Cửa nhận nước Thủy điện A Vương.
“Quy trình mới quy định trách nhiệm cao nhất là Chủ tịch UBND tỉnh, đối với huyện là Chủ tịch huyện như thế sẽ thuận lợi hơn do họ nắm được tình hình của địa phương. Người đứng đầu cấp chính quyền sẽ căn cứ vào mực nước ở hạ du để ra quyết định xả lũ các nhà máy TĐ. Như vậy vai trò của địa phương trong công tác PCLB là rất lớn”. Ông Bản nhấn mạnh.
Quy trình vận hành liên hồ mới theo ông Bản cũng có hai mức khống chế. Đó là trước mùa lũ các nhà máy TĐ đã hạ mực nước không cho lên mực nước dâng bình thường để phòng lũ. Khi có mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ra quyết định hạ tiếp lần hai xuống sâu hơn để dành dung tích tương đối cho phòng lũ. Do vậy, trong mùa lũ các hồ TĐ luôn đảm bảo dung tích hồ chứa để đón lũ.
“Huyện Đại Lộc là rốn lũ của Quảng Nam do gần biển nên nếu có bão cũng ảnh hưởng rất nặng vì nước ở thượng nguồn đổ về hạ du rất gần. Vì vậy, không phải từ khi có TĐ A Vương mà Đại Lộc mới có lũ mà trước đây cũng đã có rồi. Nhưng nay do thiên tai biến đổi khiến lũ lên nhanh và rút chậm hơn”, ông Nguyễn Nhũ, Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Đại Lộc khẳng định.
Theo Phó Tổng Giám đốc Lê Đình Bản, ngay sau khi TTCP ban hành quy trình mới, Công ty TĐ A Vương đã làm việc với địa phương ký kết lại tất cả các quy chế phối hợp trong công tác vận hành mùa mưa lũ với các Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng; Ban Chỉ huy PCTT huyện Đại Lộc quy chế cung cấp thông tin trong mùa lũ cho phù hợp với quy trình mới. Công ty cũng ký Quy chế phối hợp với 8 chủ hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Ngoài công tác truyền thông làm hàng năm, năm nay, theo quy trình mới, Công ty đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc tổ chức 7 buổi truyền thông ở huyện và 6 xã cung cấp các thông tin về mưa bão trong năm, nét mới của quy trình vận hành liên hồ, trách nhiệm của địa phương, quy chế phối hợp giữa Công ty và địa phương.
Đặc điểm của các hồ TĐ trong lưu vực là có độ dốc lớn, dòng sông ngắn, khi có mưa, nước về nhanh nên Công ty đã lắp thêm 5 trạm đo mưa ở thượng lưu để có thông tin dự báo chính xác hơn. Mặt khác, do đập ở xa khu dân cư nên nguồn điện dự phòng luôn được đảm bảo khi vận hành các cửa van cung. “Như vậy đến đầu tháng 9/2014, các công tác chuẩn bị PCLB của Công ty đã hoàn tất; trong đó, các thiết bị, hệ thống công nghệ đều sẵn sàng vận hành an toàn trong mùa lũ năm 2014”, ông Bản nói.
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thông tin: “Các tổ chức đoàn thể của địa phương có mặt tại đập trong thời gian mưa bão, được trực tiếp giám sát việc vận hành xả tràn hồ chứa của TĐ A Vương là việc làm thể hiện tính công khai minh bạch trong vận hành hồ chứa TĐ. Bởi họ chính là những tuyên truyền khách quan đến nhân dân địa phương quá trình xả lũ thế nào để nhân dân thấu hiểu và chia sẻ”.
Ông Tính cũng bày tỏ sự tích cực của Công ty trong việc hỗ trợ mỗi Trưởng thôn 1 radio và 1 loa phóng thanh để phục vụ công tác truyền thông, hỗ trợ các đội PCLB của các xã hơn 2000 áo phao… “Nếu các nhà máy TĐ ở thượng nguồn đều làm tốt như A Vương thì công tác PCLB sẽ thực sự hiệu quả hơn”, ông Nhũ nhấn mạnh.
Với 160.000 dân thuộc 161 thôn trong huyện; trong đó báo động 3 là 141 thôn và trên 39.000 hộ nước vào nhà thì cái lo nhất theo ông Tính là phương tiện sơ tán dân không kịp, nhất là về ban đêm. Do vậy, phương án của huyện là sơ tán dân kể cả gia súc trước khi trời tối với 5 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng, phương tiện; hậu cần tại chỗ; quản lý và sơ tán dân tại chỗ) nhằm đảm bảo cự ly ngắn nhất, ít rủi ro và hiệu quả nhất.
Bắc Trà My là một trong 4 huyện hạ du của TĐ Sông Tranh 2, công trình còn bị ảnh hưởng của những trận động đất. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), ông Nguyễn Nhuần đánh giá: Ngay từ khi TĐ Sông Tranh 2 đưa vào sử dụng cuối 2010, huyện và Công ty TĐ Sông Tranh đã phối hợp chặt chẽ trong công tác PCLB và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo thực hiện tốt quy chế phối hợp. Theo quy định, khi chuẩn bị xả tràn, Công ty sẽ báo cho UBND huyện, huyện sẽ thông báo với các hộ dân vùng hạ du chủ động kịp thời di dời tài sản và các vật kiến trúc. “Với những cố gắng của hai bên, những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với hạ du của nhà máy sẽ ở mức thấp nhất”, ông Nhuần hy vọng.
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty TĐ Sông Tranh cho biết: Theo quy định hàng năm các chủ đập phải xây dựng các phương án PCLB và đảm bảo an toàn hồ đập trình Bộ Công Thương phê duyệt; trong đó xây dựng các kịch bản và phương án xử lý. Ngoài việc chủ động ký quy chế phối hợp với tất cả các huyện ở hạ du, Công ty còn thông báo mực nước quan trắc hồ thường xuyên, riêng mùa lũ là 15 phút/lần để các huyện chủ động ứng phó khi điều tiết lũ và giảm thiểu thiệt hại cho bà con ở hạ du. Đồng thời lắp đặt 4 trạm cảnh báo lũ từ xa tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước; xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức; tại Thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức và tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam).
Theo khoản 3 điều 2 của quy trình mới, khi hồ Sông Tranh được cấp có thẩm quyền cho phép tích nước đến mực nước dâng bình thường là 175m thì vận hành theo các quy định của Quy trình này. Tuy nhiên, năm nay TĐ Sông Tranh chỉ được phép tích nước đến cao trình 166m nên vẫn vận hành theo Quyết định tạm thời 710 của Bộ Công Thương ban hành. “Tiến đến vận dụng quy trình mới thuần thục, năm nay Công ty phối hợp với Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam xây dựng quy chế vận dụng quy trình mới, đây là bước chuẩn bị ban đầu để khi công trình được phép tích nước đến mực nước dâng bình thường sẽ vận hành trơn chu hơn cũng như phối hợp với địa phương tốt hơn”, ông Lân cho hay.
Ông Lân cũng nhấn mạnh: Khi có quy chế phối hợp, cả chủ đập và địa phương đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ ban hành cũng như quy trình vận hành đơn hồ do Bộ Công Thương phê duyệt. Mục tiêu là phải hiểu biết quy chế như nhau để có sự phối hợp thực hiện tốt hơn.
Trên thực tế, sau khi các Quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa lũ và Quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt, sự liên kết chặt chẽ của địa phương và chủ đầu tư nơi có các nhà máy TĐ trong công tác chỉ đạo điều hành qua Quy chế phối hợp chính là cơ sở pháp lý quan trọng phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của hai bên mỗi khi xả lũ hồ chứa TĐ. Đây cũng là mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, điều tiết xả nước hợp lý nhất, góp phần giảm lũ cho hạ du và cũng đảm bảo hiệu quả phát điện mà các bên đều hướng đến./.