“Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp” – Đó là nội dung diễn đàn vừa được tổ chức tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức. Diễn đàn nhằm mục đích trao đổi và đưa ra những biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ.

“Chính phủ, các bộ, ban ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có những
cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ thu hồi vốn nhanh, khấu hao nhà máy và tiến tới có lãi” – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi.

Tính đến nay, cả nước có hơn 200 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, với tổng công suất 4.067MW đăng ký đầu tư. Nếu được đầu tư thích đáng, thuỷ điện nhỏ không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ vùng trung du miền núi mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho Nhà nước.

Ngoài ra, các nhà máy thủy điện nhỏ được xây dựng hầu hết ở vùng núi, nơi kinh tế – xã hội còn chậm phát triển. Việc xây dựng các công trình thủy điện còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các khu vực này.

Tuy nhiên, hiện nay do những bất cập trong quản lý thuế tài nguyên nước và trong cách tính giá bán điện thương phẩm đã dẫn đến thực trạng khó khăn chung cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ.

Ông Nguyễn Đức Đạt – Hội đồng Khoa học Năng lượng (thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) đã nêu lên một số đặc điểm về thủy điện vừa và nhỏ như: quy mô không lớn, diện tích lưu vực nhỏ, diện tích chiếm đất không nhiều do quy mô công trình và khối lượng xây dựng không lớn, hiệu quả đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ không cao bằng thuỷ điện lớn.

Từ những đặc điểm trên, ông Nguyễn Đức Đạt đã nhận định, khi đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ, trước hết, chủ trương đầu tư phải gắn với hiệu quả đầu tư.

Trong Quy hoạch điện VII đã đặt ưu tiên phát triển các nguồn thuỷ điện, trong đó có thuỷ điện vừa và nhỏ. Vấn đề là đầu tư phát triển như thế nào, những dự án nào để có hiệu quả và bảo vệ môi trường?

Theo ông Nguyễn Đức Đạt, trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành gần 30 công trình thuỷ điện lớn trên 100 MW, và trên 200 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, với tổng công suất tất cả thuỷ điện gần 10.000 MW, với tổng điện lượng trên 40 tỉ kWh. Như vậy chúng ta đã khai thác khoảng 40-50 % trữ năng kinh tế.

Riêng sản lượng điện năm 2011 phát ra từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ đạt mức 7,845 tỉ kWh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thuỷ điện, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống và đạt khoảng 45% trữ năng kinh tế của thuỷ điện vừa và nhỏ. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Cừ – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cũng nhận định, đầu tư thuỷ điện không hề đơn giản, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, phần lớn các dự án thuỷ điện nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đường điện đấu nối truyển tải xa…

Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu đấu nối từ các nhà máy thuỷ điện… Mặt khác, hạ tầng cơ sở trong khu vực nông thôn miền núi quá yếu kém nên công tác vận chuyển vật tư thiết bị và cấp điện thi công không đơn giản.  

Ngoài ra, việc đầu tư thuỷ điện còn chịu nhiều yếu tố như: trượt giá do suy thoái kinh tế, chính sách tín dụng, thiên tai lũ lụt, hạn hán kéo dài… dẫn đến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi nhà máy thủy điện hoàn thành sẽ không có đầu ra. 

Theo PGS.TS Đàm Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển điện lực phục vụ cho phát triển kinh tế và công nghiệp hóa là rất lớn thì vấn đề nguồn vốn đóng vai trò quan trọng.

Ông Hiệp cũng cho biết, cũng vì giá thấp nên thời gian trả nợ (vay vốn ngân hàng) thường phải kéo dài. Do đó, nhiều ngân hàng khó có thể chấp nhận. Chưa kể hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam về lực rất yếu, trong khi các ngân hàng nước ngoài gần như chưa vào cuộc (nếu có thì họ cũng tìm cách “tạo sức ép”). Như vậy, để có vốn cho đầu tư phát triển điện chỉ còn mỗi cách là tăng giá điện.

Ông Hà Sỹ Dinh – Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp làm thủy điện nhỏ. Quy định các tổ chức tín dụng chỉ cho vay tối đa 70% (trước thuế và lãi vay) phần còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp.

Theo quy định, thủy điện nhỏ <30MW thì tổng mức đầu tư hiện nay cũng gần 1.000 tỷ đồng, chủ đầu tư phải chứng minh được vốn tự có 300 tỷ, ngoài ra phải có tài sản đảm bảo khác (ngoài dự án) có giá trị tối thiểu 10% giá trị khoản vay vốn mới có thể vay được vốn của ngân hàng. Như vậy, tổng cộng doanh nghiệp phải huy động bằng tiền mặt và tài sản tương ứng tối thiểu 40% tổng mức đầu tư.

Ông Dinh kiến nhị, để giải quyết vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách ưu tiên nhất định cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ.

TS. Lê Trường Thủy – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) chia sẻ: ngoài những khó khăn về vốn đầu tư, đấu nối mạng lưới quốc gia, thì một khó khăn khác đó là cạnh tranh nhau bán, thủy điện nhỏ lép vế.

Theo ông Thủy, từ 1/7/2012 thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức đi vào hoạt động. Cục Điều tiết Điện lực đã ban hành danh sách 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp vào thị trường phát điện cạnh tranh, 26 nhà máy điện tham gia gián tiếp, 18 nhà máy tham gia tạm thời gián tiếp và 20 nhà máy điện dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.

Nhìn vào danh sách này có thể thấy cơ hội bán điện dành cho các nhà máy thủy điện nhỏ là rất ít, với những người bán được chỉ định sẵn.

Ông Phạm Công Nhân – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hà Giang đưa ra một số kiến nghị: đối với các nhà máy thủy điện có đường dây tải điện tử nhà máy đến điểm đấu nối từ 3 km trở lại thì ngành điện mua theo giá quy định chung. Nếu điểm đấu nối xa hơn từ 3km trở lên thì cứ 1km ngành điện mua tăng giá lên từ 0,7-1% theo giá chung. Nhằm giảm bớt khó khăn thiệt thòi cho các nhà máy điện ở xa đường dây quốc gia, mà ngành điện không phải bỏ tiền ra đầu tư lớn một lần.

Đối với các trạm biến thế và đường dây đã xây dựng xong, nhưng cần cải tạo, nâng cấp mà ngành điện chưa đủ tiền đầu tư xây dựng thì các nhà máy nên cùng chia sẻ với ngành điện bằng cách cho ngành điện vay tiền theo lãi suất trung hạn của ngân hàng, số tiền huy động cho vay. Các nhà máy đóng góp theo công suất. Ví dụ: 1MW tương đương 200 triệu, 20MW đương đương 4 tỷ… như thế ở địa bàn Hà Giang có thể huy động được trên 20 tỷ…

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho biết, bất kỳ nguồn năng lượng sạch nào (năng lượng mặt trời, gió, thủy điện…) đều rất có giá trị. Trong thời gian qua, sự bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực thủy điện nhỏ là rất lớn, điều này rất đáng khích lệ vì nó tạo ra một lượng điện giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm bớt khó khăn trong việc cung ứng điện cho nhu cầu phụ tải, đồng thời góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, do chưa có một chính sách hợp lý, ưu đãi (về vay vốn, giá bán, thuế tài nguyên…) nên các nhà đầu tư thủy điện nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ban ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần có những cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thủy điện nhỏ thu hồi vốn nhanh, khấu hao nhà máy và tiến tới có lãi.

Theo NangluongVietnam