Ngày 24/7/2015, các tổ chức đoàn thể gồm Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên thuộc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức hoạt động thường niên kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2015) với nội dung thăm hỏi, động viên các gia đình CBCNV có thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng.
Mặc dù đã tham gia hoạt động rất nhiều lần, vẫn là những điểm đến như cũ, với cùng một mốc thời gian, nhưng dường như mỗi lần tham gia, trong tôi lại có những cảm nhận rất mới lạ và khác biệt.
Đoàn xuất phát tại Đà Nẵng vào một buổi sáng đẹp trời, trên xe rôm rả những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống của những người bạn đồng nghiệp. Địa điểm đầu tiên đoàn dừng chân là nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hoành tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tôi đã từng hình dung sẽ thấy những giọt nước mắt của bà mẹ khi nhắc lại chuyện cũ. Nhưng không, ấn tượng đầu tiên của tôi là một cụ bà nhỏ bé, ốm yếu, tuy một bên tay chân của bà bị liệt nhẹ do bị ngã, khó khăn khi di chuyển nhưng gương mặt bà lúc nào cũng ánh lên nụ cười thân thiện. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn còn rất minh mẫn, thậm chí không kém phần vui tính, tiếp đón chúng tôi với nụ cười vô tư, trả lời một cách hồn hậu rằng “Người Việt Nam thì cứ cười cho đã”. Có lẽ, chính sự lạc quan và tinh thần yêu đời của bà đã giúp bà vượt qua được những khoảng thời gian nhiều mất mát, đau thương nhất và cũng là động lực để bà có một cuộc sống khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Đoàn thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hoành
Chúng tôi từ biệt cụ bà để tiếp tục lên xe di chuyển về nhà Mẹ Trần Thị Giới tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, đây cũng chính là Mẹ Việt Nam anh hùng được Công ty nhận phụng dưỡng trong năm vừa qua. Sau một vài phút chuyện trò, chúng tôi mới biết tên thật của bà không phải là “Giới” mà là Chẩn. Hỏi ra mới biết, không chỉ riêng bà, mà phần lớn những người mẹ của thế hệ trước thường lấy tên mình theo tên con, “Giới” chính là tên của anh hùng “Ngô Văn Giới”. Chỉ là cái tên nhưng cũng gợi cho tôi những suy nghĩ và trăn trở. Những người phụ nữ Việt Nam giai đoạn trước hầu như chỉ dùng cuộc đời mình để chăm lo cho gia đình, ngay cả cái tên cũng là tên của đứa con mình đặt nhiều kỳ vọng và thương yêu. Như vậy cũng đủ thấy được nỗi đau và những sự hy sinh thầm lặng của các Mẹ khi nghe tin con mình phải nằm lại nơi chiến trường mãi mãi.
Đoàn thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Giới
Một địa điểm khác nằm trong cuộc hành trình là gia đình Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, người anh hùng nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara và đã trở nên nổi tiếng với những lời tuyên bố yêu nước nảy lửa trước tòa án và khi ra pháp trường. Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với chị Phan Thị Quyên năm 1964 và chỉ 19 ngày sau lễ kết hôn thì anh bị bắt.Vậy là anh hy sinh khi niềm hạnh phúc được làm chồng cũng chưa được hưởng trọn. Sau một vài phút chuyện trò, thăm hỏi với người chị ruột của anh Trỗi, trong khói nhang nghi ngút trước bàn thờ anh Nguyễn Văn Trỗi, khóe mắt ai cũng cay cay không biết vì khói hay vì những câu chuyện, những kỷ vật biết nói trong ngôi nhà của anh.
Đoàn thăm nhà gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi
Điểm cuối của cuộc hành trình là gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Hòe trú tại 40/8 Yên Bái, Đà Nẵng. Bà thậm chí còn khỏe mạnh và minh mẫn hơn nhiều cụ bà khác cùng lứa tuổi. Bà nói tai bà không nghe rõ, mắt bà mờ, nhưng bà không lãng, bà vẫn còn tỉnh táo lắm.
Đoàn thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Hòe
Kết thúc chuyến thăm hỏi, chúng tôi bước ra xe với tâm trạng bâng khuâng, bồi hồi. Điều gì đã khiến những người phụ nữ gặp nhiều mất mát đó có một tâm thái yêu đời, khỏe mạnh và tinh thần lạc quan, vui sống như vậy. Phải chăng đó chính là niềm tự hào về những người con anh hùng, đã sống một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa cho đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Phương Thảo