Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành Công Thương cần được tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện
Chia sẻ tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống thiên tai và an toàn đập, hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức vào sáng nay 27/9 tại thành phố Đà Nẵng, về nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong thời gian tới, ông Trịnh Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, một là, các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành thủy điện phải nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhất là trong các đợt mưa lũ, thiên tai lớn phải chuyển sang chế độ vận hành trong tình huống bất thường hoặc chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình.
Ông Trịnh Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
Hai là, tiến hành rà soát toàn bộ các nội dung phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để quán triệt đến các phòng ban, đơn vị hiểu rõ, nắm chắc về các tình huống và phương án xử lý các tình huống để triển khai thực hiện theo quy định.
Trường hợp một số tình huống bất thường mới phát sinh trong thực tiễn mà chưa được thể hiện trong các phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì kịp thời bổ sung, cập nhật để trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.
Ba là, thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra các trang thiết bị, hạng mục công trình và tiến hành sửa chữa đảm bảo vận hành bình thường trước mùa lũ theo quy định. Trường hợp có sự cố công trình mà không thể sửa chữa xong trước ngày 30/8 thì phải báo cáo ngay UBND tỉnh, cơ quan phê duyệt quy trình vận hành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT để được chỉ đạo, xử lý.
Bốn là, tổ chức trực ban 24/24h, giữ thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp trong mùa mưa lũ. Huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệch vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Năm là, sau mỗi trận lũ và sau cả mùa lũ phải tiến hành ngay việc kiểm tra tình trạng ổn định, an toàn công trình, thiết bị, bao gồm cả ảnh hưởng sói lở ở hạ lưu đập tràn, sửa chữa những hư hỏng đe dọa đến sự ổn định, an toàn của công trình và thiết bị và báo cáo Sở Công Thương, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh. Đối với các hồ quan trọng đặc biệt và hồ thủy điện trên địa bàn 2 tỉnh trở lên thì báo cáo thêm Bộ Công Thương.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Trịnh Văn Thuận đề nghị đơn vị chỉ đạo các đơn vị điện lực tại các địa phương, các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý tập trung sẵn sàng đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai các tháng cuối năm 2024; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra đối với các công trình lưới điện, hồ đập thủy điện nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; sẵn sàng mọi phương án để cung cấp điện trở lại sớm nhất đối với các khu vực bị sự cố do ảnh hưởng của thiên tai. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt và các chỉ đạo của cấp thẩm quyền.
Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tại địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục công trình, thiết bị của các công trình thủy điện trước mùa mưa lũ, đặc biệt là hệ thống kéo mở cửa van, hệ thống điện dự phòng, vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai…; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa, kịp thời phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Hội nghị đã được nghe Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện và nghe các tham luận của một số đơn vị thủy điện về kinh nghiệm ứng phó với các đợt thiên tai vừa qua. Đồng thời hội nghị đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về các nội dung liên quan.
Các báo cáo đều đã bám sát vào mục tiêu đề ra của Hội nghị là tập trung đánh giá các việc đã thực hiện, những tồn tại hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là công tác vận hành an toàn các công trình thủy điện, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm triển khai tốt hơn công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu bế mạc Hội nghị.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về diễn biến thiên tai năm 2024, cũng như các đánh giá, nhận định của các chuyên gia vừa phát biểu có thể thấy rằng, thiên tai trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo các đợt lũ sẽ xuất hiện tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên có thể gây áp lực lớn đến công tác đảm bảo an toàn trong vận hành trình thủy điện.
“Chính vì vậy, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành Công Thương cần được các đơn vị tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để ứng phó tốt nhất với các đợt thiên tai xảy ra trong năm 2024, đảm bảo mục tiêu giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Để triển khai tốt công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương.
Theo Tạp chí Công thương
Một số hình ảnh Hội nghị: