Một loại công tơ điện tử thông minh không những đo được điện năng mà còn đo được chỉ số điện tiêu hao, kiểm soát điện thất thoát, giúp người dùng có thể cập nhật thường xuyên thông số sử dụng điện… đã được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng & Chuyển giao KHCN, Đại học Điện lực nghiên cứu và ứng dụng thành công.
Đọc số điện từ xa
Công tơ điện tử thông minh SmartRF hiện đã và đang được lắp đặt nhiều nơi ở Hà Nội. Sản phẩm hoàn toàn do các nhà khoa học của trung tâm nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt. So với công tơ cơ (hiện 95% các hộ gia đình sử dụng công tơ cơ) thì đây là loại công tơ có nhiều tính năng ưu việt.
Theo ông Phạm Văn Hiệp, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng & Chuyển giao KHCN, SmartRF áp dụng công nghệ sử dụng ADE 7878 và vi điều khiển LM3S8962 có nhân là bộ xử lý ARM Cortex. Đây là bộ vi xử lý 32 bit tiên tiến nhất hiện nay.
Ông Phạm Văn Hiệp giới thiệu về công tơ điện thông minh.
Ngoài ra, công tơ điện tử thông minh còn có thể vẽ biểu đồ phụ tải, cho biết mức năng lượng tiêu thụ trong từng thời điểm trong ngày, từ giúp ích cho việc kiểm toán năng lượng dễ dàng. Thay vì phải trèo lên cột để đọc số công tơ, ghi vào giấy và đánh vào máy tính như hiện nay thì công tơ điện tử cho phép sử dụng phương án đo xa. Ngồi một chỗ có thể biết được số công tơ điện.
Theo đó, mỗi công tơ được trang bị 1 modem để kết nối với mạng điện thoại có dây hoặc không dây. Với phần mềm được viết riêng, chỉ cần gửi một tin nhắn từ điện thoại, thiết bị sẽ gửi lại số công tơ điện ở thời điểm đang hoạt động.
Công tơ điện tử này có bộ nhớ 1Gb, có thể tích lũy dữ liệu trong khoảng 1 năm, sau đó nó sẽ tự động đẩy dữ liệu cũ đi. Bộ nhớ tối đa có thể lắp đặt lên tới 8Gb.
Công nghệ đã sẵn sàng
Ngoài các tính năng nổi bật, công tơ điện tử thông minh này còn có ưu điểm nữa là tuổi thọ cao và giá thành cực rẻ 3,5 triệu đồng/chiếc và tuổi thọ là 10 năm, trong khi công tơ cơ thì tuổi thọ khoảng 5 năm với giá 1,6 triệu đồng/chiếc.
Theo ông Phạm Văn Hiệp, hiện nay một số công ty đang lắp ráp công tơ điện tử trong nước, nhưng cho đến thời điểm hiện nay toàn bộ phần kỹ thuật “thiết kế phần cứng và chương trình phần mềm” là do kết hợp với các hãng nước ngoài chuyển giao, vì vậy không chủ động được về công nghệ, khó nâng cấp và phát triển được công nghệ mới. Trong khi đó, công tơ điện tử Smart RF chỉ mua linh kiện còn viết phần mềm, viết chương trình đều do các nhà khoa học của trung tâm tự làm, vì thế giá vừa rẻ, vừa làm chủ được công nghệ.
Vẫn theo vị chuyên gia này, hiện việc sản xuất hàng loạt là việc trong tầm tay. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn vướng bởi thì việc chuyển giao khoa học công nghệ bên ngoài là khó vì đơn vị sản xuất rất ít khi quan tâm đến sản xuất công nghệ cao mà chủ yếu là đồ gia dụng.
“Sắp tới chúng tôi sẽ nâng cấp nó lên là đo hai lưới điện song song. Ở các tòa nhà lớn, đơn vị sản xuất, khi mất điện thì phải sử dụng máy phát điện. Giá thành điện máy phát cao gấp 3 lần điện thông thường. Nếu 1 đơn vị có tòa nhà cho thuê, để hạch toán được cái đó thì họ phải lắp thêm một mạng điện nữa, thêm 1 sản phẩm công tơ và thêm 1 lưới điện. Như vậy sẽ rất tốn kém. Công tơ này sẽ tích hợp trên cùng 1 lưới đo tách được 2 chỉ số nên không phải mua thêm công tơ. Đó là tính độc đáo của sản phẩm sẽ hoàn thiện”, ông Hiệp cho biết.
Tại thời điểm ông Hiệp tiếp phóng viên KH&ĐS, các nhân viên của Trung tâm đang đi lắp đặt trên 40 thiết bị tại Hà Nội. |