(ĐCSVN) – Cùng với việc triển khai tái cơ cấu nền kinh tế theo quan điểm của Chính phủ, việc tái cơ cấu ngành nghề, các tập đoàn, tổng công ty cũng được đặt ra cấp thiết trong giai đoạn ưu tiên phát triển chiều sâu theo hướng tăng trưởng bền vững hiện nay. Trong đó, phải kể đến tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tái cơ cấu gắn với tăng trưởng bền vững, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu tiêu thụ điện của sản xuất và sinh hoạt (Ảnh minh họa: HNV)


Tập trung vào tái cơ cấu ngành nghề, sở hữu và đổi mới quản trị doanh nghiệp

EVN cho biết, Tập đoàn này vừa trình Chính phủ đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2020, phương án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2015. Theo đó, đề án sắp xếp, tái cấu trúc EVN tập trung vào 3 nội dung chính: Tái cơ cấu ngành nghề; Tái cơ cấu về sở hữu và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tập đoàn. Cụ thể, EVN sẽ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện và đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, rút vốn. Về tái cơ cấu sở hữu, tập đoàn đang xin ý kiến Thủ tướng cho bán tiếp cổ phần đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hoá mà nhà nước không nắm giữ cổ phần như Cty cổ phần thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Thuỷ điện Thác Bà, Thác Mơ, Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh… Nguồn vốn thu được sẽ tập trung đầu tư nguồn và lưới điện. Cùng với đó sẽ tập trung thành lập các tổng công ty phát điện, trước mắt trực thuộc EVN sau đó sẽ tách ra và cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp.

EVN cũng cho biết, sẽ xây dựng lại chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2011-2015, đổi mới chức năng, nhiệm vụ, phương thức quản lý của công ty mẹ, tăng tính chủ động, trách nhiệm của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Lãnh đạo EVN cho biết, việc tái cơ cấu EVN trong thời gian tới sẽ lần lượt từ các công ty phát điện. EVN cũng báo cáo Chính phủ cơ cấu lại khâu phát điện theo hướng: hình thành một công ty phát điện thí điểm tách ra khỏi EVN. Công ty này được giao xây dựng vài nhà máy điện nhưng EVN vẫn hỗ trợ tối đa về nhân lực và vốn. Sau một hai năm, nếu mô hình này thành công, EVN sẽ tiếp tục tách các đơn vị phát điện ra khỏi Tập đoàn.

Ngành điện hiện có 4 khâu: đầu tư, phát điện, truyền tải và phân phối trong đó, khâu phân phối hiện không ai muốn quản lý, đầu tư (hiện 28% sản lượng điện thương phẩm hàng năm là thực hiện chính sách trợ giá lại nằm ở khâu phân phối); khâu truyền tải, Chính phủ ra Quyết định thành lập riêng, hạch toán độc lập và Nhà nước độc quyền trong khâu này.

Ở khâu phát điện, EVN đang chiếm 47% công suất trong hệ thống điện với các nhà máy do EVN đầu tư 100% vốn. Nếu cuối năm 2012, cổ phần hoá xong Công ty nhiệt điện Phú Mỹ, EVN chỉ còn dưới 40% công suất.

Đối với khâu đầu tư, với dự báo tốc độ tăng trưởng điện năng là 20% (phương án cao) nhưng cơ chế điều hành là giao cho các nhà đầu tư tham gia, EVN chỉ chiếm 35% công suất trong hệ thống điện, còn lại 65% công suất là các nhà đầu tư ngoài EVN. Trong đó, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành điện triển khai nhanh tiến độ các dự án bằng các quy định, cho vay lại nguồn vốn ODA, vay tín dụng trong nước, tín dụng nước ngoài có bảo lãnh, phát hành trái phiếu trong nước…

Chờ quyết định triển khai trong thực tế

Khẳng định lại một lần nữa về đề án tái cơ cấu EVN, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN thừa nhận, phương án tái cấu trúc của EVN đã được hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ đúng theo yêu cầu về thời gian, song việc thực hiện như thế nào vẫn đang phải chờ.

Không thể phủ nhận một thực tế hiện tại là khó cho các doanh nghiệp khi Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khi định hướng đường đi chưa có, thì việc đưa ra các công việc cụ thể rất bấp bênh.

Các chuyên gia phân tích, cùng chung hoàn cảnh và thực trạng với các DNNN, đối với EVN, yếu tố đầu tiên để đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là được cấp đủ vốn điều lệ tương ứng với nhiệm vụ mà chủ sở hữu nhà nước giao hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng. Do vậy, cơ sở để “tái cơ cấu” tình trạng doanh nghiệp có tỷ lệ nợ quá 3 lần vốn chủ sở hữu rất khó. Cộng với yêu cầu phải bảo toàn vốn, không được phép bán lỗ rồi việc xử lý quan hệ với đối tác như thế nào khi thoái vốn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp này đang hiệu quả. Rồi việc giải quyết ngành nghề chính và phụ thế nào khi ngành phụ đang nuôi ngành chính… Đó là chưa kể tới rào cản không hề nhỏ liên quan đến sắp xếp nhân sự, lao động dôi dư thường tạo áp lực rất lớn lên không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước… Tất cả đang là những thử thách và sức ép không nhỏ tác động tới quá trình thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn./.

Theo Chinhphu.vn