Kỹ Thuật Nhiếp Ảnh Cơ Bản

        alt

        Với kiến thức hạn hẹp, cảm thấy như mình “múa rìu qua mắt thợ”, Tôi cũng xin mạn phép được trình bày vài hiểu biết của mình về “món” chụp hình, mong rằng những gì kinh qua và tham khảo sẽ góp phần kiến thức cho những ai mới cầm máy. Trên tinh thần nghệ thuật, Tôi rất mong đóng góp ý kiến và nhận xét của những ai quan tâm.
I. GIỚI THIỆU:
1. Nhiếp ảnh:
Không nhất thiết phải hiểu sâu cấu tạo điện tử và cách xử lý kỹ thuật số trong máy ảnh để có thể sử dụng chúng. Điều này giống như không cần biết chi tiết cấu tạo xe ô-tô vẫn có thể lái xe ngon lành.
Từ Nhiếp ảnh do một người Anh gọi đầu tiên, theo nghĩa gốc La tinh có nghĩa là : Vẽ bằng ánh sáng. Chính vì vậy mà mọi bộ phận của máy ảnh chỉ phục vụ cho ánh sáng mà thôi.
Còn chụp ảnh được hiểu là sự tổng hợp của các biện pháp về hoá học, vật lý, quang học, thẩm mỹ, tâm lý.. kết hợp lại với nhau để thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
2. Liên quan máy ảnh và mắt:

    alt

3. Các yếu tố cần thiết của máy ảnh: 
Mắt chúng ta tự điều tiết được còn máy ảnh thì không. Ba yếu tố độ nhậy (Iso), khẩu độ (f) , tốc độ (s) là ba yếu tố quan trọng bậc nhất để quyết định tính chất kỹ thuật của máy ảnh. Các yếu tố khác như đo sáng, cân bằng trắng… cần nắm vững để phục vụ, phối hợp tốt cho 3 yếu tố đầu tiên…
3.1. ISO:
ISO là một trong những trị số quan trọng trong máy ảnh số, hiểu và vận dụng giá trị ISO thuần thục vào các tình huống chụp, tức là ta có thể sử dụng máy ảnh số hiệu quả. Nếu ai đã từng sử dụng máy ảnh cơ, khi chuyển qua sử dụng máy KTS sẽ cảm thấy việc thay đổi được trị số Iso là vấn đề vô cùng tiện ích.
(ISO : đây là chữ viết tắt của International Standard Association, tuy nhiên, khi viết tắt, nó không chỉ mang ý nghĩa của một tổ chức, nó được mang một nghĩa mới, đó là những tiêu chuẩn do tổ chức này ban hành. Và trước khi mang tên này để chỉ độ nhạy phim (trong lãnh vực nhiếp ảnh), nó còn có các tên ASA (American Standard Association), DIN (của Đức, trị số tính có khác, chỉ thông dụng ở các nước trong khối XHCN, nay không còn dùng). Những độ nhạy phim thông dụng (tiêu chuẩn) : 25, 50, (64), (80), 100, (125), (160), 200, 400, 800, (1000), 1600, 3200 (những trị số trong ngoặc đã từng được dùng trong quá khứ). Ứng với mỗi trị số chuẩn (không ở trong ngoặc), là độ nhạy của phim (hay số, digital) gấp đôi hay phân nửa những trị số đứng trước hay sau nó)
Ở thời máy ảnh dùng film, ISO (hay còn được gọi là ASA) được định nghĩa là mức độ nhạy sáng của một cuộn phim. Trị số ISO được đo bằng các con số 100, 200, 400, 800… Độ nhạy sáng càng thấp, thì hình ảnh càng mịn và ít nhiễu.
Với máy số, ISO chính là độ nhạy sáng của cảm biến (Sencor). ISO trên máy số hoạt động cùng nguyên tắc với ISO của film, ISO càng nhỏ thì hình ảnh càng mịn và ít nhiễu. ISO cao được sử dụng trong các tình huống chụp ảnh thiếu sáng, để có được tốc độ chụp nhanh hơn (ví dụ chụp các sự kiện thể thao trong nhà cần có tốc độ cao mà không được dùng flash). Tuy nhiên, ISO quá cao ảnh sẽ bị nhiễu (noisier).
 

alt

ISO 100 (ảnh trái) ít nhiễu và chi tiết hơn so với ISO 3200 (ảnh phải)

  Mặc định các máy ảnh kỹ thuật số hiện nay sẽ tự chọn một giá trị ISO thích hợp và cố gắng chọn giá trị ISO nhỏ nhất có thể.
 Chọn giá trị ISO sẽ ảnh hưởng lên khẩu độ và tốc độ chụp của một bức ảnh. Nếu chọn ISO là 100 hay 400 thì sẽ nhận thấy với ISO 400, ta có thể chụp với tốc độ nhanh hơn hay khẩu độ nhỏ hơn so với ISO 100.
 Trước khi quyết định chọn một giá trị  ISO nào đó ta nên tự trả lời bốn câu hỏi sau:
1. Ánh sáng: Ánh sáng của không gian chụp và đối tượng như thế nào?
2. Nhiễu: Nhiễu trong ảnh có quan trọng đối với bức ảnh hay không?
3. Có sử dụng chân máy không?
4. Chủ thể chụp có di chuyển không?
 Nếu ánh sáng mạnh và sử dụng chân máy, đối tượng chụp lại không di chuyển khi đó ta có thể chọn một giá trị ISO thấp (100, 200…). Tuy nhiên, khi không quan tâm đến nhiễu hoặc do không có chân máy hay đối tượng chụp đang di chuyển với tốc độ nhanh, hoặc khi ta chỉ cần ảnh mang tính khoảnh khắc của sự kiện… thì việc tăng ISO để có được tốc độ chụp nhanh hơn là lựa chọn lúc này.
 Dù khi tăng ISO thì chất lượng ảnh sẽ giảm và mất chi tiết do nhiễu (vì lý do này, ta thấy các hãng sản xuất máy ảnh khai thác để cho ra đời những máy ảnh càng ngày càng giảm độ nhiễu khi tăng Iso), nhưng trong một số trường hợp  ta phải chấp nhận như:
– Chụp các sự kiện thể thao trong nhà: do đối tượng chụp thường xuyên di chuyển nhanh và bạn không thể dùng flash (để tránh ảnh hưởng đến các vận động viên).
– Buổi hòa nhạc: thông thường ánh sáng trong nhà hát khá yếu và không cho đánh đèn flash
– Trong các buổi triển lãm
– Trong những buổi tiệc với ánh sáng yếu và nến, nếu đánh flash ảnh sẽ không đẹp

Dương Ngọc Nhơn