 6 còn 5 thủ tục; chi phí không thay đổi, kết hợp với yếu tố thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng nên điểm đánh giá về chi phí tốt lên.
Đặc biệt, số ngày thực hiện giảm tới 13 ngày, từ 59 ngày còn 46 ngày. Trong đó, thời gian các công việc thực hiện của Điện lực chỉ 11 ngày (giảm 4 ngày). Theo đánh giá của tổ chức Doing Business, mức thời gian này đã tiến rất gần đến nhóm ASEAN 4 và tốt hơn các nước Indonesia, Timor-Leste, Cambodia, Myanmar, Lào.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng nằm trong nhóm 5/10 chỉ số có thay đổi tốt nhất, giúp đưa chỉ số đánh giá chung về môi trường kinh doanh tại Việt Nam tăng lên 9 bậc so với năm trước.
Thời gian thực hiện các thủ tục tiếp cận điện năng do ngành Điện thực hiện chỉ còn 11 ngày. Ảnh: N.Hà |
Đơn giản hóa các thủ tục
Để đạt kết quả trên, EVN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng. Ngân hàng Thế giới đặc biệt ghi nhận việc thay đổi thời gian thực hiện các công việc của ngành Điện giảm từ 15 ngày trong năm trước xuống chỉ còn 11 ngày trong năm nay.
EVN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận yêu cầu qua nhiều kênh như tại các phòng giao dịch, qua hệ thống Website trực tuyến, qua các trung tâm chăm sóc khách hàng. Về thủ tục, các đơn vị điện lực đã giải quyết thủ tục theo cơ chế 1 cửa. Đặc biệt, hồ sơ yêu cầu đã đơn giản hóa, chỉ cần bản photo, không cần chứng thực, giúp khách hàng nhanh chóng thực hiện.
Tại một số đơn vị của EVN, để hỗ trợ tối đa khách hàng, các đơn vị điện lực còn cung cấp dịch vụ “trọn gói”, hay phục vụ tận nhà theo yêu cầu, giúp tiết kiệm thời gian, giảm công sức cho khách hàng.
Đối với các công việc do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, Ngân hàng Thế giới cũng đã ghi nhận việc cắt giảm thủ tục về phòng cháy chữa cháy đối với công trình cấp điện trung áp. Nhờ đó, số ngày giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước giảm xuống còn 15 ngày, và giảm đi 1 thủ tục.
Kết quả Doing Bussiness 2017 là cơ sở để EVN và các Ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nỗ lực để cải thiện hơn nữa chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.
So sánh kết quả các yếu tố đánh giá chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam với trung bình các nước ở Châu Á – Thái Bình Dương và các nước phát triển thuộc nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) :
|