Chiều 5/3, Thường trực Chính phủ đồng ý điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015 tăng lên 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Ngay sau đó, ngày 6/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí giải đáp những câu hỏi xoay quanh vấn đề điều chỉnh giá điện.

Theo ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN, trên cơ sở tính toán, EVN đã xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện từ ngày 1/8/2013 (lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất) đến ngày 31/1/2015 như sau: 

20150312-DinhQuangTri-giadien

Ông Đinh Quang Tri giải thích những nguyên nhân khiến EVN phải đề xuất điều chỉnh giá điện

Các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện 1.657,8 tỷ đồng, bao gồm: Giá dầu trong nước bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 giảm so với giá dầu ngày 1/8/2013 làm giảm chi phí mua điện 219,2 tỷ đồng; Giá dầu quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 giảm so với giá dầu ngày 1/8/2013 làm giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí giảm 1.366,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện lên tới 10.491 tỷ đồng. (Bao gồm: Giá than tăng từ ngày 22/7/2014 so với giá than ngày 1/8/2013 làm tăng chi phí phát điện 4.485 tỷ đồng; Điều chỉnh giá khí trên bao tiêu (tính theo cơ chế thị trường bằng 0,46 giá dầu HFO quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015) làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỷ đồng; Do tăng giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng; Tỷ giá bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 tăng so với tỷ giá ngày 1/8/2013 làm làm chi phí mua điện tăng 105,6 tỷ đồng; Thuế tài nguyên nước tăng từ 2% tính trên giá bán lẻ điện bình quân lên 4% làm chi phí phát điện tăng 1.590 tỷ đồng; Giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỷ đồng)

“Như vậy, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 8.833 tỷ đồng”. Ngoài ra một số các khoản chi phí khác như: Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn 1.019,16 tỷ đồng; Chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; Bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy đến 30 MW 166,52 tỷ đồng… Khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2013 còn chưa phân bổ 8.811 tỷ đồng. Theo phương án giá điện được phê duyệt thì khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 khoảng 926 tỷ, số tiền chênh lệch còn lại được phân bổ vào các năm từ 2016 trở về sau khoảng 7.880 tỷ đồng cũng khiến chi phí giá thành sản xuất điện của EVN cao hơn so với thời điểm 1/8/2013.

Trước câu hỏi về việc tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến đời sống sinh hoạt, ông Đinh Quang Tri cho biết: Với mức tăng giá điện bình quân lên 7,5% thì chi phí tăng thêm cho mỗi gia đình sử dụng 50 kWh điện/tháng là 4.800 đồng. Còn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tùy theo giá thành từng hộ tiêu thụ mà tăng từ 0,06 đến 0,6% tùy từng lĩnh vực.

Cũng theo ông Đinh Quang Tri việc tăng giá điện lên 7,5% dự báo doanh thu năm 2015 toàn tập đoàn tăng thêm 13.000 tỷ, lợi nhuận này để EVN phục vụ tốt công tác đầu tư xây dựng, đảm bảo điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

“EVN đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên hàng đầu chứ không phải lợi nhuận, nhưng nếu lỗ không có tiền để đầu tư tiếp thì không thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện nóng như hiện nay”, ông Tri chia sẻ.

Theo EVN