Phần 1: Những bước chân đầu tiên

Trước đây, khi nói đến Chuyển đổi số, thường nhiều người hay nghĩ đến một công việc, một hạng mục gì đó cao xa, mang tính xa vời so với thực tế, nhất là đối với Đất nước Việt Nam, một quốc gia hình thành và phát triển trên nền văn minh lúa nước, đi lên bắt đầu từ sản xuất nông nghiệp.

Đến những giai đoạn đầu thế kỷ 20, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập và bắt đầu từng bước trở mình, phát triển, dần dần từng bước thực hiện các giai đoạn “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” đất nước.

Những năm gần đây, cùng sự phát triển như vũ bão của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, ảnh hưởng và tác động đến mọi Ngành sản xuất, trên tất cả lĩnh vực kinh doanh, quản lý, mọi cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ cung ứng, từ các ngành Công nghiệp nặng, Điện tử, Viễn thông, Y tế, Giáo dục cho đến cả các dịch vụ xã hội, các bộ máy quản lý tại Phường, Xã, … đều tích cực tham gia cùng chủ trương chung của Đất nước.

Hòa mình cùng xu hướng phát triển đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã phát động “chiến dịch” Chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh để cùng với các Ngành công nghiệp, dịch vụ khác trong nước, góp phần thúc đẩy, phát triển nền kinh tế, đưa Đất nước Việt Nam lên tầm cao mới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu bốn bể.

Năm 2021, EVN đã chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” để quán triệt mục tiêu, đẩy mạnh lộ trình ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, ứng dụng phần mềm cải tiến, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, liên tục đổi mới, sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, giảm thiểu các rủi ro, chi phí sản xuất; nâng cao sự hài lòng, trải nghiệm mới đối với khách hàng và từng bước đưa EVN trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam.

Hưởng ứng chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như trọng trách mà Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) giao phó, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương được vinh dự là Đơn vị thí điểm Thủy điện triển khai áp dụng các mô hình, giải pháp Chuyển đổi số đầu tiên của Tổng Công ty.

Điều khó khăn đầu tiên gặp phải khi bắt đầu hành trình Chuyển đổi số, đó là sự mơ hồ, xen lẫn hoài nghi về những bước chập chững khi triển khai. Bởi vì theo thói quen chúng ta một khi đã thông thuộc với những hoạt động sản xuất thông thường, ít có ai dám mạnh dạn bỏ những thói quen thường thuộc đó để tiếp cận, sử dụng những phương thức mới mẻ hơn, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, hoặc thông tin cụ thể về những vấn đề mà chúng ta sẽ làm; hoặc tâm lý lo lắng, dè chừng nếu triển khai không thành công, …

Có người nghĩ đơn giản “Chuyển đổi số” thì chúng ta chỉ việc thay thế những hoạt động chân tay, thủ công, giấy tờ thường nhật tại doanh nghiệp bằng những phần mềm, file số, thay vì lưu trữ, truyền tải thông tin bằng bản giấy thì chúng ta dùng email, file scan, file số trên máy tính,… Đó là một nhận định còn nhiều thiếu sót, bởi đó chỉ mới là quá trình “Số hóa(Digitization) hoặc cao hơn một chút là “Số hóa quy trình” (Digitilization)  chứ chưa được gọi là “Chuyển đổi số” hoàn chỉnh (Digital Transformation). “Số hóa” chỉ đơn thuần là chuyển đổi dữ liệu thành dữ liệu số, hoặc chuyển đổi nghiệp vụ thủ công thành nghiệp vụ số hóa chuyên biệt hơn trước; nó chỉ là một khâu tiền đề trong suốt chặng đường “Chuyển đổi số” của doanh nghiệp. (có thể hiểu trừu tượng như là giai đoạn “chuẩn bị nguyên liệu” của quá trình làm bánh vậy).

Hoặc cũng có doanh nghiệp đơn thuần thuê một Đơn vị tư vấn Chuyển đổi số có năng lực, triển khai bổ sung những lạc hậu, thiếu sót trong quy trình nghiệp vụ hiện tại của cơ sở, để đạt được mức chuyên nghiệp hơn. Nhưng điều quan trọng ở đây, chúng ta phải hiểu được là “Chuyển đổi số” cũng không chỉ là chuyển đổi về Quy trình, nghiệp vụ, mà nó còn đòi hỏi phải thay đổi, cải tiến cả về mặt tư duy, văn hóa của cả một tập thể, từ Lãnh đạo cho đến từng nhân viên.

Hoặc cũng có doanh nghiệp muốn bắt đầu “Chuyển đổi số” bằng cách trang bị, thay thế hàng loạt các máy móc, hệ thống thiết bị hiện đại, tối tân nhằm thúc đẩy, hỗ trợ công việc tốt hơn? Điều này cũng chưa hoàn toàn là “Chuyển đổi số”; đó chỉ là một khâu chuẩn bị, ứng dụng nền tảng cơ sở hạ tầng, các công nghệ tiên tiến mà thôi. Một khi còn thiếu nhân tố về con người sử dụng, quy trình nghiệp vụ chuyên môn tiên tiến hơn thì những máy móc, thiết bị dù hiện đại, tối tân đến mấy cũng không thể đưa doanh nghiệp đến hành trình “Chuyển đổi số” thành công.

Vì vậy, có muôn vàn câu hỏi về vấn đề mà chúng ta sẽ phải đương đầu: “Chuyển đổi số” là chuyển đổi cái gì? Chúng ta sẽ phải bắt đầu làm như thế nào? Chuyển đổi bộ phận nào trước tiên? Chuyển đổi như vậy có ảnh hưởng gì đến công việc hiện tại của chúng ta không? Chuyển đổi số thì chúng ta sẽ được cái gì?

Để giải quyết cho các câu hỏi trên, chúng ta đi từng bước một trong Đề bài “Chuyển đổi số” này.

Một doanh nghiệp muốn thực hiện “chuyển đổi số” thì cần hội tụ đủ 4 điều kiện tiên quyết như sau:

  • Chiến lược và Lãnh đạo: tầm nhìn và tư duy Lãnh đạo, định hướng về bức tranh tổng thể Chuyển đổi số mà doanh nghiệp cần đạt được.
  • Quy trình và Quản trị: đường lối, chính sách, cơ cấu tổ chức thực hiện.
  • Con người và Văn hóa: Đội ngũ thực thi, nhân tố then chốt và tài giỏi để đáp ứng yêu cầu đề ra trong quá trình thực hiện.
  • Công nghệ và Hạ tầng: Cơ sở hạ tầng công nghệ, khả năng và đáp ứng tài chính, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp để thực hiện quá trình CĐS.

Các yếu tố trọng điểm trong hành trình Chuyển đổi số

Trong chặng đường Chuyển đổi số, 4 yếu tố này phải luôn luôn đan xen, hỗ trợ và xuyên suốt cùng nhau trong cả quá trình.

Phần 2: Chuyển đổi số thành công bước đầu ở A Vương

Đầu tiên, khi xác định mục tiêu CĐS của Công ty, cũng như mong muốn xây dựng Nhà máy Thủy điện A Vương trở thành Nhà máy điện số đầu tiên, Ông Ngô Việt Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo 4.0 gồm đội ngũ các cán bộ có kỹ năng, nhiệt huyết, kết hợp cùng các Chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các đợt đào tạo về Chiến lược, công nghệ chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như tại Đại học SMU (Singapore). Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo sẽ dẫn dắt, hướng dẫn các thành viên đi theo lộ trình chuyển đổi số đúng như kỳ vọng đã đề ra.

Ông Ngô Việt Hưng trong buổi Hội thảo về Tự động hóa ngành Điện

Đối với yếu tố Quy trình và Quản trị, AVC đã triển khai áp dụng các Hệ thống phần mềm quản trị chủ đạo, xuyên suốt trong Tập đoàn như: Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật PMIS, Hệ thống phần mềm Quản trị hoạch định nguồn lực ERP, phần mềm quản lý nguồn nhân sự HRMS, phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS, …

Song song với việc áp dụng các phần mềm, ứng dụng theo định hướng chung mà EVN ban hành, AVC chủ trương xây dựng các quy chế, quy định về Chuyển đổi số: Ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo 4.0, Tổ công tác giúp việc, các báo cáo, hướng dẫn sử dụng, cập nhật ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho toàn bộ các Phòng ban, Đơn vị trực thuộc về CĐS.

Về lĩnh vực Hạ tầng, Công nghệ, ngoài các nhiệm vụ theo Đề án Chuyển đổi số được giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng Công ty, AVC cũng đã chủ động nghiên cứu và đăng ký các giải pháp công nghệ như:

 + Xây dựng Hệ thống phần mềm quản trị thông minh XHQ, số hóa dữ liệu vận hành từ hệ thống điều khiển DCS, các dữ liệu thủy văn, quan trắc và tập trung dữ liệu lưu trữ nhằm làm nền tảng, cơ sở cho việc phân tích, Bigdata;

+ Nghiên cứu và viết các giải pháp gửi thông tin thủy văn đến các Cơ quan chức năng trong việc điều hành, quản lý Hồ chứa thủy điện;

+ Cải tiến, thay đổi các mạch điều khiển analog trong Hệ thống phụ trợ tại Nhà máy Thủy điện bằng các Hệ thống điều khiển tự động, số hóa hoàn toàn; Bổ sung, nâng cấp hệ thống giám sát và theo dõi nhiệt độ tự động các Hệ thống/thiết bị tại Nhà máy;…

Các hệ thống phần mềm, ứng dụng số triển khai tại AVC

Với tư duy và tầm nhìn chiến lược về Chuyển đổi số, Lãnh đạo Công ty đã ưu tiên xây dựng một nhóm đặc nhiệm để thực thi yếu tố “Con người và Văn hóa” trong quá trình Chuyển đổi số tại Công ty. Điển hình thông qua việc kết hợp với các Đối tác chiến lược, các Chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, tổ chức Hội thảo công nghệ trong và ngoài nước; nhằm đào tạo, nâng cao nhận thức, tư duy và kỹ năng chuyên môn của yếu tố Con người, làm nền tảng chủ đạo xuyên suốt trong chặng đường Chuyển đổi số của AVC.

Các buổi hội thảo về chuyển đổi số

Phần 3: Hồi kết

Tóm lại, để một quá trình “chuyển đổi số” cho doanh nghiệp thành công, đầu tiên chúng ta phải chú trọng đến vấn đề tư duy Lãnh đạo, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám sai dám sửa; đồng thời phải vạch ra được đường lối chiến lược, lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn, bởi vì không ai có thể chuyển đổi tức thời một doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp số chỉ trong nay mai được. Vấn đề này đòi hỏi phải xuyên suốt cả một quá trình, từ tư duy Lãnh đạo; Văn hóa doanh nghiệp, yếu tố nhận thức, Con người, kỹ năng đáp ứng, vận hành và nền tảng Cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại.

Để phát huy thế mạnh và thành tựu mà “Chuyển đổi số” mang lại cho doanh nghiệp, đòi hỏi phải duy trì, phát triển và cải tiến không ngừng cả 4 yếu tố then chốt nêu trên; tránh tình trạng chuyển đổi một cách nửa vời, hoặc chỉ đáp ứng theo xu thế thị trường, chuyển đổi để đối phó với chủ trương chung. Một cách trừu tượng, chúng ta có thể định nghĩa về quá trình “Chuyển đổi số” như định nghĩa về “hạnh phúc” mà Cố nhà văn nổi tiếng Wayne Dyer đã nói trong tác phẩm “Happiness is the way” đó là: “Hạnh phúc là một hành trình, không phải điểm đến”. (Wayne: “There is no way to happiness. Happiness is the way”).

Có như vậy mới thực sự khai thác hết tiềm năng và giá trị hiệu quả to lớn mà “Chuyển đổi số” mang lại cho chúng ta, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực và tài nguyên đồng thời góp phần trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa, công nghiệp hóa Đất nước./.

Từ viết tắt:

– AVC:                        Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương

– CĐS:                        Chuyển đổi số

– DCS:                        Distributed control system: Hệ thống điều khiển phân tán

– ERP:                        Enterprise Resource Planning: phần mềm hoạch định nguồn lực

– EVN:                        Tập đoàn Điện lực Việt Nam

– EVNGENCO2:       Tổng Công ty Phát điện 2

– HĐQT:                     Hội đồng quản trị

– HRMS:                     Human Resource Management Systems: Hệ thống phần mềm quản lý nguồn nhân lực

– IMIS:                       Investment Management Information System: Hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng

– PMIS:                       Project Management Information System: Hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật

– SMU:                       Singapore Management University: Trường Đại học Quản lý Singapore

– XHQ:                       eXtended Head Quarter: Hệ thống phần mềm quản trị thông minh

Phạm Thiên Thanh Phòng Kỹ thuật và An toàn – AVC