1. Diễn biến khí tượng thủy văn
1.1. Hiện tượng El Nino
Theo đánh giá của hầu hết các Trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới thì El Nino đã chính thức bắt đầu từ những tháng cuối năm 2014, chỉ riêng Cơ quan Khí tượng Úc đến tháng 4/2015 mới công nhận El Nino bắt đầu.
Các Trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới nhận định, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (một trong những chỉ số đánh giá cường độ của El Nino) tiếp tục tăng dần và có khả năng đạt giá trị cao nhất (khoảng 2,1-2,3oC) vào những tháng cuối năm 2015. Theo dự báo nêu trên thì El Nino 2015 sẽ đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục 1997/1998. Ngoài ra, có đến 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài đến hết mùa đông 2015/2016 và khoảng 85% khả năng sẽ kéo dài đến hết mùa xuân 2016. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014/2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua, kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO.
Tác động chung của các El Nino mạnh và kéo dài đến Việt Nam
Trong các năm El Nino kỷ lục, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thường ít hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Ngoài ra, trong các năm El Nino thường xuất hiện những cơn bão mạnh hoặc hoạt động trái quy luật hàng năm.
Nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực trên cả nước có xu hướng cao hơn TBNN và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Vào mùa đông liền kề, hiện tượng rét đậm-rét hại thường ít hơn TBNN và không kéo dài.
Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa ở Trung Bộ có thể thiếu hụt đến 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng thường diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Tuy nhiên, những kỷ lục về mưa lớn trong thời đoạn ngắn cũng vẫn thường xuất hiện trong các năm El Nino mạnh.
Lượng dòng chảy các sông suối trong các năm El Nino mạnh và kéo dài thường thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%, một số nơi hụt tới 80%. Trên nhiều lưu vực sông, xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.
1.2. Diễn biến khí tượng thủy văn từ tháng 1 đến tháng 8/2015
1.2.1. Không khí lạnh gây rét đậm, rét hại
Trong mùa đông năm 2015, ở các tỉnh Bắc Bộ đã xảy ra 4 đợt rét đậm, rét hại với thời gian không kéo dài, đợt dài nhất xảy ra 7 ngày (9-15/1/2015). Ngày 9/1, tại Sa Pa đã xuất hiện mưa tuyết và băng giá, nhiệt độ thấp nhất ở đây xuống tới 1,6oC; ở Sìn Hồ (Lai Châu) -0,3oC; ở Đồng Văn (Hà Giang) 1,8oC,… Tuy vậy, mùa đông năm 2015 ở Bắc Bộ được đánh giá là một mùa đông ấm, ít ngày rét.
1.2.2. Bão và áp thấp nhiệt đới
Hoạt động của bão và ATNĐ trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương nhiều hơn so với TBNN và tính đến cuối tháng 8/2015 đã có 16 cơn hoạt động (TBNN cùng thời kỳ khoảng 13 cơn), trong đó có nhiều cơn đạt cấp siêu bão.
Tuy nhiên, số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta ít hơn nhiều so với TBNN cùng thời kỳ. Cơn bão số 1/2015 đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng ngày 24/6 đã gây mưa vừa, mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc Bộ và gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ, ven biển Đông Bắc (ở đảo Cô Tô và Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 9; Hải Dương có gió giật mạnh cấp 8).
1.2.3. Diễn biến nhiệt độ, nắng nóng diện rộng
Nền nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Bắc trong 8 tháng đầu năm 2015 phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ; đặc biệt tháng 3 và tháng 5 có nền nhiệt độ cao hơn hẳn so với TBNN từ 1-2oC, một số nơi cao hơn (3-4oC).
Nhiệt độ ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong các tháng 1-4/2015 phổ biến xấp xỉ TBNN, còn từ tháng 5-8/2015 phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ.
Nắng nóng trên diện rộng ở miền Đông Nam Bộ xuất hiện muộn hơn so với bình thường, tuy nhiên đến tháng 5 vẫn còn xuất hiện hai đợt nắng nóng lại là bất bình thường ở khu vực này.
Từ tháng 4/2015 cho đến nay đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiều giá trị lịch sử của nhiệt độ cao nhất ngày đã liên tiếp được ghi nhận trong thời kỳ từ tháng 5-7/2015. Đáng kể nhất là đợt nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục ở khu vực Nghệ An đến Phú Yên từ ngày 14/5 đến trung tuần tháng 6/2015. Cao điểm của đợt nắng nóng này là những ngày cuối tháng 5/2015 với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến trong khoảng 39-41oC, nhiều nơi trên 42oC.
1.2.4. Diễn biến lượng mưa, mưa lớn
Tổng lượng mưa trong 8 tháng đầu năm 2015 trên phạm vi toàn quốc phổ biến thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ, riêng khu đông bắc Bắc Bộ có tổng lượng mưa cao hơn so với TBNN, đặc biệt ở khu vực Quảng Ninh.
Trong bốn tháng đầu năm 2015, nhiều nơi ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, do vậy tình trạng khô hạn diễn ra khốc liệt, đặc biệt ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Đến nửa cuối tháng 5/2015, ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa chuyển mùa và mùa mưa thực sự bắt đầu vào khoảng nửa cuối tháng 6 nên từ đó tình trạng khô hạn trên khu vực cơ bản đã chấm dứt. Riêng khu vực Trung Bộ hiện tại vẫn còn ít mưa, nên khô hạn vẫn xảy ra cục bộ ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Trong bối cảnh ít mưa như vậy, từ ngày 23 đến ngày 28/3/2015 đã xảy ra 1 đợt mưa trái mùa ở khu vực Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số nơi có lượng mưa trên 300mm như Trà My (Quảng Nam): 390mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi): 500mm. Đây cũng là những nơi có tổng lượng mưa cao nhất trong tháng 3 kể từ khi có số liệu quan trắc.
Từ ngày 23/7 đến 4/8 đã xảy ra một đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở Bắc Bộ với lượng mưa đặc biệt lớn ở khu vực Quảng Ninh, nơi có tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 1000-1300mm, riêng Cửa Ông lên tới trên 1600mm. Một số nơi đã ghi nhận được lượng mưa ngày lớn nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1960 đến nay.
1.2.5. Diễn biến thủy văn Bắc Bộ
Lũ trái mùa đã xuất hiện trên sông Đà, sông Gâm trong tháng 1/2015 và đỉnh lũ đến hồ Sơn La (sông Đà) lặp lại giá trị lịch sử cùng kỳ năm 1978.
Lũ tiểu mãn xuất hiện đúng chu kỳ trên sông Đà, Thao và Lô phổ biến ở mức nhỏ hơn TBNN, riêng trên sông Gâm lớn hơn TBNN.
Mùa mưa lũ chính vụ năm 2015 ở Bắc Bộ đến muộn. Từ ngày 22/7-4/8, trên hệ thống sông Bắc Bộ mới xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7m, riêng tại Chũ (Sông) hơn 9m, ở hạ lưu từ 2-3m. Lũ đặc biệt lớn đã xuất hiện trên thượng nguồn sông Mã, lũ lớn trên sông Thương và sông Lục Nam với đỉnh lũ trên báo động (BĐ)3. Lũ vừa đã xuất hiện trên sông Thao và sông Cầu với đỉnh lũ trên BĐ2: 0,17m; trên sông Kỳ Cùng và Bằng Giang gần mức BĐ2. Đỉnh lũ hạ lưu sông Thái Bình và sông Hồng ở mức dưới BĐ1.
Dòng chảy trên các sông từ tháng 1-2/2015 phổ biến lớn hơn TBNN từ 5-30%. Từ tháng 3-8/2015, dòng chảy nhỏ hơn TBNN từ 20-70%, thiếu hụt nhiều nhất trên sông Thao. Mực nước thấp nhất lịch sử đã xuất hiện trên sông Lô và thấp nhất cùng kỳ xuất hiện tại hạ lưu sông Hồng và Thái Bình.
1.2.6. Diễn biến thủy văn ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Lũ trái mùa đã xuất hiện trên sông các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi trong tháng 3/2015. Đỉnh lũ trên các sông đã đạt mức lịch sử cùng thời kỳ.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 20-60% so với TBNN, có nơi thiếu hụt trên 80% như tại Nghệ An, Khánh Hòa. Trên nhiều sông, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử hoặc thấp nhất cùng kỳ. Từ tháng 1-4/2015, tình hình khô hạn, thiếu nước đã xảy ra diện rộng tại các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, sau đó tình trạng hạn hán dần được cải thiện từ tháng 5. Tuy nhiên, tình hình khô hạn và thiếu nước cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Tại các sông ở Nam Bộ, ngay trong tháng 1/2015 đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn, độ mặn tại hầu hết các trạm ở mức lớn hơn so với cùng kỳ năm 2014 và TBNN. Độ mặn cao nhất tại vùng cửa sông Cửu Long xuất hiện vào nửa đầu tháng 4/2015. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2015, do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh, tại Tân Châu đạt mức 2,42m (thấp hơn TBNN khoảng 0,5m) sau đó xuống nhanh. Hiện nay (25/8), mực nước tại hầu hết các trạm chính ở trung và hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống mức thấp nhất lịch sử cùng thời kỳ.
2. Nhận định xu thế khí tượng, thủy văn từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016
2.1. Bão và áp thấp nhiệt đới
Trong điều kiện El Nino, từ nay đến hết năm 2015 sẽ có khả năng xảy ra khoảng 6-7 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn bão, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
2.2. Nhiệt độ, rét đậm-rét hại
Nhiệt độ trong các tháng từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn TBNN từ 0,5-1,5oC.
Nhiệt độ trong những tháng chính của mùa đông (từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016) có xu hướng cao hơn TBNN, rét đậm-rét hại có khả năng không kéo dài, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện các đợt khoảng 4-7 ngày. Nhận định chung là mùa đông 2015/2016 sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm, ít ngày rét.
2.3. Lượng mưa
Ở Bắc Bộ, lượng mưa trong các tháng 9-10/2015 có khả năng ở mức thấp hơn TBNN khoảng 15-30% và trong các tháng từ 11/2015 đến 2/2016 sẽ ở mức xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa từ tháng 9/2015 – 2/2016 tại khu vực Trung Bộ có khả năng chỉ đạt từ 50-70% so với TBNN cùng thời kỳ, một số nơi thấp hơn. Nhiều khả năng sẽ thiếu hụt mưa trong chính mùa mưa ở khu vực Trung Bộ (từ tháng 9-11), đặc biệt khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận từ tháng 9/2015 đến 2/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN khoảng 20-50%. Mùa mưa ở các khu vực này có khả năng kết thúc sớm hơn so với TBNN.
2.4. Thủy văn Bắc Bộ
Trong tháng 9-10/2015, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long và sông Thái Bình sẽ xuất hiện từ 1-2 đợt lũ ở mức BĐ1, hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình dưới mức báo động BĐ1.
Dự báo tổng lượng dòng chảy trên lưu vực sông Đà trong tháng 9-10/2015 sẽ hụt so với TBNN khoảng 25% nên cần có kế hoạch tích nước sớm và hợp lý ở các hồ thủy điện lớn để bảo đảm dung tích yêu cầu trước khi vào mùa ít mưa ở Bắc Bộ.
Từ tháng 11/2015 đến 2/2016, dòng chảy trên các sông suối sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN, trên lưu vực sông Đà hụt từ 5-30%, sông Thao từ 10-45%, sông Lô từ 10-40%, hạ lưu sông Hồng từ 40-45%. Tuy nhiên, trong các tháng 1-2, nguồn dòng chảy tại Hà Nội hạ lưu sông Hồng có khả năng cao hơn TBNN khoảng 15-20% do có sự cấp nước bổ sung từ các thủy điện lớn ở thượng nguồn phục vụ đổ ải vụ Đông- Xuân. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,3-0,4 m vào tháng 2-3/2016.
Nhìn chung, khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ sẽ nghiêm trọng hơn ở vùng đồng bằng. Tình trạng khó khăn trong cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2015/2016 sẽ diễn ra căng thẳng nhưng nhiều khả năng không đến mức gay gắt như các năm 2010/2011.
2.5. Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên
Các sông Trung Bộ, Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ lũ chính vụ. Đỉnh lũ năm 2015 trên các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng ở mức báo động BĐ1 –BĐ2, ở mức thấp hơn TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông lên trên BĐ3, ở mức xấp xỉ đỉnh lũ TBNN. Tuy nhiên, không loại trừ lũ lớn có thể xảy ra trên một số sông suối nhỏ.
Đỉnh lũ cao nhất năm 2015 trên các sông chính ở Thanh Hóa, Bình Thuận sẽ xuất hiện vào tháng 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10; trên các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11.
Từ tháng 12/2015-2/2016, dòng chảy trên các sông suối ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 20-40%, một số sông ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt trên 60%.
Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông Trung Bộ, Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2015/2016 nên tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm hơn nhiều so với TBNN.
2.6. Thủy văn Nam Bộ
Đỉnh lũ năm 2015 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng ở mức BĐ1, thấp hơn TBNN và xuất hiện vào đầu tháng 10.
Dự báo đỉnh lũ năm 2015 trên sông Cửu Long ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với TBNN từ 20-40% nên trong các tháng đầu mùa mùa khô 2015/2016, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2014/2015 và TBNN, do đó các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo TTDBKTTVTW