Có thể sẽ giúp ích để ghi lại những khoảng khắc đẹp hơn trong dịp nghỉ Lễ sắp đến, Tôi xin trình bày thêm phần về Khẩu độ, Tốc độ và Một số kinh nghiệm chỉnh thông số  Iso – Khẩu độ – Tốc độ…

Phần 1: Khẩu độ (Aperture):

Khẩu độ:

Thuật ngữ khẩu độ (Aperture) dùng để chỉ độ mở của ống kính để cho ánh sáng đi đến cảm biến. Tác dụng của khẩu độ trong máy ảnh là điều tiết lượng ánh sáng đi vào máy ảnh; và  ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (DOF): khẩu độ càng lớn, trường ảnh càng mỏng và ngược lại.

– Hay cái van điều tiết lượng sáng vào máy ảnh này được gọi là cửa điều sáng, độ mở ống kính và giá trị đo nó được gọi là khẩu độ. (ví như cái vòi nước).   alt

Độ lớn của khẩu độ được điều khiển bởi các lá thép chồng so le với nhau trong ống kính, giữa các lá thép này mở ra một đường tròn đồng tâm với các thấu kính. Hoạt động đóng, mở của khẩu độ tương tự như sự điều tiết của mắt người. Khẩu độ chính là kích thước của đường tròn mở ra trong ống kính để ánh sáng đi vào. Kích thước càng lớn thì ánh sáng vô càng nhiều, và ngược lại

– Khi nhấn nút chụp trên máy ảnh số, một lỗ nhỏ trên ống kính sẽ cho phép ánh sáng vào bên trong cảm biến: khẩu độ chính là kích thước của cửa sáng đó. Giá trị khẩu độ lớn có nghĩa là kích thước lỗ sáng càng nhỏ và ngược lại.

– Độ mở của ống kính còn được xác định bởi độ dài của tiêu cự.

– Người ta đo khẩu độ bằng đại lượng gọi là f-stop. Đơn giản thì f-stop là tỷ lệ giữa tiêu cự của ống kính và đường kính cửa sáng. Ví dụ: một ống kính 50mm, với độ mở có đường kính là 12,5mm, sẽ có khẩu độ là 50/12.5 = 4, và được gọi là f4. 

alt

 – Trị số khẩu độ được sắp xếp theo chuỗi lớn dần (thường gặp là: 1; 1,4; 2; 2,8; 4; 5,6; 8; 11; 16; 22; 32…, với trị số 5,6 và 8 được gọi là độ mở trung bình). Trị số càng lớn tức là kích thước của cửa sáng càng đóng nhỏ. Ngược lại, khẩu độ càng to thì độ nét sâu càng nông. Và cửa sáng càng khép nhỏ (22, 32…) thì độ nét sâu càng lớn.

– Trên một dãy số, các trị số liền kề nhau chênh lệch nhau một khẩu (f-stop). Khẩu độ từ 2 sang 2.8 là giảm một khẩu (hay còn gọi là đóng một khẩu), trong khi từ 2 sang 1.4 gọi là tăng một khẩu. Khi tăng hay giảm một khẩu, cường độ ánh sáng cũng tăng gấp đôi hay giảm phân nửa.

alt

Khẩu độ f4 chuyển qua f5.6 gọi là giảm một khẩu, khẩu độ f11 sang f8 gọi là tăng một khẩu.

 Lưu ý: Với những ai mới làm quen với nhiếp ảnh thường lầm lẫn khẩu độ lớn tức là có trị số lớn, trong khi thực tế là khẩu độ 2.8 lớn hơn rất nhiều so với khẩu độ 22.

Độ sâu trường ảnh (Depth of Field – DOF)

DOF chính là phần hiển thị sắc nét trong bức ảnh, còn được hiểu là vùng ảnh rõ. Độ sâu trường ảnh lớn thì các hình ảnh ở xa hay gần đều rõ nét, thường được dùng để chụp phong cảnh. Độ sâu trường ảnh mỏng có nghĩa là chỉ một phần nào đó trong ảnh rõ nét, và hầu hết phần còn lại không rõ nét.

Khi thay đổi giá trị của khẩu độ thì độ sâu trường ảnh sẽ đổi theo. Khẩu độ mở càng lớn (trị số càng nhỏ) thì độ nét càng nông, và ngược lại. Cách tốt nhất để hiểu được độ sâu trường ảnh là ta nên thử nghiệm ngay với máy ảnh của mình. Sau khi hiểu được hiệu ứng do khẩu độ mang lại,khi đó mình  sẽ thấy được nhiều giá trị của việc kiểm soát khẩu độ mang lại.

altalt

 Ảnh bên trái có khẩu độ f2.8, nên hậu cảnh bị xóa mờ, ảnh bên phải có khẩu độ f22 nên hậu cảnh rõ hơn.

Vài ví dụ về ứng dụng của khẩu độ với một số thể loại ảnh:

– Đối với chụp phong cảnh, người chụp luôn mong muốn sẽ lấy được sắc nét toàn bộ khung cảnh từ điểm gần nhất cho tới điểm xa nhất vì vậy mà độ mở ống kính thường được để ở độ mở nhỏ nhất (trị số lớn).

– Khi chụp chân dung, nhằm làm nổi bật chủ đề, muốn chủ đề tách hẳn ra khỏi hậu cảnh (không cần nét ở hậu cảnh), nên khẩu độ lớn (trị số nhỏ) sẽ được chọn.

– Tương tự như thể loại phong cảnh, khi chụp ảnh macro cũng cần sử dụng khẩu độ đóng nhỏ để làm nổi bật chủ thể và tập trung ánh mắt của người xem vào chủ thể chụp.

– Chụp trong ánh sáng yếu cũng như các chủ đề chụp chuyển động nhanh, ống kính có độ mở càng lớn thì càng dễ.

– Đối với chụp ảnh bắn pháo hoa, bạn sẽ có được những tấm ảnh đẹp khi đứng xa nơi bắn pháo hoa. (Nên mang theo chân máy vì phải chụp tốc độ chậm. Tùy vào người chụp mà khẩu độ để khác nhau (màu bầu trời…). (cụ thể, để độ mở ống kính là f/11 đến f/22. Máy cơ với tốc độ B).

  Chú ý: Độ sâu trường ảnh phụ thuộc nhiều vào loại máy ảnh (kích thước cảm biến), tiêu cự ống kính đang sử dụng, khẩu độ, khoảng cách lấy nét (là khoảng cách từ mặt phẳng cần lấy nét đến ống kính). Độ mở khẩu và khoảng cách lấy nét chính là hai yếu tố quyết định độ sâu trường ảnh, tuy nhiên khả năng xóa phông một phần cũng tùy thuộc vào ống kính.

alt

Bảng liên quan giữa tiêu cự khoảng cách lấy nét và DOF

Phần 2: TỐC ĐỘ :

Là mức độ chập nhanh hay chậm của hệ màn chập (có màn chập lá, màn chập rèm ngang, màn chập rèm đứng). Những con số xuất hiện trên máy chụp là thể hiện tắt của trị số nghịch đảo của giây (second, s). Như 1/4s được ký hiệu là 4, con số 500 sẽ được hiểu là 1/500s. Vì là con số nghịch đảo, nên số càng lớn thì tốc độ chập càng cao (độ rung ít hơn), số càng nhỏ thì tốc độ chập càng chậm (dễ rung hơn), người ta còn đưa cả tốc độ âm (nhiều hơn 1s) vào, và lên đến khoảng 30s, ngoài ra, tốc độ B được hiểu là dạng tốc độ chậm tùy ý .

             alt

Với máy ảnh chụp phim, tốc độ màn trập là thời gian ánh sáng tiếp xúc với phim, do đó định nghĩa dễ hiểu nhất về tốc độ màn trập là thời gian mà màn trập được mở ra để ánh sáng đi vào cảm biến. Nói cách khác, đó là thời gian cảm biến nhận ánh sáng.

Vài thông số sau giúp bạn hiểu hơn về tốc độ màn trập:

– Tốc độ màn trập được đo bằng giây, như 1/500s, 1/100s, 1/10s. 1s, 2s… 30s.

– Trong hầu hết các trường hợp, tốc độ chụp tốt nhất thường từ 1/60s trở lên. Với các tốc độ chụp thấp hơn, các chuyển động nhanh hơn sẽ làm mờ ảnh. Ngoài ra, tốc chụp chậm đòi hỏi bạn phải thật chắc tay khi chụp.

– Với các tốc độ chụp dưới 1/60s, bạn cần một chân máy cho vững chắc. Ngoài ra, có thể chọn một ống kính hay thân máy có tính năng chống rung.

– Tốc độ màn trập được thiết lập sẵn trong máy thường tăng/giảm gấp đôi trong mỗi thiết lập, do đó bạn thường có các lựa chọn sau: 1/500s, 1/250s, 1/125s, 1/60s, 1/30s, 15s, 8s…

Tương ứng với mỗi tốc độ màn trập khác nhau trong cùng điều kiện sáng thì khẩu độ cũng thay đổi tương ứng theo. Ví dụ: với khẩu độ f8 tại tốc độ 1/125 sẽ tương ứng với f5.6 ở tốc độ 1/250.

 alt

– Đối với máy ảnh có chức năng chỉnh tay (Manual) cho phép ta chọn các tốc độ chụp rất chậm, được tính bằng giây (như 1 giây, 10 giây, 30 giây…) để sử dụng trong tình huống ánh sáng rất thấp, hay bạn muốn tạo một hiệu ứng đặc biệt,  hay các chuyển động liên tục tạo các vệt sáng mờ ảo trong ảnh. Ngoài ra, còn chế độ chụp B (Bulb), cho phép bạn giữ cho màn trập luôn mở khi còn nhấn nút chụp.

 alt

– Khi nghiên cứu các hiệu ứng do tốc độ màn trập mang lại, ta có thể tạo hiệu ứng chuyển động cho một cảnh đứng yên, hay bắt dính chuyển động nhanh.  Khi có chuyển động trong ảnh, bằng cách tăng tốc độ màn trập có thể chọn bắt dính chuyển động đó, hay cố ý để chuyển động đó tạo thành các vệt mờ trong ảnh (tuỳ cảm hứng của mình).

 alt

– Tốc độ chụp chậm đôi khi khá cần thiết để diễn tả chuyển động, như chuyển động nhanh của thác nước đang chảy, hay diễn tả các vệt mờ của các xe đang đua ở tốc độ cao. Trong tất cả các trường hợp, tốc độ chụp chậm đều nên cần một chân máy, nhiều trường hpựo không có chân, ta có thể tìm một vị trí đặt máy thay cho chân (trên bàn, ghế…).

– Ta cần lưu ý sự liên quan giữa tốc độ chụp và độ dài tiêu cự của ống kính. Ống kính có tiên cự càng dài thì độ rung càng nhiều, do đó cần để tốc độ chụp ảnh nhanh hơn.

Một mẹo nhỏ: ta sử dụng trị số tốc độ chụp lớn hơn độ dài của tiêu cự ống kính. Ví dụ: với ống kính 50mm thì tốc độ chụp là 1/60s, trong khi với ống kính 200mm thì tốc độ chụp là 1/250s.

Những trị số chuẩn : 30s, 15s, 8s, 4s, 2s, 1, 2, 4, 8, 15, 30, 60, 125, 250, 500, 1000, 2000, 4000, 8000, 16000. Ứng với mỗi trị số tốc độ, là lượng sáng vào gấp đôi hay phân nửa.

Tốc độ di chuyển của chủ thể càng nhanh, tốc độ trập của máy ảnh càng phải nhanh.

Vài tình huống tham khảo:

– Đi bộ, tay chân chuyển động bình thường : trung bình 1/250

– Duyệt binh: trung bình 1/320.

– Chạy bộ, trẻ còn đùa nghịch: khoảng 1/500

– Đá bóng, biễu diễn võ: Khoảng 1/500

– Xe ôtô, xe máy chạy trên đường: Khoảng 1/1250

Một số kinh nghiệm chỉnh thông số  Iso – Khẩu độ – Tốc độ (không sử dụng chân máy):   

(Như đã nói ở lần trước, đối với máy cơ, ta chỉ có thể thay đổi 2 thông số khẩu độ và tốc độ cho phù hợp, máy KTS ta lại có thể thay đổi Iso. Vì vậy có rất nhiều tiện ích và lựa chon cho người chụp ảnh)

alt

Thêm một mẹo nhỏ:

– Khi cần sử lý nhanh, ta lưu ý tốc độ hiện trên màn hình để có thể chỉnh các thông số Iso hoặc khẩu độ và cầm máy cho phù hợp khi chụp. Và thực tế đối với Công ty, hình ảnh được chụp ở những nơi có ánh sáng thường cố định (ngoài trời, phòng họp, gian máy…) nên ta có thể dể dàng lựa chọn chế độ phù hợp theo sở thích riêng.        

Dương Ngọc Nhơn