Ảnh: Hoa Việt Cường/Icon.com.vn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016, dòng chảy trên các sông suối ở Bắc Bộ sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), trên lưu vực sông Đà hụt từ 5-30%, sông Thao từ 10-45%, sông Lô từ 5-20%, hạ lưu sông Hồng từ 40-45%. Trong mùa khô 2015-2016, dòng chảy trên các sông suối ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN, phổ biến từ 20-40%. Một số sông ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt trên 60%. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2015-2016 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với TBNN.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ảnh hưởng của El Nino, năm nay, hạn hán tập trung là vùng Nam Trung bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Trung du và Đồng bằng sông Hồng. Riêng12 tỉnh trong vùng Trung du Bắc bộ gần 10 năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân đều phải dựa vào điều tiết nước từ 4 hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang với tổng diện tích hơn 630.000 ha bị ảnh hưởng.
Để đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015-2016 tại các tỉnh Trng du và Đồng bằng Bắc bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và EVN đã thống nhất lịch lấy nước phục vụ gieo cấy theo 3 đợt; trong đó, đợt 1 lấy nước từ 0h ngày 21/01 đến 24h ngày 26/01; Đợt 2 lấy nước từ 0h ngày 03/02 đến 24h ngày 06/02 và Đợt 3 lấy nước từ 0h ngày 16/02 đến 24h ngày 23/02.Trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội duy trì ở mức +2,2m trở lên.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Như vậy, theo EVN, để đảm bảo có đủ nước theo đúng yêu cầu, lượng nước xả bình quân từ các hồ chứa khoảng 2.845 m3/s, với tổng lượng nước xả trong 21 ngày (cả 3 đợt) xấp xỉ 5,16 tỷ m3. Trong đó, lượng nước xả dự kiến từ hồ Thác Bà khoảng 0,8 tỷ m3; hồ Tuyên Quang khoảng 1,1 tỷ m3 và hồ Hoà Bình khoảng 3,2 tỷ m3.
Theo tính toán của EVN, sau khi xả nước 3 đợt, mực nước hồ Hoà Bình giảm 13,41m (từ 116,5m xuống còn 103,09m), hồ Tuyên Quang giảm 13,62m (từ 119,5m xuống còn 105,88m), hồ Thác Bà giảm 3,94m (từ 54,6m xuống còn 50,66m), mức độ giảm của hồ Hòa Bình có thể thay đổi tùy thuộc khai thác hồ Sơn La.
EVN cũng chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng phương án khai thác các nhà máy thuỷ điện đảm bảo phù hợp với thời gian và nhu cầu xả nước, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho các trạm bơm điện, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối và các trạm bơm dã chiến.
Trong các ngày 12-13/01/2016, Tập đoàn sẽ tổ chức các đoàn trực tiếp kiểm tra cấp điện cho các trạm bơm điện tại một số trạm bơm ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nam. Đồng thời làm việc với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi để thống nhất phương thức phối hợp, nhằm đảm bảo mục tiêu lấy và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Cũng theo ông Tỉnh, năm nay dự báo là vụ Đông Xuân ấm nên sẽ tập trung vào Xuân muộn, từ 10/2 đến cuối tháng 2, chiếm 65% diện tích nên cần tập trung cấp nứơc để đổ ải gieo cấy. Với mục tiêu là kiên quyết không tăng thêm đợt xả, Tổng cục Thủy lợi đã cùng EVN tổ chức kiểm tra tại các địa phương thì đến thời điểm này có thấy tất cả đã sẵn sàng chuẩn bị cho 3 đợt lấy nước.
Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và đáp ứng nhu cầu điện mùa khô năm 2016, EVN cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, UBND các địa phương tiếp tục và tăng cường chỉ đạo các Công ty Khai thác các công trình thủy lợi và nông dân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ thủy điện để lấy đủ nước cho vụ Đông Xuân trong 3 đợt lấy nước tập trung đã thống nhất, không để phát sinh thêm nhu cầu xả nước từ các hồ thủy điện ngoài 3 đợt lấy nước tập trung này. Đồng thời phấn đấu rút ngắn thời gian lấy nước để tiết kiệm nước cho phát điện cuối mùa khô.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Bên cạnh đó, yêu cầu các Công ty thủy điện thành viên làm việc với các địa phương vùng hạ du để báo cáo cụ thể về tình hình nguồn nước và lượng nước tích được trong các hồ chứa, phối hợp kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện để đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn….cho các địa phương vùng hạ du.
Hiện tại, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã và đang phối hợp cùng các Công ty thủy điện và các địa phương đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên theo các quy trình vận hành liên hồ chứa, theo các thông báo của Tổng cục Thủy lợi và nhu cầu của các địa phương.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận điều tiết nước hồ chứa thủy điện Đại Ninh, Hàm Thuận – Đa Mi phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2016, lưu vực sông Lũy – La Ngà. Tỉnh Ninh Thuận điều tiết nước hồ chứa thủy điện Đa Nhim (hồ Đơn Dương) phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2016, lưu vực sông Cái Phan Rang. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk và Phú Yên điều tiết các hồ chứa thủy điện theo quy định trong các Quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa trên lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Rào Quán, sông Hương, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn – Hà Thanh, sông Sê San, sông Srêpôk, sông Ba và theo yêu cầu của UBND các tỉnh trên địa bàn phù hợp với lưu lượng nước về hồ và lượng nước thực tế tích được ở các hồ hiện nay.